Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) là sự kiện ngoại giao đa phương lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay. Được quyền đăng cai IPU-132 trước hết khẳng định vị thế vững chắc của Việt Nam trên trường quốc tế, là sự tin cậy của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam, đồng thời đây cũng chính là cơ hội để Việt Nam giới thiệu những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của đất nước qua 30 năm đổi mới, quảng bá về đất nước và con người Việt Nam.

tong_duyet_yova.jpg
Lễ tổng duyệt cho khai mạc Đại Hội đồng IPU 132
Sau 3 năm liền tổ chức tại Geneva (Thụy Sỹ), năm nay, Đại hội đồng IPU-132 được tổ chức tại Việt Nam, tạo ra sức hút lớn với bạn bè quốc tế. Tính đến thời điểm này, con số các đoàn và đại biểu đăng kí tham dự Đại hội đồng đã vượt quá dự kiến và mong muốn của nước chủ nhà Việt Nam. Ông Lý Đức Chung, Phó Trưởng ban thư ký IPU-132 cho biết: Đến ngày 20/3, đã có tổng số 161 đoàn đăng ký tham dự, trong đó có 50 đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội, 50 đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội.

Đại hội đồng IPU-132 và các hội nghị liên quan được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2015 - năm diễn ra nhiều sự kiện, ngày lễ lớn của đất nước - chính là cơ hội để Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế về những thành tựu của đất nước qua 30 năm đổi mới, trong đó có những thành tựu về ngoại giao nói chung và ngoại giao Nghị viện nói riêng.

Ông Lý Đức Chung nhấn mạnh: "Trong 30 năm đổi mới đó chúng ta đã đạt được một số thành tựu về đối ngoại, phá thế bao vây, cấm vận, là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của thế giới. Đỉnh cao của hội nhập nghị viện chính là IPU-132".

Việt Nam đã từng tổ chức nhiều sự kiện quốc tế lớn và để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng bạn bè thế giới. Lần này cũng vậy, với vai trò chủ nhà, đón đại biểu của hơn 160 nước, Việt Nam sẽ tận dụng mọi cơ hội để quảng bá về lịch sử, văn hóa, du lịch, đất nước, con người cũng như sự phát triển kinh tế năng động trong những năm gần đây của Việt Nam. Ngược lại, có rất nhiều nước chưa từng đặt chân đến Việt Nam và lần này, họ không chỉ đến Hà Nội để tham dự Đại hội mà còn mong muốn tìm kiếm các cơ hội hợp tác về thương mại, đầu tư.

Nắm bắt được cơ hội này, trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU-132, Việt Nam sẽ tổ chức nhiều hoạt động bên lề như tổ chức cho các đại biểu đi tham quan Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Hoàng thành Thăng Long, Văn miếu Quốc Tử Giám, tổ chức đêm hội Đại đoàn kết các nghị viện tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô- Sơn Tây)...

Bà Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Đây là cơ hội để bạn bè quốc tế, nghị sĩ các nước hiểu về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam, qua đó góp phần xúc tiến du lịch vào Việt Nam.

“Đêm hội đoàn kết dân tộc sẽ được tổ chức tại khu làng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để chúng ta có thể quảng bá truyền thống văn hóa của rất nhiều các dân tộc Việt Nam. Qua đó chúng tôi hi vọng các đại biểu tham gia sẽ hiểu sâu sắc hơn về bản sắc văn hóa của người Việt Nam, đó là rất yêu chuộng hòa bình, cần cù trong lao động và hăng say trong cuộc sống”, bà Hải cho biết thêm.

Dịp này, Bộ Văn hóa- Thể Thao-Du lịch cũng tăng cường tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu về du lịch Việt Nam ngay tại nơi diễn ra các hội nghị của IPU và tại các khách sạn nơi các đoàn tham dự IPU-132 lưu trú, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: “Không chỉ Hà Nội, chúng tôi chỉ đạo các khách sạn lớn trên cả nước, chuẩn bị chương trình để giới thiệu với khách. Bộ cũng đã phối hợp với Hà Nội triển khai tua, tuyến du lịch nội thành như: Đường Lâm, Bát Tràng… cùng với hai tuyến chính là Hạ Long và Tràng An”.

Đến với Đại Hội đồng IPU - 132, nghị viện và nghị sĩ các nước trên thế giới sẽ được chứng kiến những thành tựu kinh tế xã hội nổi bật của Việt Nam qua 30 năm đổi mới, thấy rõ một nền ngoại giao nghị viện Việt Nam trưởng thành, ngày càng phát triển toàn diện và cũng là cơ hội để trải nghiệm, khám phá về một đất nước Việt Nam tươi đẹp, giàu truyền thống văn hóa, con người Việt Nam thân thiện, mến khách và yêu chuộng hòa bình./.