Hôm nay (9/11), Quốc hội dành cả ngày thảo luận tại hội trường về Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Mở đầu phiên làm việc buổi chiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý các nội dung cần tập trung: Phân tích làm rõ thêm phạm vi điều chỉnh của luật; đối tượng, phạm vi kê khai tài sản; Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng…
Cuối phiên thảo luận sáng nay, đại biểu Dương Trung Quốc đã có phát biểu khá thẳng thắn về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) thời gian qua. Theo đại biểu Dương Trung Quốc: “Cá nhân tôi cho rằng để sửa luật lần này phải đánh giá cho đúng luật đã thông qua năm 2005 và nếu dũng cảm nhận rằng đã thất bại thì mới mong sửa thành công”.
Đại biểu cho rằng, thất bại dường như đã được báo trước nếu ta nhớ rằng khi thảo luận dự luật năm 2005 dư luận ngoài xã hội và ngay trong diễn đàn Quốc hội người ta đã nhiều lần nhắc đến thành ngữ "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Tinh thần phê và tự phê bình cũng phải được thấm nhuần ngay trong Quốc hội và Quốc hội phải đồng chịu trách nhiệm về bộ luật mà lần này chúng ta phải mang ra sửa lại, lãng phí thời gian 6 năm với biết bao nhiêu tổn hại.Vì nếu Luật năm 2005 làm tốt hẳn sẽ không có Vinashin, Vinalines”- ông Dương Trung Quốc nói.
Từ thực tế mà đại biểu Dương Trung Quốc nêu, “Đề nghị từng điều luật cụ thể phải có cơ chế để công chúng và báo chí giám sát, được tiếp cận ở mức độ thế nào… Nếu không qui định rõ thì người dân thấy tham nhũng cũng không dám phát giác, không muốn lên tiếng và không biết lên tiếng với ai” – đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nêu ý kiến.
Cùng chung quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng: Cần có cơ chế bảo vệ báo chí chống tham nhũng nếu không lực lượng này sẽ nhụt chí trong cuộc đầu tranh này”.
Các ý kiến liên quan đến nội dung này đều hướng tới việc phát huy vai trò của báo chí để báo chí được rộng đường công khai với dư luận, cũng là kênh quan trọng để người dân biết và giám sát.
Đại biểu Nguyễn Văn Minh (đoàn Bắc Kạn), cho rằng, để tránh tình trạng kê khai theo kiểu đối phó hình thức, đồng thời đảm bảo công bằng về nghĩa vụ và sự toàn diện đối với người kê khai tài sản thu nhập, đề nghị đối tượng nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập là tất cả công chức, viên chức. “Có như vậy mới kiểm soát và phòng ngừa được sai phạm, vướng mắc trong quá trình công tác và đảm bảo công bằng nghĩa vụ đối với cán bộ công chức đã được quy định trong Luật công chức” – đại biểu Nguyễn Văn Minh nói.
Đại biểu cũng nêu thực tế hiện nay không chỉ cán bộ công chức, viên chức có quyền hạn mới tham nhũng, nhiều trường hợp, không phải là đảng viên, không phải là người có chức, có quyền nhưng được thẩm tra dự án, giám sát chương trình vẫn sẽ nảy sinh tham nhũng.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (đoàn Bắc Ninh) cho rằng: “Không phải tất cả cán bộ, công chức đều có thể tham nhũng. Đối tượng này không cần thiết phải kê khai tài sản, làm như vậy là tràn lan. Nếu cần thiết, chỉ tập trung vào một số ngành có khả năng gây tham nhũng”.
Đảng sẽ lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng
Về cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng, đại biểu Vũ Xuân Trường (đoàn Nam Định) nhất trí cao với dự thảo về tổ chức hệ thống cơ quan phòng, chống tham nhũng gồm: cơ quan chỉ đạo, lãnh đạo là thuộc về Bộ Chính trị, Ban nội chính của các cấp. Các cơ quan thực thi gồm có: Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra về phòng, chống tham nhũng thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và cơ quan của Viện kiểm sát phòng, chống tham nhũng của Viện kiểm sát nhân dân.
“Tôi cũng đề nghị bổ sung thêm một đối tượng nữa là cơ quan điều tra của Viện kiểm sát đang thực hiện các hành vi điều tra các tội về xâm phạm hoạt động tư pháp của cán bộ tư pháp vi phạm pháp luật” – đại biểu Vũ Xuân Trường nói.
Theo đánh giá của đại biểu Vũ Xuân Trường, các cơ quan nói trên trong thời gian qua đã được tổ chức đồng bộ có chân rết, có lực lượng từ Trung ương đến cơ sở và chỉ cần làm sao tạo được điều kiện tăng cường quản lý, tăng cường về cơ chế để kiện toàn củng cố cho các cơ quan này mạnh lên. Nếu đặt vấn đề thành lập cơ quan phòng, chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội một cơ quan riêng biệt thì nó sẽ liên quan tới rất nhiều hệ thống như việc kiểm sát cơ quan điều tra này như thế nào? Việc công tố đối với cơ quan điều tra này như thế nào? Ở Trung ương thành lập như thế, dưới các cơ sở, địa phương thì thành lập như thế nào? “Cách này chồng chéo và tốn kém” – đại biểu Vũ Xuân Trường nói.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) đồng ý với việc thành lâp Cơ quan PCTN thuộc Quốc hội. Cơ quan này có tên gọi Ủy ban Quốc gia phòng chống tham nhũng. Uỷ ban này là cơ quan tối cao của đất nước, có cơ chế đặc biệt, trực thuộc và chịu trách nhiệm trước Quốc hội, có bộ phận điều tra riêng, chịu sự giám sát chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quốc hội sẽ bầu các chức danh chủ chốt của Ủy ban Quốc gia phòng, chống tham nhũng. Tổng Bí thư là Chủ tịch của Ủy ban này. “Làm như vậy vừa chính danh vừa hợp pháp” – đại biểu Nghĩa khẳng định./.