Cùng dự có Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Chỉ đạo nhiệm vụ của ngành tư pháp, Thủ tướng nêu rõ, Bộ phải góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế để thực hiện một trong ba nhiệm vụ đột phá chiến lược. Trong nhiệm vụ này, Bộ Tư pháp phải là “nhạc trưởng”, là cơ quan “gác cửa” trong việc đảm bảo tính thống nhất, tính hợp pháp, tính hợp lý, và khả thi của pháp luật.  

thu_tuong_phat_bieu_bihu.jpg
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao những kết quả mà ngành tư pháp đạt được trong năm qua, đồng thời cho biết, trong hầu hết cuộc họp, buổi làm việc của lãnh đạo Chính phủ đều có sự tham gia, đóng góp ý kiến rất trách nhiệm của Bộ Tư pháp, đặc biệt là khía cạnh pháp lý, thực thi pháp luật và được Chính phủ đánh giá cao. Năm qua, chất lượng công tác xây dựng, thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được nâng lên rõ rệt. Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm.

Thủ tướng đánh giá cao Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền gần 6.000 văn bản, và trong quá trình đó, đã phát hiện, kiến nghị xử lý đối với 84 văn bản trái pháp luật về nội dung thẩm quyền. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là việc làm cần thiết để bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ và ngành đã tham mưu cho Thủ tướng, lãnh đạo các tỉnh, thành xử lý được một số vụ việc tranh chấp đầu tư, thương mại có yếu tố nước ngoài, giúp thắng kiện một số vụ việc. Điều đó cho thấy kinh nghiệm và trình độ tham gia giải quyết tranh chấp quốc tế của chúng ta được nâng lên.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, công tác xây dựng thể chế pháp luật vẫn còn bất cập, nhất là một số văn bản chưa theo kịp thực tiễn, thiếu khả thi. Có văn bản mới ban hành những đã phải sửa đổi bổ sung. Tình trạng nợ đọng văn bản vẫn còn, còn tình trạng xin rút, xin lùi văn bản. Thủ tướng nhấn mạnh đây không phải là trách nhiệm của riêng Bộ Tư pháp mà là trách nhiệm chung của các bộ, ngành và địa phương. Bộ Tư pháp và cán bộ pháp chế phải đóng vai trò quan trọng trong xây dựng pháp luật và đôn đốc thực hiện công việc này, tránh tình trạng “bắc nước chờ gạo” mà đại biểu Quốc hội nêu.

Thủ tướng cũng nêu thực tế, qua thanh tra, điều tra vừa qua ở nhiều bộ, ngành, địa phương đã phát hiện nhiều vi phạm trong quản lý nhà nước như đất đai, tài sản công, cổ phần hóa, vụ việc AVG, Thủ Thiêm, nhất là tại địa bàn Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều địa phương khác.

Nêu vấn đề này, Thủ tướng nêu trách nhiệm của cán bộ tư pháp: “Điều này nói lên cái gì? Cán bộ pháp chế, tư pháp suy nghĩ gì? Với trách nhiệm là người gác gôn về pháp luật, các đồng chí đã làm hết trách nhiệm trong tham mưu cho lãnh đạo chưa, hay góp ý rồi mà lãnh đạo không nghe? Có vấn đề gì trong cơ chế tham mưu của cán bộ tư pháp với lãnh đạo”.

Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò của cán bộ tư pháp nếu mạnh dạn can gián, làm tốt chức trách nhiệm vụ thì các sai phạm sẽ ít xảy ra.

Thủ tướng cũng lưu ý việc đưa luật vào cuộc sống, thực thi pháp luật chưa cao, còn  tình trạng nhờn luật và phổ biến ở một số lĩnh vực. Thủ tướng nêu ví dụ trong việc thực hiện Luật Giao thông đường bộ chưa nghiêm dẫn đến số người chết lớn hàng năm. Nêu thực tế đó, Thủ tướng đề nghị ngành tư pháp đề xuất giải pháp để việc thực thi pháp luật hiệu quả hơn.

Hoạt động của một số nghề bổ trợ tư pháp như luật sư, thừa phát lại, công chứng còn tiềm ẩn phức tạp. Sự kết hợp giữa quản lý Nhà nước với vai trò tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực này bộc lộ nhiều bất cập. Công tác giám định tư pháp có nhiều tồn tại, nhất là giám định, định giá tài sản phục vụ các dự án tham nhũng lớn mà cơ quan chức năng đang tập trung giải quyết. Cụ thể là chậm về thời gian và thẩm định đánh giá sai. 

Việc tham gia tranh tụng quốc tế tuy đã cố gắng, nhưng Thủ tướng cho rằng các địa phương còn bị động trong vấn đề này. Theo đó, thường các đơn vị ở địa phương không có sự chuẩn bị, tham vấn pháp lý trước, để xảy ra bị kiện rồi mới đề nghị hỗ trợ giúp đỡ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu thực tế, lượng án dân sự chưa có điều kiện thi hành qua các năm có xu hướng ngày càng tăng, tiền và tài sản thu hồi thấp. Công tác quản lý Nhà nước về thi hành án, nhất là án hành chính còn nhiều bất cập.

Về nhiệm vụ năm 2019, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tư pháp cần có các giải pháp để tạo sự bứt phá để đạt kết quả cao hơn so với năm 2018: “Với chức năng vai trò nhiệm vụ được pháp luật giao, Bộ Tư pháp cần xác định tập trung thực hiện tốt nhất nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, đây được xác định là một trong ba nhiệm vụ đột phá chiến lược, và các đồng chí sẽ là nhạc trưởng, là cơ quan gác cửa  trong việc đảm bảo tính thống nhất, tính hợp pháp, tính hợp lý, và khả thi của pháp luật và là  người gác gôn của chính phủ trước các vấn đề pháp lý quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc. Các đồng chí ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ rõ nét hơn và bài bản”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh chung cùng các đại biểu dự hội nghị.

Ngoài việc thực hiện các chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh mà Quốc hội đã thông qua, Thủ tướng yêu cầu Bộ tham mưu cho Chính phủ nâng cao chất lượng xây dựng hoàn thiện thể chế để thực hiện các mục tiêu: cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để hướng tới tiêu chuẩn OECD; tạo điều kiện cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở nước ta; cải cách tư pháp và xây dựng luật phải theo tinh thần Nghị quyết 48 và 49 của BCH Trung ương.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tư pháp đôn đốc, chủ trì, hướng dẫn thực hiện chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh đúng tiến độ, đúng quy trình, khả thi, chất lượng và hiệu quả.  Đặc biệt là Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp; Luật xử lý vi phạm hành chính.

Nhắc lại chuyện đổi 100 USD phạt 90 triệu đồng, Thủ tướng yêu cầu Bộ và ngành tư pháp phải giữ vai trò “gác cửa” trong việc đảm bảo tính thống nhất, hợp pháp, hợp lý, khả thi của hệ thống pháp luật. Theo đó cần kiến nghị Thủ tướng xem xét xử lý việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trái luật theo quy định, đảm bảo loại bỏ các văn bản này loại bỏ khỏi hệ thống.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm qua, Bộ đã hoàn thành 190/233 nhiệm vụ Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao, không có nhiệm vụ quá hạn. Bộ đã quyết liệt chỉ đạo cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc phảm vi quản lý với tỷ lệ cắt giảm là trên 52%. Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp tăng 2 bậc, đứng thứ 4/19 bộ, ngành. Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử đứng thứ 3/19 bộ, ngành.

Trong năm qua, các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 16 dự án luật và 1 pháp lệnh, nhiều nghị quyết. Các bộ, ngành đã xây dựng trình Chính phủ và Thủ tướng ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 989 văn bản; các địa phương ban hành gần 3.350 bản cấp tỉnh, trên 1350 văn bản cấp huyện.

Bộ Tư pháp đã thẩm định 246 dự thảo; tổ chức pháp chế của các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 731 dự thảo; Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp thẩm định gần 6.100 dự thảo...

Trong công tác thi hành án dân sự, Bộ đã thi hành xong gần 572.000 việc, đạt tỷ lệ trên 80% với số tiền 34.500 tỷ đồng./.