Từ chuyện “cỏn con” là cái biển số xe trắng - xanh lẫn lộn, giờ đây, sau điều tra của báo chí và kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, người dân mới “ngã ngửa” với con đường thăng tiến của vị nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh.
Từ một lãnh đạo doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng, ông Thanh được luân chuyển làm Vụ trưởng, Chánh văn phòng Ban cán sự đảng Bộ Công thương. Dù không nằm trong diện cán bộ Trung ương được luân chuyển về địa phương nhưng ông Thanh vẫn được chuyển về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Chưa hết, ông Thanh còn được giới thiệu để bầu vào Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất với tỉ lệ trên 75%, cao nhất ở Hậu Giang.
Ông Trịnh Xuân Thanh nhận bằng khen tại lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất của PVC năm 2010 (Ảnh: PVC) |
Câu hỏi đặt ra, vì sao con đường công danh của ông Thanh lại “ngoạn mục” như vậy? Và chắc chắn một điều một mình ông Thanh không thể làm nổi. Điều này khiến dư luận đặt dấu hỏi, liệu đứng sau ông Thanh có ai đỡ đầu, có ai bao che? Nhóm người này đã thực hiện những hành vi tham nhũng trong công tác nhân sự cấp cao? Ai đã khen thưởng, ai đề bạt, ai luân chuyển thì phải kiểm tra và phải chỉ rõ là cá nhân nào. Đây là câu hỏi mà các cơ quan chức năng liên quan của Đảng và Nhà nước, trực tiếp là ngành tổ chức phải chịu trách nhiệm trả lời Tổng Bí thư. Bởi không thể nào một vấn đề lớn và nghiêm trọng như vậy mà không rõ địa chỉ trách nhiệm.
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”- một bộ phận không nhỏ đó chính là giặc nội xâm chứ không phải đâu xa. Để diệt được giặc nội xâm, một phần làm theo kiểu nội bộ, một phần nữa là đánh giặc. Tức là lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu với nội xâm.
Tuy nhiên cách lãnh đạo, chỉ đạo của chúng ta hiện nay chưa thể hiện được cách đánh giặc nội xâm. Khi phát hiện cán bộ vi phạm cần phải xem vì sao người đó sai phạm. Nếu sai phạm có tổ chức thì đó còn là trách nhiệm của những người có liên quan và phải làm tới nơi. Thứ hai, chống tham nhũng như chống giặc nội xâm chứ không phải làm theo kiểu nội bộ là kiểm điểm, khiển trách, rút kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Anh Liên, nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương |
Đã có dấu hiệu tham nhũng nghĩa là có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì từ lãnh đạo cho đến người dân bình thường đều phải bình đẳng với nhau, đều làm theo pháp luật và phải xử lý theo pháp luật. Tham nhũng cán bộ, tham nhũng chức quyền còn nguy hại hơn cả tham nhũng tài chính, vì tệ tham nhũng này chính là giặc nội xâm. Nếu không đánh được giặc nội xâm thì đánh được ai? Chính vì thế, bất kỳ ai có dấu hiệu tham nhũng thì cần phải thanh tra, xử lý theo pháp luật, không chỉ cá nhân đó mà cả những cá nhân, tổ chức liên quan thì mới xử lý tận gốc vụ việc.
Qua vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh phải rà soát toàn bộ quá trình từ khi ông Thanh lên làm lãnh đạo doanh nghiệp gây thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Thua lỗ như vậy thì ai đã đề bạt đưa ông Thanh lên làm Vụ trưởng, Chánh văn phòng Ban cán sự đảng Bộ Công thương, sau đó về Hậu Giang làm Phó Chủ tịch tỉnh, được bầu làm đại biểu Quốc hội. Phải chỉ rõ cá nhân nào, bộ phận nào, cấp nào đã đưa ông Thanh lên những vị trí lãnh đạo như vậy thì dân mới tin.
Người dân mong muốn các đồng chí lãnh đạo phải có đủ phẩm chất, năng lực, trí tuệ, bản lĩnh để lãnh đạo đất nước. Quan trọng nhất là phẩm chất và phẩm chất người lãnh đạo trong vụ việc này là phải xử lý triệt để, không nương nhẹ, không cảm tình, mà phải vì dân, vì nước.
Vụ Trịnh Xuân Thanh, Formosa: Qui trình có lỗi gì?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã 2 lần trực tiếp chỉ đạo làm rõ vụ việc. Mới đây, Tổng Bí thư còn yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương với sự tham gia của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm trong việc thẩm định, đề nghị cấp có thẩm quyền tặng thưởng Huân chương Lao động trong 2 năm liền (năm 2009 và 2010) và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (năm 2011).
Tổng Bí thư nhấn mạnh nội dung chỉ đạo kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng uỷ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và một số cá nhân; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2010 - 2015 và nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng - nguyên Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. Việc điều động nhân sự thường do người đứng đầu quyết định, do đó, việc yêu cầu kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với nguyên Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là rất kịp thời trong trường hợp này.
Một vụ việc cụ thể như vụ ông Trịnh Xuân Thanh, Tổng Bí thư đã trực tiếp chỉ đạo là một việc cần thiết. Việc làm này thấy rõ quyết tâm chống tham nhũng của Đảng mà người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; thấy rõ việc xử lý vi phạm là không có vùng cấm và không loại trừ cá nhân nào.
Tuy nhiên, việc Tổng Bí thư trực tiếp chỉ đạo làm những vụ việc này thì có hai điều sẽ tác động: thứ nhất là những vụ việc như vậy sẽ tạo nên tiền lệ chờ Đảng chỉ đạo mới làm; thứ hai làm giảm hiệu lực và vai trò của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh tới đây sẽ được làm rõ, những cá nhân, tổ chức nào liên quan sẽ bị xử lý nghiêm bởi người dân tin vụ việc này không thể bị che giấu như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư: “Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cần chỉ đạo chặt chẽ các đoàn kiểm tra xem xét, kết luận bảo đảm đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, công tâm, khách quan, trong sáng, không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”./.
“Cần khai trừ Đảng ông Trịnh Xuân Thanh để răn đe cán bộ“