“Doanh nghiệp hãy nói thẳng, nói thật những việc chưa tốt của chính quyền, của các sở ngành, những bất cập, phiền hà, nhũng nhiễu cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Lãnh đạo Thành phố lắng nghe hết sức cầu thị, hết sức trân trọng, đổi mới ngay, giải quyết ngay. Những gì mà cần sửa đổi thể chế chính sách, chiến lược quy hoạch thì cũng sẽ làm với tinh thần quyết liệt nhất”. Đó là lời mở đầu của ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tại buổi gặp gỡ với chủ đề “lắng nghe và trao đổi” với hơn 170 doanh nghiệp thành phố vào sáng 8/3).
Cuộc gặp gỡ nóng dần lên với nhiều vấn đề bức xúc mà doanh nghiệp thành phố đang gặp phải. Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Cơ chế chính sách của chúng ta đang có nhiều bất cập, cần phải đào tạo phát triển nhân lực và phải có chính sách hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp vì hiện nay doanh nghiệp thành phố, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn ngân hàng phải chịu lãi suất cao so hơn doanh nghiệp trong khu vực.
Đại diện các doanh nghiệp phát biểu tại buổi làm việc |
Ba yếu tố này sẽ là gọng kiềng ba chân để doanh nghiệp trụ vững, nhưng đây là vấn đề cần quan tâm hiện nay của doanh nghiệp thành phố. Mang tiếng là một đô thị lớn, năng động nhưng thành phố không có được một trung tâm triển lãm lớn mang tầm cỡ khu vực, khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc giới thiệu sản phẩm. Rất nhiều thương hiệu cũ của thành phố đang dần mất đi, trong khi thương hiệu mới chưa xuất hiện.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan thành phố Hồ Chí Minh thì cảm thấy lo lắng vì hiện nay hàng giả, hàng nhái tràn lan khiến cho ngành dệt may trong nước đang bị đe dọa: “Thị trường bây giờ sử dụng hàng nhập lậu rất nhiều. Nhập từ ở đâu vô mà không chặn được việc đó thì các doanh nghiệp hỗ trợ không thể nào phát triển được. Vì sản xuất ra đàng hoàng đâu đó, thuế đầy đủ nên giá cả không thể cạnh tranh với hàng nhập lậu kia được. Cho nên cần phải quan tâm đến thị trường này”.
Cách tính thuế chưa phù hợp, hoàn thuế kéo dài, nặng phí cảng biển cũng là những vấn đề được doanh nghiệp nêu ra kiến nghị lãnh đạo kịp thời tháo gỡ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề nghị lãnh đạo thành phố cần vào cuộc quyết liệt với vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông…
Phát biểu tại cuộc gặp gỡ, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cho phân loại những vấn đề mà doanh nghiệp nêu ra cho các sở, ngành xử lý và phải có cam kết thời gian giải quyết cho doanh nghiệp, báo cáo cho Thường trực Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội được biết và giám sát.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị |
Ông Đinh La Thăng nhấn mạnh cần phải thay đổi nhận thức về doanh nghiệp. Các cơ quan công quyền phải coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ vô điều kiện chứ không phải đối tượng quản lý. Thành phố tạo mọi điều kiện để xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, có tinh thần tự hào dân tộc, có văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có năng lực hội nhập.
“Chúng ta cần tạo ra một tinh thần khởi nghiệp, phong trào khởi nghiệp hết sức mạnh mẽ ở thành phố này. Đặc biệt việc cải cách hành chính, thủ tục hành chính. Nâng cao chất lượng, trình độ năng lực của đội ngũ công chức, viên chức, phẩm chất đạo đức. Những người nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, kể cả những người gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, hay kể cả những người không gây khó khăn phiền hà nhưng làm kém, làm chậm cho thì cũng phải loại ra”, ông Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị doanh nghiệp cùng tham gia với lãnh đạo thành phố để xây dựng một cơ chế đột phá cho thành phố; phải liên kết với nhau để tạo thêm sức mạnh trong hội nhập, xây dựng các thương hiệu mạnh có thể sánh với các quốc gia khu vực. Những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả đóng góp cho thành phố sẽ được tôn vinh, khen thưởng như những anh hùng trong thời hòa bình./.