Tại Hội nghị Trung ương 10 đang diễn ra ở Hà Nội, Đề án Quy hoạch và quản lý báo chí đến năm 2025 sẽ được xem xét, thảo luận.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của báo chí cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mong Trung ương quan tâm cho ý kiến đối với từng vấn đề, nhất là vấn đề nâng cao chất lượng, thu gọn đầu mối, điều chỉnh cơ quan chủ quản và tăng cường công tác quản lý báo chí trong tình hình mới.
Sự nở rộ của báo chí trong những năm gần đây, một mặt đáp ứng nhu cầu thông tin phong phú của mọi đối tượng trong xã hội, nhưng mặt khác cũng đặt công chúng trước sự lựa chọn khó khăn. Khó khăn trong lựa chọn loại hình báo chí, nội dung thông tin và thậm chí cả tính chính xác của thông tin.
Số liệu mới nhất được đưa ra tại Hội nghị báo chí toàn quốc cho biết, hiện cả nước có 845 cơ qua báo in và tạp chí, 1 hãng thông tấn quốc gia, 98 báo và tạp chí điện tử, 67 đài phát thanh- truyền hình. Chỉ tính riêng năm 2014 đã có thêm 7 cơ quan báo in được thành lập mới, 6 báo và tạp chí điện tử, cấp mới và thay đổi tôn chỉ mục đích của 2 kênh truyền hình…
Đánh giá về thực trạng báo chí ở nước ta hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Dững, Trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, lĩnh vực này vừa thừa lại vừa thiếu và có những biểu hiện đi ngược với thế giới.
“Đi ngược thế giới ở chỗ, trong lúc báo in khó khăn, thế giới người ta giải thể, sáp nhập thì cơ quan báo in của mình năm nào cũng tăng. Điều này nghe thì rất vui nhưng thực tế không phải như vậy. Sự ra đời của cơ quan báo in đó có thể không xuất phát từ nhu cầu mà do nhu cầu chủ quan của một số người, hậu quả từ cơ chế xin cho và ra đời như vậy”, PGS.Tiến sĩ Nguyễn Văn Dững phân tích.
Đánh giá về bức tranh báo chí ở nước ta hiện nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng: nhiều cơ quan báo chí thời gian qua đã năng động, đổi mới, thích nghi với cơ chế thị trường định hướng XHCN. Hoạt động của báo chí, các trang mạng xã hội đã đem lại rất nhiều thông tin tốt cho người dân. Tuy nhiên, hoạt động của các cơ quan báo chí cũng bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Đó là sự lãng phí về nguồn lực, dẫn đến hiện tượng có nhiều tờ báo na ná nhau, kể cả về nội dung, tôn chỉ, mục đích, làm giảm đi bản sắc riêng của mỗi tờ báo. Đồng thời, trong sự phát triển mạnh mẽ số lượng của các cơ quan báo chí như vậy, cũng không thể không tránh khỏi sự cạnh tranh về thông tin, dẫn đến những thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật, phản cảm, giật gân, câu khách, gây búc xúc trong xã hội, làm giảm đi tính định hướng, tính giáo dục của báo chí nước nhà.
Trong chuyên mục “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” vào tháng 6/2014, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định: quy hoạch báo chí trong lúc này là cần thiết. “Quy hoạch không chỉ là để xem xét giảm số lượng báo chí mà quan trọng hơn là chúng ta phải đưa ra hành lang pháp lý, đưa ra những chính sách để xây dựng báo chí hợp lý về số lượng, đặc biệt, nâng cao chất lượng. Tôi tin tưởng rằng, Đề án Quy hoạch báo chí khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt chắc chắn sẽ làm cơ sở để chúng ta xây dựng một nền báo chí cách mạng không ngừng vững mạnh, vừa hiện đại, vừa có tính chuyên nghiệp cao trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập hiện nay. Đây cũng là điều kiện để chúng ta thực hiện tốt hơn nghĩa vụ, quyền lợi của công dân trong việc tực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí đã được nêu trong Hiến pháp 2013”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
Cũng bởi tầm quan trọng của báo chí trong bối cảnh hội nhập và bùng nổ thông tin như hiện nay nên tại Hội nghị Trung ương 10 lần này sẽ xem xét, thảo luận nhằm khắc phục những vấn đề tồn tại của báo chí trong nước, định hướng xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp hơn, có chất lượng hơn, hoạt động hiệu quả hơn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị các Ủy viên Trung ương cho ý kiến đối với từng vấn đề, nhất là vấn đề nâng cao chất lượng, thu gọn đầu mối, điều chỉnh cơ quan chủ quản và tăng cường công tác quản lý báo chí trong tình hình mới./.