Một đồng nghiệp làm báo kể với tôi rằng cách đây mấy năm, một vị lãnh đạo nhà nước nhân dịp đầu xuân đi chúc tết doanh nghiệp thì tới doanh nghiệp nào cũng thấy đóng cửa.
Đây là một điều kỳ lạ ở Việt Nam, nơi mà nhiều doanh nhân, nhiều địa phương phải cạy cục để có một cơ hội diện kiến với lãnh đạo cấp cao, được chụp chung một kiểu ảnh và xem đó là niềm vinh dự lớn lao, thậm chí là lá bùa hộ mệnh trong quan hệ, làm ăn.
Thế mà đầu xuân quan chức tới vài cơ sở đều thấy đóng của im ỉm cho dù với hàm cấp của vị này thì những chuyến vi hành như thế cả tỉnh phải cuống cuồng chuẩn bị tiếp đón từ nhiều tháng trước chứ đừng nói ba cái doanh nghiệp tiếng tăm chưa vươn ra khỏi tỉnh nhà.
Cuối cùng thì mọi người cũng lờ mờ hiểu ra, nhưng không ai dám nói. Nguyên do chỉ vì vị lãnh đạo nhà nước là nữ, doanh nghiệp họ kiêng nên trốn biệt.
Hoá ra những trở ngại đầu tiên của người phụ nữ trên con đường tham chính chẳng phải là sức khoẻ, chẳng phải là trí tuệ, năng lực mà lại là những hủ tục rất vớ vẩn.
Ở Việt Nam cũng như nhiều nước Á đông khác người ta còn kiêng gặp gái khi xuất hành, kiêng thăm bà đẻ… Đáng buồn là không chỉ đàn ông mà ngay cả phụ nữ cũng tự chôn vùi đi sự kiêu hãnh giới tính của mình mà hùa theo sự kiêng kị vô lối ấy.
Thật lạ là hàng trăm năm qua, thay vì tự nhận mình hèn kém, yếu đuối hay bất tài thì người ta lại đổ vấy cho sự xúi quẩy mà nguyên do chính là gặp gái?! Và với riêng người đàn ông, họ chưa từng biết ngượng khi người đàn bà, cho tới hôm nay, vẫn chưa thèm một lần lên tiếng rằng: Hôm nay mình gặp vận rủi khi ra cổng đụng ngay một thằng đàn ông. Chúng ta đừng nghĩ đó là sự nhẫn nhịn hay cam chịu mà cố hiểu rằng đó là lòng vị tha, nhân hậu truyền thống của người phụ nữ, hoặc ai đó có đáo để hơn một chút thì cũng chỉ là sự cười cợt, kiểu “chị đây không thèm chấp” mà thôi.
Mù quáng tin vào những kiêng kỵ thiếu cơ sở (mà quan trọng là xem thường người khác giới) như thế chắc chỉ có ở những doanh nhân cấp xã phường, hoặc mấy tay buôn lợi dụng “đục nước béo cò”, nhân lúc tranh tối tranh sáng của thể chế mà phất lên nhờ quan hệ, may mắn và giỏi nịnh nọt chứ chẳng phải tài cán gì.
Họ xem ra chưa bao giờ dành một vài phút để suy nghĩ một cách logic và tỏ ra có chất lượng, rằng vì sao mình kiêng một người đàn bà bước chân vào công ty ngày đầu năm nhưng lại sẵn sàng bỏ ra cả ngàn đô để "giải đen" bằng cách tìm kiếm gái trinh những mong phá thế bế tắc trong kinh doanh, hoặc chuyển nguy thành an, chuyển bại thành thắng trong công việc làm ăn. Phải nhờ cậy tới cái ấy của đàn bà để cầu may, để tìm kiếm chút hy vọng cho sự nghiệp mà lại sợ vía của họ thì kể cũng lạ?!
Không ai nói ra nhưng trong dư luận và trong quan niệm của giới lãnh đạo hiện nay cứ phải có nếp có tẻ, tức là nên có thêm cán bộ nữ ở các cương vị chủ chốt mà người ta thường gọi là cơ cấu - thành phần.
Chính vì quan niệm này nên bất cứ người phụ nữ nào tham chính đều mặc định là cơ cấu, đều có thể bị hiểu rằng cần phải có giới nữ cho bình đẳng chứ không phải vì họ có năng lực thực sự. Phải chăng từ quan niệm này nên công việc của một số vị nữ lãnh đạo cũng rất là “mặt trận”, rất là “công đoàn”, gắn liền với những tiếng vỗ tay rổn rảng ở những nơi trao thưởng, khánh thành hay phát động.
Từ tầm cao của thượng tầng kiến trúc mà ngó xuống từng tế bào xem ra cũng nhang nhác? Trong mỗi gia đình thì niềm hạnh phúc viên mãn dành cho những cặp vợ chồng nào có cả nếp cả tẻ. Gia đình nào chỉ sinh được con gái coi như chấp nhận chiếu dưới, luôn bị giễu cợt, trêu chọc, khích bác, nhất là ở các vùng quê. Đau khổ hơn là hạnh phúc ở những gia đình này luôn bị đe doạ. Họ đổ thừa cho việc sinh trai hay gái là do người phụ nữ mà không thèm đếm xỉa đến người đàn ông can dự ở mức độ như thế nào trong việc này.
Sự bất bình đẳng giới tính ngay từ khi sinh ra (như là con gái không cần học nhiều) đã giết chết cơ hội thăng tiến của phụ nữ sau này.
Khoa học đang tiến những bước dài với vô số thành tựu về công nghệ và công cụ để ngày càng giảm đi gánh nặng cho người phụ nữ mà chúng ta thường gán cho nó mỹ từ “thiên chức”. Xã hội cũng ngày một văn minh hơn, tiến tới xoá đi những hủ tục trọng nam khinh nữ, khi ấy người ta sẽ không còn để tâm tới người ngồi ở những vị trí quan trọng nhất là đàn bà hay đàn ông./.