1.Vụ bắt cóc trẻ con (may mà hụt), xảy ra ở phố tôi lần ấy vào một buổi trưa thứ bảy. Đứa bé hơn 3 tuổi, lẫm chẫm biết đi, vẫn tha thẩn chơi ở cửa tiệm cắt tóc gội đầu nơi mẹ nó vừa làm việc vừa trông con, bỗng dưng biến mất. Bà mẹ trẻ không thấy con, cuống cuồng gào khóc thảm thiết. Mọi người túa đi tìm một lúc lâu mà vẫn bặt tăm hơi.

Đến chiều muộn thì có người báo tin rằng ở đồn công an phường bên cạnh đang giữ một em bé đi lạc được đưa vào đó. Mừng quá là mừng khi thấy đúng đứa bé ấy. Những lời non nớt, lộn xộn của cháu khiến mọi người hiểu lờ mờ là có một chú đánh giày rủ đi chơi, cháu đi theo, rồi đi mãi, lúc nhớ mẹ, khóc ầm ĩ và mọi người xúm lại thì chú kia bỏ đi mất. Mọi người đưa bé vào đồn công an ngay gần đó.

Cô gái ở tiệm gội đầu vốn lúc trước là công nhân, nhưng từ khi sinh con thì cô ấy chuyển sang làm một nghề tự do, để có thể tự trông nom con mình, vì chẳng biết gửi con cho ai, ở đâu. Tự trông con nhưng vẫn phải làm việc nên có lúc xao nhãng, suýt để mất con.

Tìm chỗ gửi con ở lứa tuổi mầm non là vấn đề đau đầu với hầu hết các ông bố bà mẹ, nhất là khi gia đình kinh tế khó khăn, lại không có ông bà nội ngoại để trông nom giúp. Các nhóm trẻ gia đình là sự lựa chọn của khá nhiều người vì chi phí thấp, nằm trong các khu dân cư nên tiện lợi. Dĩ nhiên họ cũng biết là gửi như vậy, con chỉ được trông (giữ) và cho ăn chứ không mong được dạy dỗ gì nhiều, nhưng làm gì có sự lựa chọn nào khác, tìm được chỗ gửi trẻ là may rồi.

Đến khi những vụ bạo hành trẻ em, hay những rủi ro đáng tiếc xảy ra trong các nhóm trẻ gia đình, thì các bậc cha mẹ có con nhỏ mới thấy hoang mang, sợ hãi. Thế nhưng, họ cũng rất sợ nếu nhóm trẻ nơi đang gửi con bị kiểm tra rồi thiếu điều kiện tiêu chuẩn, phải đóng cửa; vì lúc ấy biết gửi con ở đâu để đi làm mà kiếm sống?

2. Vụ cô bảo mẫu đánh trẻ con ở nhà trẻ Phương Anh mới đây không phải là vụ đầu tiên bị phát hiện. Mấy năm gần đây, đã có nhiều vụ hành hạ trẻ em bị báo chí đưa ra, cơ quan chức năng vào cuộc. Lập tức, những bên có trách nhiệm ra công văn, chỉ thị, rà soát, tổng kiểm tra, yêu cầu báo cáo, kiểm điểm, yêu cầu xử lý nghiêm để làm gương vv… Những bảo mẫu ngược đãi trẻ em bị mang ra xét xử, có kẻ đã bị ngồi tù. Thế nhưng vì sao những vụ việc tương tự vẫn chưa chấm dứt?

Thật ra, việc xử lý ồn ào như vậy dường như chỉ nhằm xoa dịu dư luận. Cũng có thể có tác dụng răn đe, tuy nhiên, những kẻ quen thói bạo hành trẻ có thể sẽ chuyển sang hình thức bạo hành khác mà không để lại dấu vết để khỏi vướng vòng lao lý. Lắm khi điều đó sẽ còn đáng sợ hơn, ảnh hưởng nhiều hơn đến sức khỏe tâm lý và sự phát triển của trẻ.

Sau khi xử lý bảo mẫu vi phạm, căn nguyên của vấn đề vẫn chưa được giải quyết, đó là một môi trường giáo dục mầm non tử tế để chăm sóc và dạy dỗ trẻ em, mà cha mẹ trẻ có thể tiếp cận được.

Ở rất nhiều khu dân cư, nhiều khu nhà ở công nhân, không hề có trường mầm non. Không có cách nào khác, các bậc cha mẹ phải tìm đến những nhóm trẻ gia đình. Ở đây, cơ sở vật chất thường là không đảm bảo: diện tích chật hẹp, các tiêu chuẩn an toàn như chấn song cửa, bậc cầu thang không đảm bảo vì thiết kế ban đầu không phải dành cho vườn trẻ, bếp đun bằng than tổ ong gây ô nhiễm không khí.v.v… Ở nhiều điểm trông trẻ, cô bảo mẫu hầu chỉ là những lao động phổ thông, không có chuyên môn nghiệp vụ, chấp nhận mức lương thấp. Những người có chuyên môn sư phạm mẫu giáo mà làm việc ở đây thì cũng không chịu sự ràng buộc nào, vì lương thấp, bởi vậy họ cũng có thể rời bỏ chỗ này sang chỗ khác làm việc nếu có cơ hội. 

Đã vậy, thường là 1 cô bảo mẫu phải trông rất nhiều cháu chứ không phải một số lượng hợp lý. Sự quá tải này cũng gây căng thẳng, dễ dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát của những người trông trẻ.

3. Để không còn những vụ nạn bạo hành trẻ em, xử lý nghiêm bảo mẫu vi phạm là chưa đủ. Cần có chính sách, chiến lược từ các nhà quản lý, để trước hết, phải làm sao có đủ trường, lớp mầm non cho trẻ em. Bảo mẫu phải là những người có chuyên môn, được đào tạo về giáo dục mầm non, đồng thời phải chăm sóc họ để có đời sống tương đối ổn định mới yên tâm với nghề.

Bà Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo từng trả lời báo chí, nhấn mạnh: “Lứa tuổi mầm non có vị trí rất quan trọng trong suốt quá trình phát triển cuộc đời của mỗi con người. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học dưới góc độ sinh lý, tâm vận động, tâm lý xã hội... đã khẳng định sự phát triển của trẻ từ 0 - 6 tuổi là giai đoạn phát triển có tính quyết định để tạo nên thể lực, nhân cách, năng lực phát triển trí tuệ trong tương lai”. Những đứa trẻ cần được đi học, được yêu thương, được trông nom dạy dỗ và phát triển bình thường để mai sau là những công dân có cuộc sống hạnh phúc, đóng góp tích cực cho xã hội.

Ở nhiều nước trên thế giới, giáo dục mầm non được nhà nước quan tâm hỗ trợ một phần chi phí bất kể đó là trường công hay trường tư.

Xã hội sẽ chịu thiệt hại lớn vì không chăm lo cho thế hệ tương lai mà phó mặc cho các gia đình tự tìm giải pháp!