Ở nhiều vùng quê Bắc Bộ có lệ, hễ nhà nào đụng việc hiếu hỉ đều tổ chức mời cơm bà con trong xóm. Trước khi bà con chòm xóm ngồi vào mâm, có một thứ mà gia chủ không được phép quên, đấy là túi nilon. Việc phân phát túi ni lon cho khách được tiến hành ngay sau khi mâm cỗ được bê ra, khách vừa an tọa.
Thà quên chai rượu hay đĩa thịt gà còn được tha thứ, chứ quên túi nilon… hãy coi chừng! Vì thế gia chủ phải phát ngay từ đầu cho khỏi quên. Thiếu chai rượu khách còn nhổm mông, vẫy tay, hô cho tao chai rượu, còn túi nilon lại “hơi bị” nhạy cảm, chẳng ai dám nhắc, thế mới đau!
“Nhạy cảm” là vậy nhưng túi nilon lại đóng vai trò quan trọng, được xem như “biên chế chính thức” cho từng mâm cỗ, không thể thiếu bởi vì khách sẽ dùng chiếc túi ấy để lấy phần.
Sau khi ăn xong, mỗi người tự động gắp những thứ còn lại trên mâm cho vào túi nilon để đem về. Cũng có khi một người cao tuổi nhất trong mâm chủ động chia cho từng người. Để công đoạn lấy phần công bằng và thuận lợi, khách chỉ ăn những món như cơm, nộm, canh, xào… nói chung là những món có nước và khó chia. Còn những món có sự phân định rạch ròi về tiêu chuẩn như giò, chả, thịt gà, nem… thì mặc định được chừa lại để lấy phần đem về. Ai vi phạm chắc sẽ bị… lườm?
Nếu bữa cỗ có khách lạ, có thể từ thành phố về, việc đưa và nhận túi nilon diễn ra nhanh và kín đáo. Họ đưa mắt nhìn quanh (xem có ai để ý không) rồi dúi dúi cái bọc nilon xuống dưới mâm. Sự lúng túng ấy rất ngộ nghĩnh, đáng yêu. Ai mới thấy lần đầu chắc sẽ bật cười. Bà con ngại vì sợ bị chê là “nhà quê”?
Thoạt tiên tôi cũng cho cái việc lấy phần là “hơi bị lạc hậu”. Nhưng ngẫm thấy nó có thể xưa cũ chứ không lạc hậu; thậm chí, ở một góc nhìn nào đó, còn được xem là tập quán thú vị.
Có ý kiến cho rằng cuộc sống nông thôn thường khó khăn. Nếu như người thành phố bữa ăn nào cũng là cỗ, thì ngược lại, ở thôn quê, chỉ có đám mới có “chút mỡ màng” nên việc lấy phần xuất phát từ nguyên nhân thiếu thốn.
Tôi cho rằng không hẳn thế. Thói quen lấy phần phải chăng bắt nguồn từ những dịp hội hè ăn uống ở sân đình - trung tâm văn hóa của làng - từ bao đời nay?
Ở quê, nhà có đám mà sạch cỗ mới được khen. Sợ nhất là ế cỗ. Vì thế, “lấy phần” cũng là ý muốn của gia chủ. Hơn nữa, cuộc sống ở làng có tính cộng đồng cao. Hễ đụng việc là cả làng tham gia, trên tinh thần vui cùng hưởng, buồn cùng chia. Do đó chẳng có lý do gì hàng xóm có việc vui mà chỉ một người (đi ăn cỗ) được hưởng. Niềm vui ấy xứng đáng được san sẻ, chia đều và thông báo… cho cả những thành viên ở nhà nữa. Lấy phần có ý nghĩa biểu tượng của việc san sẻ niềm vui.
Hãy thử tưởng tượng niềm vui của trẻ quê mong bà, mẹ đi chợ về để có tấm bánh đồng quà như thế nào thì niềm vui của người già, con trẻ ngóng người đi ăn cỗ về y như vậy. Do đó, văn hóa lấy phần là nhân lên niềm vui, là thể hiện tính cộng đồng, rất thú vị, đáng lưu giữ chứ đâu có lạc hậu và chẳng việc gì phải ngượng ngùng.
Lấy phần nhiều khi được gom chung vào một khái niệm gọi là “lộc”. Đã là lộc thi khi thụ lộc phải tán lộc, phải sẻ chia mỗi người một ít mới đắc lộc.
Văn hóa tồn tại trong một không gian và thời gian nhất định, phù hợp với những đối tượng nhất định. Nếu bứng ra khỏi môi trường nó đang tồn tại, có thể không còn là “văn hóa” nữa. Mài răng, căng miệng được coi là đẹp ở một vài bộ tộc Tây Phi nhưng ở Việt Nam chắc không ai chấp nhận. Hoặc giả trong mâm cỗ quê (mà lấy phần được coi là lệ ấy) lại lẫn một vị khách không hiểu cái tục lệ lấy phần, cứ hồn nhiên chén cho bằng hết… thì cũng “hơi bị” khó xử.
Văn hóa lấy phần chỉ thú vị sau lũy tre làng, trong mối quan hệ cá nhân. Còn công việc chung thời hội nhập mà đua nhau “lấy phần” thì... lại phải xem lại./.