Viết về nhà thơ Trần Đăng Khoa, không chỉ đối với riêng tôi, mà nhiều người đều cảm thấy đó là một việc khó. Đơn giản anh là người nổi tiếng. Ngay từ thưở lên tám tuổi Trần Đăng Khoa đã có thơ in báo và khi lên mười (1968), Khoa đã cho xuất bản tập thơ Từ góc sân nhà em, rồi sau đấy là tập thơ Góc sân và Khoảng trời, vì thế đã có hàng trăm bài viết về anh từ non nửa thế kỷ nay. Hỏi trong làng văn chương nước nhà cho đến nay hồ dễ mấy ai làm được như Trần Đăng Khoa. Ngoài tư cách là một thần đồng thơ ca, Trần Đăng Khoa còn là người có lối kể chuyện rất hóm hỉnh.
Từ một thần đồng thơ ca
Nhiều người cho rằng Trần Đăng Khoa là người nhất hai trong một. Thứ nhất, so với những nhà thơ, nhà văn cùng và sau thế hệ, anh là người có thơ đăng báo sớm nhất (8 tuổi) với tư cách là sự khởi đầu cho một tài năng thơ thực thụ. Hai là, Trần Đăng Khoa là nhà văn đương đại có tác phẩm văn chương được tái bản nhiều nhất (trên 30 lần). Chính vì lẽ đó mà anh đã nhận được Giải thưởng Nhà nước về Văn học- Nghệ thuật, đợt I, năm 2000.
Một trong số những tác phẩm của Trần Đăng Khoa được nhiều người biết đến nhất là bài thơ anh viết khi mới lên mười tuổi: “Hạt gạo làng ta”. Sau 3 năm (1971), bài thơ này đã được nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ nhạc. Lớp lớp trẻ em thời chống Mỹ, cũng như sau này trên khắp cả nước, nhất là ở những vùng nông thôn thường hát vang bài ca ấy trên lớp học và những khi vui đùa như sau lũy tre làng bài đồng dao dành cho các em.
Các bài thơ “Đánh thức trầu” (1966), “Mẹ ốm” (1970) của anh cũng được nhiều người thuộc và đánh giá cao. Trong bài Mẹ ốm Khoa viết khi mới 12 tuổi, có những câu vừa ngây thơ, trong sáng, vừa sâu sắc như một nhà hiền triết nhỏ tuổi:
Cánh màn khép lỏng cả ngày
Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa
Nắng mưa từ những ngày xưa
Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan…
Cả đời đi gió đi sương
Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi…
Rồi ra đọc sách, cấy cày
Mẹ là đất nước, tháng ngày của con
…khiến cho nhiều người phải ngỡ ngàng, thậm chí còn ngại cầm bút làm thơ. Tập thơ “Góc sân và Khoảng trời” của anh đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Đáng chú ý là thần đồng Trần Đăng Khoa khi mới lên mười với sự hồn nhiên, ngây thơ của mình đã đề nghị sửa câu thơ trong bài “Ta đi tới” của nhà thơ Tố Hữu viết trước khi cậu bé Khoa chào đời ba năm (1955). Câu thơ của Tố Hữu Đường ta rông thênh thang tám thước, Trần Đăng Khoa đề nghị đổi thành Đường ta rộng thênh thang ta bước. Tôi không có bình luận gì về sự hay dở, đúng sai đối với hai cụm từ mà anh đề nghị thay đổi, mà chỉ ghi nhận một thực tế ở đây là thưở nhỏ Khoa là một cậu bé thông minh, thật thà, nhưng cũng đầy dũng cảm.
Việc gì đến ắt sẽ đến, khi đang học lớp 10/10 tại trường phổ thông cấp III, Nam Sách, Trần Đăng Khoa được gọi nhập ngũ ngày 26/2/1975. Anh gia nhập Tiểu đoàn 691 Trung đoàn 2, Quân tăng cường Hải Hưng. Khi Khoa đang còn trong thời kỳ huấn luyện tân binh (trong thời chiến thông thường là 3 tháng), thì 30/4/1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng. Sau khi tham gia hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, Trần Đăng Khoa được bổ sung về quân chủng Hải quân và đã có mặt tại Trường Sa cho đến 1982. Đầu năm 1983, anh được về đất liền, vào học ở Trường Viết văn Nguyễn Du, sau đấy đi Liên Xô học ở Học viện Goorky. Về nước anh công tác tại một số đơn vị trong Quân đội, đến năm 1994 về Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 2004, với quân hàm Thượng tá, Trần Đăng Khoa chuyển về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến nay.
Trong những năm tháng công tác tại quân chủng Hải quân, trong tư cách là một người lính canh giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Trần Đăng Khoa từng trải qua nhiều gian nan vất vả nơi đảo xa,. Cuộc sống của người lính biển đảo cũng cho anh những trải nghiệm thú vị trong cuộc đời cầm bút làm thơ và viết văn. Theo tôi những năm tháng ấy không chỉ là những chất liệu cần thiết, mà còn là niềm cảm hứng để Trần Đăng Khoa cho ra đời hàng loạt những bài thơ, bút ký, tiểu thuyết, đánh dấu sự trưởng thành của một tài năng thực thụ.
Đến một người bạn tin cậy của bộ đội Trường Sa
Chỉ khoảng trên dưới hai năm nhà thơ Trần Đăng Khoa gắn bó trực tiếp với quần đảo Trường Sa trong tư cách là một chiến sĩ Hải quân, nhưng dường như chỉ từng ấy thời gian cũng để cho anh trải qua nhiều gian nan vất vả nơi đảo xa. Cuộc sống của người lính biển đảo cũng cho anh những trải nghiệm thú vị trong cuộc đời cầm bút làm thơ và viết văn. Theo tôi những năm tháng ấy không chỉ là những chất liệu cần thiết, mà còn là niềm cảm hứng để Trần Đăng Khoa cho ra đời hàng loạt những bài thơ, bút ký, tiểu thuyết, đánh dấu sự trưởng thành của một tài năng thực thụ.
Minh chứng là Trần Đăng Khoa đã cho ra đời khoảng trên 35 bài thơ, trong đó có hơn chục bài được phổ nhạc như: “Chim sơn ca trên đảo Sơn Ca”, “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn”, “Lính đảo hát tình ca trên đảo”, “Hát về một hòn đảo”,… Đặc biệt bài “Thơ tình người lính biển” với lời thơ chân thành, đằm thắm mà sâu lắng, tượng trưng cho khát vọng tình yêu của tuổi trẻ Việt Nam trong tư cách người lính canh giữ biển trời biên cương cho Tổ quốc. Bài thơ đã được bốn nhạc sĩ cùng phổ nhạc, nhưng bản phổ của người nhạc sĩ tài hoa Hoàng Hiệp thực sự đã nâng bài thơ lên một tầm cao mới nhờ vào sự hỗ trợ đắc lực của tài năng âm nhạc, vì thế nó được nhiều người biết đến hơn cả.
Bài thơ cũng như ca khúc là bản tình ca bất diệt về tình yêu đôi lứa và tình yêu giữa đất liền với biển đảo quê hương. Chính sự lồng ghép giữa tình yêu lứa đôi và tình yêu đất nước, bài thơ và ca khúc thực sự có sức lan tỏa rộng lớn và đã nhận được sự đồng cảm, sẻ chia của bao thế hệ thanh niên trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Đây là một trong những bài thơ- ca khúc đi cùng năm tháng.
Cùng với nhiều bút ký, phóng sự khác mà Trần Đăng Khoa đã viết về Trường Sa, “Đảo chìm” có thể được coi như một liên khúc các bút ký hay một tiểu thuyết mini (theo cách gọi của tác giả), cũng được. Chính ở sự không phân định một cách rạch ròi về hình thức thể loại, đã tạo nên sự hấp dẫn lạ thường cũng như sức sống bền lâu cho tác phẩm. Minh chứng là đã có trên 50 bài viết của các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình về cuốn sách, trong đó có tác giả viết tới ba bài như các nhà văn Xuân Đức, Phan Văn Tòng,… Ấy là chưa đến hàng chục những lời góp ý chân thành của chính những người đồng đội đã từng có những năm tháng sồng cùng Trần Đăng Khoa ở Trường Sa cách đây hơn 30 năm về trước và cả những người hiện nay đang công tác tại quần đảo này.
Và tôi tin rằng số lượng các bài viết và những lời góp ý về tác phẩm chưa dừng lại ở đấy. Có thể vì sức lan tỏa của “Đảo chìm” là quá lớn nên tính đến thời điểm này tác phẩm đã được tái bản tới trên 30 lần, tính trung bình mỗi năm tái bản gần một lần. Đây thực sự là một kỷ lục hiếm hoi đối với văn học Việt Nam đương đại, nhất là trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin kỹ thuật số, sự ra đời đến chóng mặt các trang báo điện tử, các trạng mạng và blog cá nhân, khiến cho ngày càng thưa vắng hơn những tác phẩm văn chương in trên giấy được tái bản nhiều lần.
Và “ông vua” chuyện hóm
Các cụ ta xưa bảo rằng: Chuyện kể không bằng lối kể. Trước và sau Trần Đăng Khoa đã có hàng trăm bút ký, phóng sự, truyện ngắn và tiểu thuyết viết về Trường Sa. Nhưng với Đảo chìm Khoa đã tìm ra cho mình một lối kể chuyện riêng, không trộn lẫn vào bất cứ ai. Không biết có phải đấy là nguyên nhân chính yếu dẫn đến sự thành công của Trần Đăng Khoa và “Đảo chìm”.
Về mặt cấu trúc, tác phẩm có sự gắn kết chặt chẽ phục vụ cho một tư tưởng chủ đề, phản ánh những khó khăn vất vả và tinh thần vượt lên của những người lính trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trước sự phá hoại của thiên nhiên khắc nghiệt cũng như sự hiểm độc của kẻ thù xâm lược.
Nhưng ở một chiều kích khác, về khía cạnh chất liệu, thì 15 chương của cuốn tiểu thuyết mini này lại nghiêng về thể ký hơn. Theo Trần Đăng Khoa cho biết, chỉ có duy nhất hình tượng con lợn, mà lính đảo quen gọi là nàng An tê ra mê ra là được hư cấu từ nguyên mẫu một chú chó do chính trị viên Thuận mang ra đảo nuôi và một chi tiết y tá Huy mổ ruột thừa cho Thiêm ngay trên đảo là hư cấu: Thế rồi rốt cuộc, Thiêm đành phải bám lấy sự sống với niềm hy vọng chỉ có 0,01%. Cậu cắn răng ký vào biên bản mổ, chấp nhận mọi sự rủi ro. Cánh lính trẻ trói chặt Thiêm vào chiếc giường sắt chống sóng, lấy nước muối sát trùng và Huy đã mổ cho Thiêm bằng ... lưỡi dao cạo râu. (2)
Còn lại những chuyện đều có thật về cuộc sống của những người lính đảo ở Trường Sa vào cuối những năm 70- đầu 80 của thế kỷ trước. Đặc biệt về ngôn ngữ và giọng điệu của người kể chuyện trong “Đảo chìm” vừa như thật, lại vừa như đùa, đầy cảm hứng chủ quan của tác giả, rất gần với sự hồn nhiên, vui đùa của những người lính trẻ ngoài đảo xa, khiến người đọc liên tưởng đến bút pháp của thể bút ký nhiều hơn là tiểu thuyết: Nhưng ở đây, dưới vòm trời âm u, không tiếng gà, không bóng trẻ, người ta dần quên đi những cái dáng ong óng đầy huyền bí của các cô gái. Người ta cũng quên luôn cả vẻ trai tráng của chính mình. Bộ râu của Tư cũng bị bỏ quên, nên tha hồ bành trướng. Chúng tranh nhau mọc. Sợi xỉa ra. Sợi quặp vào, nom xùm xoè nghiêng ngửa như chùm rễ dại trắng phếu cặn muối vểnh ra ngoài lợi nước. Tư như trẻ, lại như già. Một bộ mặt hoang vu rất khó xác định niên đại. (3)
Quang trọng là Trần Đăng Khoa đã tìm ra cho mình lối kể chuyện rất riêng, lúc thì tưng tửng như không, đầy chất khôi hài, có khi khiến người đọc phải cười ra nước mắt, khi lại hết sức nghiêm cẩn đến từng con chữ, dấu phẩy; lúc cao hứng, Trần Đăng Khoa thả rông trí tưởng tượng của mình lên tận chín tầng mây, khi cần suy tư, triết lý, anh lại đào đến tận cùng căn nguyên, gốc rễ của sự việc, số phận con người trước biển cả bao la và hung dữ: Tư Xồm bỗng nấc lên. Thế là lại thêm một người lính nữa chết ở đảo chìm. Người đó tại sao không phải tôi, mà lại là Hai, con cá kình của đảo chìm? Tôi bỗng thấy chóng mặt. Chính trị viên Thuận vội chạy tới đỡ vai tôi. Tôi níu tay Tư. Còn Tư thì ôm lấy cột lều. Sóng vẫn hắt qua mấy khung giường sắt, phủ lên đầu chúng tôi từng đợt nước mặn chát. Lần đầu tiên, tôi mới hiểu vì sao nước biển lại mặn đến thế. Và có lẽ không ở đâu nước biển mặn như ở đảo chìm. Mặn như máu... (4)
So với nhiều nhà văn khác, Trần Đăng Khoa viết không nhiều, nhưng đã viết thì tác phẩm nào ra tác phẩm nấy, chọn lọc kỹ càng, trau chuốt từng câu chữ, ý tứ sao cho vừa đủ lượng thông tin cần thiết đem đến cho độc giả sự thỏa mãn thẩm mỹ trong thưởng thức, nhất trong tiểu thuyết mini “Đảo chìm”. Có những chương chỉ khoảng vài ba trang sách in như: “Hòn đảo kỳ lạ”, “Ở xứ sở tự do”, “Cuộc biểu diễn không sân khấu”,… nhưng tuyệt nhiên không có chương nào dài đến 10 trang in. Mỗi chương là một bài bút ký hay một câu chuyện ngắn gọn, súc tích. Nhưng nó được đặt trong một cấu trúc hết sức chặt chẽ, mà nếu bớt đi bất cứ chương nào, người đọc cũng thấy tiếc vì không được thưởng thức trọn vẹn những câu chuyện mà Khoa kể.
Khiếu hài hước, dí dỏm cùng với trí tưởng tượng phong phú, lối dựng chuyện trong cách kể mỗi câu chuyện của Trần Đăng Khoa rất độc đáo khiến người đọc cảm thấy như vừa được thưởng lãm một bữa tiệc ngôn ngữ thục thụ, nên khó lòng có thể dứt ra được Đấy chính là cái tài kể chuyện của Trần Đăng Khoa, mà nhà văn Lê Lựu gọi là thần bút. Cuốn tiểu thuyết tuy không dày, chỉ vỏn vẹn khoảng chưa đầy 100 trang in, nhưng cũng đủ để người đọc cảm nhận khá đầy đủ về cuộc sống của những người lính biển đảo cách đây hơn 30 năm về trước. Khó khăn, gian khổ là thế, nhưng cán bộ và chiến sĩ Trường Sa vẫn không hề nao núng, kiên quyết bám biển đảo ngày đêm bảo vệ từng tấc đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc./.
Tham khảo:
(1) Trần Đăng Khoa- Trường Sa. Nhà xuất bản Văn học, H, 2014
(2), Sđd, tr. 103
(3), Sđd, tr. 84- 85
(4). Sđd, tr. 138