Gửi người mẹ có con bị án tử hình.

Mấy ngày qua, báo chí đưa nhiều tin, bài về vụ án xét xử nhóm cướp Hồ Duy Trúc, chặt tay nạn nhân cướp xe máy SH. Tòa sơ thẩm thành phố Hồ chí Minh tuyên án tử hình Hồ Duy Trúc, kẻ cầm đầu băng cướp, một mức án cao hơn Viện kiểm sát đề nghị.

Bản án được cho là nghiêm minh, nhất là trong tình hình nạn trộm, cướp đang hoành hành tại thành phố Hồ chí Minh, gây bất an cho người dân và khách du lịch trong và ngoài nước.

me%20truc%203.jpg
Mẹ bị cáo Trúc vật vã tại phiên tòa, thốt lên những lời khó nghe (ảnh: Vietnamnet)

Sau khi nghe Tòa tuyên án, bà và người nhà của mình vật vã, có nhiều lời nói không phải với nạn nhân, với những người cầm cân nẩy mực, gây náo loạn tại chốn pháp đình. Chứng kiến những cảnh như vậy, có người bình phẩm ‘’Con hư tại mẹ’’, hay nặng lời hơn ‘’ Mẹ nào con nấy’’, hay sống trong một gia đình như vậy Hồ Duy Trúc không đi ăn cướp mới là lạ.

 Dù sao, cũng có thể thông cảm với tình cảnh của bà khi nghe đứa con dứt ruột đẻ ra bị tuyên án tử hình. Với ai trong tình cảnh đó cũng đau xót. Nhưng bà hãy nghĩ xem : Nếu ai cũng như bà, những người thân của bà, chỉ thấy cái lỗi thuộc về người khác, nào là ai bảo đeo hột xoàn, đi xe ga chi cho nó chém...vv .

Bà còn thốt ra những câu mà người khác mới chỉ nghe thấy đã lạnh cả người: Chỉ có chặt tay thôi mà xử tử à?  Vâng, điều mà bà cho là bình thường đó thực chất là một hành động cố ý gây thương tích, mất nhân tính với thủ đoạn tàn bạo, phạm vào tội giết người.

Những nạn nhân của con bà không bị tàn phế, không chết là ngoài ý muốn. Bà hãy thử tưởng tượng xem những người đó bị chém xối xả vào đầu, vào lưng, vào tay khi đang lưu thông trên đường như vậy, bị ngã xuống thì nguy hiểm đến nhường nào.

Và hơn nữa, hành động của con bà gây bất an trong xã hội, con bà thuộc loại tội phạm án chồng án, thực hiện hành vi phạm tội một cách quyết liệt và có tổ chức. Hành động của con trai bà và những đồng phạm gây phẫn nộ trong dư luận đến nỗi nhiều người yêu cầu thành lập lại các đội săn bắt cướp SBC như hồi mới giải phóng để trừng trị nghiêm khắc những kẻ trộm cướp, khôi phục lại trật tự an ninh, lấy lại lòng tin của người dân.

Họ mong muốn một cuộc sống an lành, trong đó con người ta dù giàu hay nghèo đối xử với nhau một cách tử tế.  Nghèo không phải là cái tội, nhưng cũng đừng viện dẫn cái nghèo để bao biện cho những hành vi tội ác, thậm chí vì thấy mình nghèo mà phạm tội chỉ để thỏa mãn cảm giác hằn học với những người có điều kiện hơn thì đúng là bệnh hoạn, là suy đồi về đạo đức.

Mẹ bị cáo Trúc đau khổ khi biết con bị án tử (Ảnh: Người lao động)

Có người mẹ nào mà chẳng thương con, đến như loài cầm thú cũng còn có tình mẫu tử. Nhưng tình mẫu tử cũng được thể hiện khác nhau. Có người vì yêu thương con mà hay tìm cách biện hộ cho hành vi sai trái của con cái mình hơn là dạy cho con cái cách nhận ra sai lầm, sửa chữa lỗi lầm và đứng dậy.

Bà nên hiểu rằng những lỗi nhỏ được bao che theo ngày tháng sẽ trở thành những lỗi lầm lớn. Một hành động bạo lực được bao che, theo ngày tháng sẽ trở thành những hành vi bạo lực tàn ác và dã man hơn.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, nhiều bà mẹ đã gạt nước mắt tiễn con ra chiến trường. Những người mẹ đó không phải không biết rằng những đứa con mình dứt ruột đẻ ra vào chiến trường khốc liệt như vậy lành ít dữ nhiều. Nhiều người con thân yêu của họ không quay trở về, nhiều người còn chưa tìm thấy xác.

Những người mẹ đó họ đau xót lắm, nhưng điều mà họ hiểu những đứa con của mình thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ Tổ quốc. Không ít những người mẹ trong số đó cũng nghèo, nhưng họ đã sống tử tế, sống vì lòng tin mình đang góp sức xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người.

Rồi mai đây, tại Tòa chung thẩm, nơi chắc sẽ được tổ chức một cách an ninh, trật tự hơn để bảo vệ tính tôn nghiêm của chốn pháp đình,  bà và những người thân cũng nên tin rằng pháp luật luôn công bằng, công minh. Và khi Tòa tuyên án nào với con bà thì đó là hoàn toàn "Phụng công, Thủ pháp, Chí công, Vô tư"./.