LTS: Quan hệ Việt-Mỹ được coi là mối quan hệ hết sức đặc biệt, trải qua rất nhiều thăng trầm trong lịch sử và chỉ có thể chuyển từ thù thành bạn nhờ thiện chí của cả hai bên.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, VOV.VN xin giới thiệu loạt bài về mối quan hệ đặc biệt nói trên dựa trên quan điểm của giới chức Ngoại giao cấp cao cùng những nhận định của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu hàng đầu của Mỹ về mối quan hệ Việt-Mỹ trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Năm 2015, Mỹ và Việt Nam cùng tổ chức nhiều sự kiện quan trọng đánh dấu 20 năm quan hệ Việt-Mỹ. Trong suốt 20 năm qua, quan hệ Việt-Mỹ đã có những đột phá “không thể tin được” trong rất nhiều lĩnh vực quan trọng, đặc biệt là trong 3 trụ cột chính là chính trị, kinh tế và giáo dục.
Quan hệ Việt-Mỹ đã phải trải qua không ít thăng trầm cùng với những đóng góp quan trọng của rất nhiều những cá nhân, tổ chức của cả 2 nước mới đạt được những thành tựu đáng kể như vậy.
Trong bài viết này, VOV xin điểm lại những “nét chấm phá” trên 3 trụ cột nói trên trong suốt 20 năm qua.
Thời khắc lịch sử 11/7/1995
Ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ lúc đó là Bill Clinton đã chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ đối với Việt Nam.
Trong tuyên bố của mình vào thời điểm được coi là có tính lịch sử đối với quan hệ hai nước, Tổng thống Clinton đã ghi nhận những đóng góp nổi bật của các cá nhân và tổ chức của Mỹ và Việt Nam trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh và hướng tới một tương lai hợp tác đầy hứa hẹn.
Ông Clinton cũng nhắc đến những “nỗ lực đặc biệt” của các cá nhân như các Thượng Nghị sĩ John McCain, John Kerry [người hiện là Ngoại trưởng Mỹ], Bob Kerrey và Chuck Robb cùng Hạ Nghị sĩ Pete Peterson [người sau đó là Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam] mà theo ông đã giúp Mỹ đạt được một bước tiến quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Kể từ đó, quan hệ Việt-Mỹ đã thực sự cất cánh, từ chỗ còn dè dặt và mang nhiều nghi kỵ, quan hệ Việt- Mỹ đã không ngừng được cải thiện theo thời gian và hai nước đã trở thành đối tác toàn diện sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang hồi năm 2013.
Trong suốt thời gian đó, đã có rất nhiều chuyến thăm của các quan chức hàng đầu của hai nước được mở đầu bằng việc Ngoại trưởng Mỹ Warren Christopher đến thăm Việt Nam vào tháng 8/1995 mở đường cho việc Mỹ mở Đại sứ quán ở Hà Nội và Việt Nam mở Đại sứ quán ở Washington.
Hai năm sau, ngày 10/4, Thượng viện Mỹ phê chuẩn cho ông Pete Peterson làm Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam và đến ngày 9/5, Đại sứ Lê Văn Bàng trình quốc thư lên Tổng thống Mỹ và trở thành Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Mỹ.
Quan hệ Việt-Mỹ lại có đột phá mới khi ông William Cohen trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam vào tháng 3/2000. Đến tháng 7/2000, Bộ trưởng Bộ thương mại Vũ Khoan ký Hiệp định thương mại Song phương với Đại diện Thương mại Mỹ Charlene Barshefsky.
Cuối năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Cliton trở thành Tổng thống đầu tiên đến Việt Nam sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ và đến năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải trở thành lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam đến thăm Mỹ.
Chuyến thăm của hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Mỹ và Việt Nam đã mở ra một chương mới trong hợp tác chính trị giữa hai bên. Liên tục từ năm 2000- đầu năm 2015 tần suất các chuyến công du của giới chức cấp cao Mỹ và Việt Nam tăng dần, đáng chú ý là chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2008 và mới đây nhất là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013, ngược lại, nhiều quan chức hàng đầu của Mỹ như Tổng thống George W. Bush, Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld, Ngoại trưởng Condoleezza Rice sau đó cũng đã đến thăm Việt Nam.
Các chuyến thăm nói trên đã giúp thúc đẩy mối quan hệ chính trị và quốc phòng giữa hai nước cũng như giải quyết những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Đáng chú ý, sau các chuyến đi như vậy, mối quan hệ Việt-Mỹ lại được nâng cấp từ chỗ không có quan hệ ngoại giao đến trở thành đối tác toàn diện.
Ngoài ra, các chuyến thăm mang tính biểu tượng và lịch sử này cũng giúp mở ra những cơ hội hợp tác về kinh tế và giáo dục giữa hai nước, tạo xung lực để Việt Nam có những thay đổi “đáng kinh ngạc” về cả kinh tế và giáo dục chỉ trong vòng 2 thập kỷ.
TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội cho cả Việt Nam và Mỹ. Ảnh minh họa. |
Kinh tế tăng trưởng “đánh kinh ngạc”
Có thể nói, việc bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ đã “mở toang cánh cửa” để Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn nữa với thế giới trong khi giúp Mỹ khai thác một thị trường được coi là đầy tiềm năng. Kim ngạch thương mại song phương Việt-Mỹ đã tăng tới 80 lần từ con số rất khiêm tốn 450 triệu USD năm 2005 lên hơn 36 tỷ USD vào năm 2015.
Đáng chú ý, con số này tăng lên rất nhanh kể từ sau tháng 10/2001 thời điểm Hiệp định Thương mại Song phương Việt-Mỹ được Đại Diện Thương mại Mỹ Robert Zoellick và Phó Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cùng Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan đặt bút ký.
Từ đầu năm 2015 đến nay, Mỹ đứng thứ 7 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn khoảng 11 tỷ USD. Con số này có thể còn cao hơn bởi nhiều tập đoàn lớn của Mỹ như Intel, Coca Cola, P&G và Chevron đã đầu tư vào Việt Nam thông qua các công ty con của họ ở các nước thứ 3.
Trong năm 2014, Việt Nam đã nhanh chóng vượt Thái Lan và Malaysia trong khu vực Đông Nam Á để trở thành đối tác xuất khẩu lớn nhất của Mỹ với tổng kim ngạch lên đến trên 30 tỷ USD.
Không chỉ thể hiện qua “những con số biết nói” trên, hợp tác kinh tế Việt-Mỹ trong 20 năm qua còn được đánh dấu bởi việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO vào ngày 11/1/2007 sau thời gian dài đàm phán cực kỳ khó khăn.
Việc gia nhập WTO được giới chuyên gia nhận định không chỉ nhờ nỗ lực không biết mệt mỏi của các quan chức Chính phủ Việt Nam mà còn thông qua sự ủng hộ rất nhiệt thành của Mỹ. Quốc gia có tiếng nói rất quan trọng trong “sân chơi toàn cầu này”.
Thắng lợi trong việc trở thành thành viên của WTO đã tạo đà cho Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định Thương mại quan trọng khác trong khu vực và trên thế giới mà đáng kể nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình hợp tác thương mại của thế kỷ 21.
Bà Virginia Foote, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Bay Global Strategies, nhận định, TPP không chỉ đem lại những lợi ích về kinh tế và xã hội cho Việt Nam mà còn giúp Việt Nam tạo dựng danh tiếng trên toàn cầu khi dù chỉ là một nền kinh tế còn rất khiêm tốn nhưng cũng “dám” đàm phán song phương và đa phương với những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật hay Australia.
Không chỉ có Việt Nam, giới chức Mỹ cũng rất kỳ vọng vào việc sớm hoàn tất TPP. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho rằng, quá trình đàm phán sẽ hoàn tất trong năm 2015 dù còn rất nhiều trở ngại.
Đại sứ Mỹ Ted Osius và lãnh đạo Đại học Quốc gia chụp ảnh với các sinh viên của trường tại cuộc đối thoại hôm 6/3. |
Vun đắp cho tương lai thông qua giáo dục
Một khía cạnh khác của hợp tác Việt-Mỹ cũng rất đáng chú ý là giáo dục. Cũng như hợp tác kinh tế, hợp tác về giáo dục giữa Mỹ và Việt Nam cũng được hưởng thành quả từ nỗ lực cải thiện quan hệ song phương của hai nước.
Điều này được thể hiện bởi những con số cực kỳ ấn tượng khi số du học sinh Việt Nam theo học tại các trường Đại học của Mỹ chỉ vỏn vẹn 200 vào năm 1995 đã tăng lên đến 24.000 vào năm 2014 giúp Việt Nam nắm giữ vị thế hàng đầu về số sinh viên theo học ở Mỹ so với các nước trong Đông Nam Á và đứng thứ 6 tại châu Á sau Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Saudi Arabia và Nhật Bản.
Các sinh viên Việt Nam chủ yếu sống tại các bang California, New York và Texas, chính vì thế những trường Đại học tiếp nhận nhiều sinh viên Việt Nam cũng là ở các bang này, bao gồm Đại học New York, Đại học Southern California, Đại học Columbia.
Không chỉ khuyến khích các sinh viên Việt Nam sang Mỹ tìm kiếm cơ hội học tập, Chính phủ Mỹ còn tỏ ra đầy tham vọng khi xây dựng Trường Đại học Fulbright tại Việt Nam- một ngôi trường được kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường học thuật hàng đầu không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới.
Ngoài ra, Mỹ cũng đã thúc đẩy rất nhiều chương trình hợp tác công tư về giáo dục tại Việt Nam, trong đó Chương trình Liên minh Đối tác về Giáo dục Cao học Chuyên ngành Kỹ thuật đã nhận được sự hỗ trợ của 6 tập đoàn lớn của Mỹ cùng rất nhiều trang thiết bị kỹ thuật và các chuyên gia giảng dạy.
Đây được cho là tiền đề để Việt Nam cải thiện hệ thống giáo dục về kỹ thuật trong nước để tạo ra những sinh viên sau khi ra trường hoàn toàn có thể làm việc trong những ngành công nghệ cao đang nở rộ.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đặt rất nhiều kỳ vọng vào thế hệ trẻ Việt Nam khi trao đổi trực tiếp với họ. Tại các cuộc trao đổi này, ông Osius khẳng định “không có gì là không thể thực hiện” nếu các bạn trẻ biết nuôi dưỡng ước mơ của mình thông qua việc trang bị những kiến thức cần thiết để dấn thân vào hội nhập quốc tế.
Có thể thấy, sự cởi mở về chính trị giữa hai quốc gia từng là cựu thù đã mở ra triển vọng tươi sáng trong rất nhiều lĩnh vực hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam. Mối quan hệ hợp tác Việt-Mỹ được kỳ vọng sẽ vượt qua được những sóng gió trong quá khứ và kéo dài trong nhiều thập kỷ nhờ sự nhìn xa trông rộng và mong muốn hun đúc những thế hệ các bạn trẻ Việt Nam và Mỹ để tiếp nối thiện cảm có sẵn giữa hai bên./.