1. Sau chầu nhậu tưng bừng, hắn lôi tôi về nhà bằng được. Chưa kịp ngồi xuống ghế, hắn đã quẩy về thùng bia Sài Gòn. Trời đất, lại nhậu nữa! Đến mệt với kiểu lai rai của đội miền Tây. Nhậu đến cà rầm cà rề, cà lăm cà lắp vẫn chưa thôi. Chán quán này, sang quán kia, vẫn ngần ấy bạn, vẫn mồi đấy, bia đấy, nhưng không gian khác, lại "dzô", "dzô" miệt mài. Và cuối cùng, mời về nhà là "độ" cuối. Chỉ có bạn thân tình mới rước về nhà. Chứ chơi xã giao chỉ có gặp ngoài quán. Không về thì bị giận, mà về thì ngại vì "sương sương" lắm rồi. Trăng cũng đã lấp một nửa vào vòm đêm...
Chưa kịp hỏi han, thưa thốt với nội tướng đã thấy bả bưng ra đĩa khô mực và mấy chú thòi lòi nướng mọi thơm nứt mũi. Mồi màng nhẹ vậy thôi mà đã có thể chầm chậm trôi nguyên một đêm.
Thùng bia hao dần. Đêm càng đặc quánh. Câu chuyện tùm lum tùm la ngỡ nguội dần, chợt chuyển cao trào sang vọng cổ. Hắn ngâm nga vài câu mùi mẫn, rồi khệ nệ lôi từ nhà trong ra chiếc máy quay đĩa cũ mèm. Đồ này quý lắm đây, nghe nói nhiều người đang thích sưu tầm để nghe, để khoe bày, để quay ngược chiều thời gian. Chợt nhớ con máy cối Akai ở nhà, cuộn băng vừa trệu trạo quay vừa rớt bụi mà âm thanh mộc analog vẫn nét căng. Vọng cổ mà kẽo kẹt trên chiếc đĩa than quay đều là "số zách". Chứ mấy ai nghe ca cổ qua băng cat-set hay đĩa CD. Hắn bảo, đây là thứ đồ "gia bảo" của gia đình. Hắn không nói dóc đâu, đúng đấy. Quý nhau, mời nhau đến để khoe cái máy quay đĩa cổ, cùng kho đĩa nhạc các loại, chứ chả ai khoe bạc vàng của nả giàu có làm gì. Trọc phú khoe tiền, người có chữ "khoe" tinh thần...
Tôi đã đi thăm vài ngôi nhà cổ ở Bình Thủy, Mỹ Khánh...đất Tây Đô, hầu hết đều có chiếc máy quay đĩa...nghe ca cổ, được đặt trang trọng giữa nhà. Xen vào những đồ đạc bóng loáng quyền quý, những chiếc máy quay đĩa như cân bằng vật chất và tinh thần. Chúng giúp ngôi nhà neo vào những giá trị, không bị ngả nghiêng theo dòng kim tiền. Bà cụ chủ nhà, tuổi đã vắt qua 2 thế kỷ, vẻ xuân lặn vào câu vọng cổ buồn. Con gái miền Tây đảm đang, vun vén nhà cửa. Chồng xênh xang ngoài xã hội, miệt mài theo những tốp ca cổ sáng đêm. Bà đặt cẩn thận chiếc đĩa cải lương "Lan và Điệp" vào chiếc máy cổ. Một dòng âm thanh như rỉ ra từ ngày nảo ngày nao, cõi nào cũ lắm, nghe sởn hết da gà.
Ông bạn khe khẽ rót vào tai: "Chiếc máy như thế này giờ có tiền cũng chả mua nổi". Đúng thế mà, tiền sao mua nổi ký ức, mua nổi những dòng âm thanh còn vương mùi chinh chiến một thời...
Ở nhà bạn, hắn lôi ra mấy chồng đĩa cất giữ giọng ca Thanh Nga, nữ diễn viên xinh đẹp bạc mệnh. Cái thời mà cải lương Nam Bộ tiến dần ra Bắc khi hai miền thống nhất, Thanh Nga và một số tên tuổi khác đã trở thành ngôi sao thần tượng của giới trẻ. Họ như được tắm trong bầu không khí khác lạ mà bao mùa giặc giã, mấy ai được thảnh thơi nghe cải lương Nam Bộ. Văn hoá chính là cái bắt tay bền chặt, gần gũi, sẻ chia và nối liền mọi ngăn cách, thắt lại mối yêu thương.
"Thời gian có thể xoá đi mọi thứ, trừ...kỷ niệm"...Những chiếc máy quay đĩa, chúng có thể cùng một năm sinh, chung một kiểu dáng, một nhãn hiệu..., chỉ những người chủ là khác nhau với những số phận khác nhau, cất lên tiếng nói khác nhau...Như hiện thân của một quá vãng mãi không chịu vùi chôn...
2. Mỗi lần bị việc nọ việc kia hối thúc, tôi lại mường tượng đến cái máy quay đĩa của bạn để nhủ mình chậm lại. Thời gian luôn là vật báu, là một thứ di sản nhưng nó không chia đều cho tất cả, không phải ai cũng giữ được nó bên mình.
Mọi sự nhanh quá, chậm lại cũng hay, có khi chỉ để đọc một cuốn sách thật dày, đọc đến đâu gấp mép đánh dấu, rảnh lại đọc như hồi thơ bé. Nghe lại một giai điệu quen ngày trước. Hay là giữa hàng loạt sự cách tân nghệ thuật; lập dị sáng tạo, cả sự thay đổi cách thưởng thức, lại muốn lẩm nhẩm trong trí nhớ những câu thơ, khúc hát…từ lâu vẫn sống mãi, chẳng cần phải khoác một chiếc áo cầu kỳ, diêm dúa nào.
Vẻ đẹp là thứ chẳng thể đuổi theo với một tốc độ lớn. Bởi thực ra nó chả chạy đi đâu cả mà quanh quẩn đâu đây nhưng mình cứ đóng kín cửa đấy thôi.
Gần cửa sổ nhìn ra ngõ phố vắng, tôi có treo một bức thư pháp chữ Khai. Đó là tác phẩm của một người bạn, một họa sỹ viết thư pháp khá nổi tiếng. Kèm đó là một câu thơ không rõ của ai, đại ý: Cánh cửa không phải do mình muốn mở ra là được, nó phải được mở nhờ cái tâm ở trong mình. Cái tâm như làn hương hoa thơm thảo trong vườn chính là sức mạnh mở cánh cửa. Chữ Khai như hai cánh cửa hé mở trên bức tường im lìm, chữ Khai nhấp nháy một chuyển động thật phương Đông, sự chuyển động tinh tế ở bên trong.
Ông bạn họa sĩ, tác giả bức thư pháp cũng không phải người sống nhanh, đó là theo thiển nghĩ của tôi. Hắn cứ thoắt ẩn thoắt hiện trong những ngôi chùa cổ, để chậm rãi làm những việc mình theo đuổi; cũng chẳng đăng đàn tranh luận học thuật; cũng chẳng ùa theo trào lưu, xu hướng nào; cũng không cho chữ ồ ạt, mà tùy vào sự thân quý tin cậy. Cũng hao hao việc ông bạn miền Tây một đêm thăm thẳm dẫn lũ bạn về nhà, hò nhau sống chậm...là phải chí cốt lắm đó...
Mọi sáng tạo có lý do để tồn tại, chả cần phải gạt bỏ cũng như tung hô...Một cách ứng xử thanh thoát mà không cần chạy đua, chen nhau giành giật từng mét đường. Chen nhau như thể sợ mình bị bật ra. Kẻ nhanh-người chậm nhiều khi lại do những quan niệm và đích đến khác nhau…Có giá trị không cứ phải phô ra đại lộ ồn ào, mà chỉ cần nằm trong ngõ nhỏ trí nhớ. Nhưng thật khó tẩy mờ nó đi.
…Có những điều đọc mãi không hết, nghe mãi không hết, cảm mãi không hết. Đành cứ phải thong dong ngày tháng. Chầm chậm vòng quay, kệ ngoài kia, con phố ngùn ngụt dòng xe. Kệ để sống bình thản với mọi tốc độ. Và mỉm cười với chính lòng mình...
Lấy chiếc đĩa than khỏi vỏ, thật chậm đặt vào máy quay, nhẹ nhàng đặt tay cơ lên, nâng nhẹ chiếc kim vào rãnh nhạc...
Thật chậm lắp cuộn băng cối lấm bụi, mắc sợi dây băng sang phía bên kia, quấn một vòng. Và ấn "play".
Một âm thanh. Một hình ảnh. Một ngày cũ. Một...thao thiết bên mình./.