Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới 132 (IPU) sẽ diễn ra tại thủ đô Hà Nội từ ngày 28/3- 1/4 tới, là sự kiện đặc biệt, đánh dấu mốc sang trang mới trong lịch sử phát triển 125 năm của tổ chức liên minh nghị viện lớn nhất và lâu đời nhất thế giới.

tong_duyet_bhar.jpgLễ tổng duyệt cho khai mạc Đại Hội đồng IPU 132

Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới, thu hút sự tham gia đông đảo của nhiều lãnh đạo cấp cao nhất của Nghị viện các nước, các tổ chức liên minh nghị viện khu vực và các tổ chức quốc tế.

Ông Andray Klimov, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại của Hội đồng Liên bang (tức Thượng Viện Nga) cho rằng, sự kiện lần này có ý nghĩa hết sức đặc biệt không chỉ đối với Việt Nam: “Tôi rất vui vì Việt Nam sẽ đăng cai sự kiện vốn đóng vai trò quan trọng mà lâu nay chỉ do nhóm các quốc gia phương Tây hoặc Mỹ đảm nhận. Từ đó thấy rằng, điều này cần trở thành phổ biến với mọi quốc gia và sự kiện này có thể được tổ chức ở các nước khác, mà Việt Nam, theo tôi là một địa điểm rất thích hợp. Mặc dù Việt Nam chưa từng tổ chức diễn đàn lớn như vậy, nhưng tôi tin rằng, với nỗ lực chung của chúng ta, đây sẽ trở thành một cuộc gặp rất tốt đẹp”.

Dự kiến, Đại hội sẽ có hơn 1.600 đại biểu quốc tế, trong đó có khoảng 50 vị Chủ tịch Quốc hội và 50 Phó Chủ tịch Quốc hội. Đây là con số ấn tượng, đồng thời là thách thức với nước chủ nhà Việt Nam trong việc chuẩn bị IPU lần này.

Mặc dù vậy, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong đã bày tỏ ấn tượng trước việc chuẩn bị tổ chức của Việt Nam: “Chúng tôi rất ấn tượng về sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chi tiết của nước chủ nhà Việt Nam, không chỉ về các vấn đề hậu cần mà cả các nội dung, chủ đề thảo luận. IPU sắp tới là dịp quan trọng để nước chủ nhà Việt Nam giới thiệu đến các đại biểu thế giới những bước phát triển mới tại Việt Nam, những bước tiến trong hoạt động nghị viện ở Việt Nam, trong thúc đẩy dân chủ và điều hành tại Quốc hội”.

Khi trực tiếp sang khảo sát công tác chuẩn bị tại Việt Nam, bà Anda Filip, Đại sứ, Vụ trưởng phụ trách quan hệ đối ngoại và các nghị viện thành viên của IPU cũng đã bày tỏ sự hài lòng về công tác chuẩn bị của nước chủ nhà Việt Nam: “10 năm trước, tôi đã đến Hà Nội và lần này tôi thực sự ấn tượng trước những bước phát triển của thành phố hiện đại hơn với những phương tiện cao cấp. Công tác tổ chức của các bạn được thực hiện bởi đội ngũ có năng lực tốt, chuyên nghiệp. Và tôi tin tưởng sẽ có một đại hội đồng IPU 132 rất thành công tại Hà Nội”.

Yếu tố chính đảm bảo cho thành công của IPU 132 là nội dung chương trình nghị sự và  nước chủ nhà Việt Nam đã chủ động đề xuất chủ đề “Nghị viện và việc thực hiện chương trình phát triển bền vững sau 2015”, đúng với bối cảnh năm 2015 cộng đồng quốc tế tổng kết việc thực hiện những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc.

Nhằm phát huy vai trò và góp phần nâng cao vị thế của nước chủ nhà đăng cai Đại hội đồng IPU 132, Việt Nam cũng đề xuất sáng kiến Đại Hội đồng IPU 132 sẽ ra Tuyên bố Hà Nội như một trong những văn kiện chính thức, phản ánh tóm tắt của phiên thảo luận chung, đồng thời khẳng định IPU và nghị viện các nước thành viên nỗ lực thúc đẩy hòa bình, dân chủ, hợp tác và phát triển bền vững phù hợp với Chương trình nghị sự sau 2015 trên phạm vi toàn cầu.

Nếu được thông qua, đây là văn kiện mang tính lịch sử ghi dấu ấn của Đại hội đồng IPU 132 tại Việt Nam và được sử dụng như một văn bản chính thức của IPU trình Hội nghị Thượng đỉnh những người đứng đầu các cơ quan lập pháp vào tháng 8/2015 và là văn kiện quan trọng của IPU gửi Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2015.

Ông Anders B.Johnsson, người đã giữ cương vị Tổng thư ký IPU trong 16 năm qua, từng sống, làm việc tại Việt Nam rất tin tưởng vào chủ đề mà Việt Nam đã lựa chọn: “Chủ đề IPU 132 gắn chặt với những gì thế giới thực sự cần trong năm 2015 là nghị trình phát triển mới cho cả thế giới sau các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ sẽ là phát triển bền vững. Do đó chủ đề mà Việt nam lựa chọn thực sự quan trọng, đúng thời điểm, cho phép các nghị sỹ trên khắp thế giới có thể đóng góp ý kiến và hỗ trợ vào quá trình triển khai nghị trình này. Điều đó cực kỳ quan trọng. Đại Hội đồng ở Hà Nội sẽ giúp các thành viên IPU thảo luận và đưa ra những ý kiến và đạt được thỏa thuận mạnh mẽ để IPU đóng vai trò tích cực vào nghị trình tương lai của thế giới.”

Bên cạnh công tác chuẩn bị nội dung, các công tác khác như an ninh, thông tin tuyên truyền, lễ tân, y tế... đều được Ban Tổ chức IPU 132 tích cực triển khai theo phương châm tổ chức chu đáo, trọng thị, thiết thực và hiệu quả, để lại dấu ấn Việt Nam, gắn với mục tiêu, tôn chỉ của Đại Hội đồng./.