Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã đề xuất nêu tên, nếu cần thì kêu gọi khách hàng tẩy chay không đi xe của những doanh nghiệp vận tải không chịu giảm cước. Nhưng làm sao để dân chúng tẩy chay đây?
Năm hết Tết đến, đi làm ăn xa, tranh nhau mua được tấm vé về quê đã khó, nói gì đến quyền lựa chọn đắt rẻ, lại càng khó nói chuyện tẩy chay. Vì thế, khi các nhà xe không giảm giá, thậm chí còn phụ thu mấy mươi phần trăm, khách hàng cũng phải bấm bụng trả tiền, hòng mua một chỗ ngồi sao cho có mặt ở nhà trước lúc Giao thừa. Nên dù Bộ trưởng Đinh La Thăng có kêu gọi “tẩy chay các nhà xe không giảm cước” thì e rằng, cũng chỉ nói cho sướng miệng! Chứ dân đi xe khó mà thực hiện được. Bởi ai có thể thể đi bộ hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cây số để về quê?
Giữa cảnh nhộn nhạo của bến xe, khách hàng biết đâu nhà xe nào tốt, xấu; chất lượng ra sao, đắt rẻ thế nào… để mà lựa chọn. Lên xe rồi, nhà xe muốn lấy tiền kiểu gì cũng chịu, đòi xuống xe giữa đường, có khi chẳng được yên thân với phụ xe, cò mồi bến bãi.
Hãy để người dân biết giá trị “quyền tẩy chay” của mình và sử dụng nó khi cần thiết, nhằm chấm dứt kiểu giảm giá như ban ơn của doanh nghiệp với khách hàng, mà lẽ ra họ phải làm ngược lại? Muốn để thị trường tự điều tiết giá cả theo quy luật cung cầu, để khách hàng dùng “quyền tẩy chay” để “điều trị” doanh nghiệp thay cho nhà quản lý, phải tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch trên cơ sở điều tiết của hệ thống pháp luật, chứ không thể là từ lời phát biểu nhất thời.
Nhà xe không giảm giá, hoặc chỉ giảm nhỏ giọt vì lý do: Xăng chỉ là một trong nhiều yếu tố hình thành giá. Xăng giảm, nhưng nhiều loại phí lại tăng. Kể cả những thứ phí không tên dọc đường mà họ phải đóng!
Bảo vệ người tiêu dùng nói chung và người đi xe nói riêng bằng những đoàn kiểm tra, thậm chí là bêu tên doanh nghiệp không giảm giá khác gì cho người bệnh uống vài viên thuốc giảm đau. Muốn trị tận gốc căn bệnh này, phải cho khách hàng cơ hội được lựa chọn sản phẩm bằng sự minh bạch về giá cả và chất lượng dịch vụ, giúp họ nhận diện và cạch mặt những nhà xe xấu tính, tham lam, chuyên móc túi dân.
Hãy cho người dân thấy “tẩy chay” là quyền tối thượng của mình trong quan hệ với nhà cung cấp dịch vụ. Nếu không, "tẩy chay" chỉ là cách nói cho hả dạ, cho sướng cái miệng mà thôi!./.