1. Không công thức, không chiêu trò, không vì mục đích “muốn nổi tiếng” , Lệ Rơi (tên thật là Nguyễn Đức Hậu) bắt đầu cuộc chơi khá tình cờ: thu âm một bài hát với hình ảnh quê mùa, bối cảnh căn phòng thảm hại, giọng ngọng líu và đặc biệt là những câu hát sai nhạc ngang phè khiến người xem phải phì cười. Thảm họa âm nhạc đầu tay được cư dân mạng thích thú, chia sẻ, động viên và... “dọa giết” (theo lời kể của cậu) khiến Hậu cảm thấy hào hứng vì được đón nhận.
Những bài hát tiếp sau lần lượt ra đời trong một khoảng thời gian rất ngắn. Lập tức, Lệ Rơi trở thành một từ khóa ngập các trang mạng xã hội, lan tràn các diễn đàn. Và giờ đây, nhiều tờ báo điện tử cũng vào cuộc cổ súy những bài hát thảm họa của cậu.
Chàng trai Lệ Rơi đang gây "sốt" với cộng đồng mạng
Cũng nên nói lại cho rõ, Nguyễn Đức Hậu không phải là người “quậy tưng bừng” như những hiện tượng mạng trước đó. Hậu sinh năm 1987, quê Liên Mạc, Thanh Hà, Hải Dương. Cậu từng tốt nghiệp Cao đẳng Tài chính - Kế toán và giờ đang làm nông cùng gia đình. Hậu ghi hình những “hit” đang làm mưa làm gió trên các trang mạng nhờ chiếc Laptop và đôi loa hạng xoàng, trong căn phòng trơ trọi, bé xíu giữa vườn ổi.
Cho đến lúc này, Hậu vẫn tái khẳng định liên tục mục đích thu và phát tán các bài hát chỉ đơn thuần giải trí. Cậu không có động cơ cố nổi tiếng chen chân vào giới showbiz (?!). Nên công tâm mà nói, nếu có điều gì không ổn trong hiện tượng này, có lẽ cái sai không nằm ở khổ chủ.
2. Từ nhỏ, ai trong chúng ta cũng được học (nhưng không nhiều người nhớ) về chức năng của nghệ thuật gồm: giáo dục, nhận thức, thông báo, giao tiếp, giải trí, thẩm mĩ... Còn các nhà Mỹ học luôn khẳng định: “Cái đẹp chỉ là một phương diện không thể thiếu được của nghệ thuật”.
Vậy điều gì đang diễn ra trong xã hội trước “hiện tượng Lệ Rơi”?
Hẳn sẽ có người lập luận những gì chàng thanh niên nông dân Hải Dương này đang làm chỉ là một sản phẩm giải trí, không thể đánh đồng nó với nghệ thuật (?!). Liệu có khác chi việc các nghệ sĩ tấu hài nhại lại các ca khúc để gây cười trong các chương trình Táo Quân được phát trên truyền hình quốc gia mỗi năm (?!)
Điều này là nhầm lẫn. Vì khi người xem đón nhận một người với danh xưng “ca sĩ” cover những bài hát mang giá trị nghệ thuật (mà chưa xin phép nhạc sĩ) thì không thể nghiễm nhiên coi lao động sáng tạo trước đó của nhạc sĩ là trò mua vui. Nói ngắn lại, khi đám đông đã “mặc” cho sản phẩm chiếc áo “ca khúc” thì đừng lấy nghệ thuật ra làm trò giải trí rẻ tiền, thiếu thẩm mỹ.
Hơn nữa, việc coi Táo Quân chỉ đơn thuần giải trí mà không mang tính nghệ thuật cũng không ổn. Táo Quân là một tiết mục sân khấu, mang đầy đủ “cái hài” của mỹ học và tạo nên khoái cảm thẩm mỹ, khác hoàn toàn trò hề đang được đám đông cổ súy là “ca khúc hot”.
Táo Quân là một "món ăn" tinh thần mang đầy đủ cái hài của mỹ học
Trở lại với câu hỏi ta thấy gì trong xã hội qua “hiện tượng Lệ Rơi” ?
Còn thấy gì hơn ngoài một xã hội đang đảo lộn giá trị thẩm mỹ. Cái đẹp không thiếu nhưng chẳng ai quan tâm, vì thế mà ngày một ít có cơ hội xuất hiện. Cái xấu thì được chú ý, bàn luận, chia sẻ nhiều nên lan nhanh như virus.
Vậy nên, với những người yêu văn hóa, biết nói gì hơn: “đắng lòng” mà rơi lệ... ./.