Một địa điểm mà phía ngoài có treo biển khu phố văn hóa liệu có đủ sức thuyết phục bạn vững tin về an ninh trật tự? Tin rằng khi nhìn thấy tấm biển đó xuất hiện ở bất kỳ đâu thì sự thận trọng của bạn (với bọn lưu manh) vẫn chẳng hề vơi đi tẹo nào.
Nếu không tin cứ thử để cái Iphone vào giỏ xe rồi vừa lơ đãng thưởng ngoạn “khu phố văn hóa”, vừa véo von hát “chưa có bao giờ đẹp như hôm nay” xem cái Iphone của bạn có biến mất sau vài nốt nhạc không.
Ở một vài nơi vẫn kiên trì bằng cách gắn biển “Quyết tâm xây dựng gia đình văn hóa” |
Việc đóng biển “Gia đình văn hóa” vào trước cửa nhà dân đã bị dư luận phản ứng. Bộ VHTT&DL đã thông báo ngừng cách nay 4 năm. Thế nhưng ở một vài nơi vẫn kiên trì bằng cách gắn biển “Quyết tâm xây dựng gia đình văn hóa”. Chẳng biết cái “quyết tâm” này là “quyết tâm” của ai?
Phong trào của ta đều hướng tới những điều tốt đẹp. Nhưng triển khai theo lối áp đặt, hình thức và hô khẩu hiệu không phải là cách làm của thế kỷ 21 với nền kinh tế thị trường và mạng xã hội ngồn ngộn thông tin.
Đóng cho cái mác với mong muốn người ta làm theo là sự thể hiện rõ nhất của tư duy nhiệm kỳ, chụp giật, ăn sổi và chạy đua thành tích. Và cũng chẳng có cơ sở nào để tin rằng những tấm biển như thế có khả năng duy trì thành tích đã đạt được, hoặc đủ sức mạnh cảm hóa và kêu gọi lòng tự trọng của mọi người để hướng tới một khu phố đạt chuẩn văn hóa.
Sẽ vô cùng nguy hiểm nếu như thông tin trên tấm biển không đúng hoặc ít có giá trị xác thực. Chẳng hạn như biển báo chỉ đường sai sẽ khiến người điều khiển phương tiện tốn thời gian, tiền của, công sức, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Tấm biển có ý nghĩa xã hội và pháp lý vì nó tác động tới mọi người, chế tài hành vi của mọi công dân. Vì thế, nếu nó “bị phủ quyết” một cách không thương tiếc thì không đơn giản chỉ là sự lãng phí. Thiệt hại lâu dài và nguy hại hơn, là nó làm xói mòn niềm tin của con người - đối tượng mà bất kỳ tấm biển nào cũng phải hướng tới./.