Ngày 21/3, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết trong tuần tới sẽ có thông báo kết luận của Bộ Chính trị về Đề án Quy hoạch báo chí.

Trước đó, Đề án Quy hoạch phát triển quản lý báo chí toàn quốc đến 2025 được Chính phủ trình tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI. 

Hội nghị đã khẳng định Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. 

bao_chi_uxjz.jpg
Báo chí góp phần lớn trong việc đưa các thông tin về chủ trương, chính sách của nhà nước đến các tầng lớp nhân dân. Trong ảnh: Học sinh Tây Ninh xem thông tin về tuyển sinh trên báo (Ảnh: Như Hùng)

Trên cơ sở phân tích, đánh giá sâu sắc thực trạng phát triển và quản lý báo chí với những kết quả, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân cụ thể; thấy rõ xu hướng phát triển thông tin, truyền thông trên thế giới, trung ương khẳng định sự cần thiết phải sớm ban hành và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025. Do đó, trung ương đã giao tiếp tục hoàn thiện để trình Bộ Chính trị cho ý kiến thông qua.

Ngày 12/3 vừa qua, Bộ Chính trị đã cơ bản thông qua đề án. Tiếp đó, ngày 19/3, tổ biên tập đề án một lần nữa xem xét bổ sung, sửa đổi dự thảo kết luận của Bộ Chính trị.

Sau khi có thông báo, Thủ tướng sẽ ban hành Quyết định và sẽ triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch phát triển quản lý báo chí toàn quốc đến 2025 trong năm 2015.

Đề án nêu rõ các nội dung chủ yếu như đánh giá toàn diện tình hình báo chí, quan điểm, mục tiêu quy hoạch báo chí và định hướng quy hoạch với từng loại hình báo chí (hiện có 4 loại hình báo chí gồm báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình); phương án sắp xếp các loại hình báo chí.

Đề án nêu rõ bên cạnh những thành tích đạt được, báo chí cũng có rất nhiều nhiều khuyết điểm, yếu kém. Nhiều cơ quan báo chí chưa làm đúng tôn chỉ mục đích; chưa thể hiện được vai trò là tiếng nói của Đảng, tổ chức chính trị, chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp; chưa bảo đảm thực hiện tốt vai trò là diễn đàn của nhân dân.

Năm 2014, nhiều cơ quan báo chí, nhất là các ấn phẩm phụ có sai phạm về nội dung, gây bức xúc cho xã hội. Nhiều cơ quan chủ quản từ bỏ hoặc giảm trách nhiệm của mình, thậm chí lệ thuộc vào kinh tế của báo chí để hoạt động.

Do đó, Đề án Quy hoạch phát triển quản lý báo chí toàn quốc đến 2025 đã được triển khai nhằm đảm bảo cho các cơ quan báo chí phát triển lành mạnh, đúng hướng./.