* Kính chào nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa. Tôi rất mong có sự đồng cảm của anh. Chuyện này tôi giấu kín nhiều năm nay vì tôi nghĩ, sẽ không nhiều người chia sẻ.

Tôi lấy chồng tính đến nay đã hơn 3 năm. Chồng tôi là giảng viên một trường Đại học tại TPHCM, ngoài ra, anh còn nghiên cứu sinh học và viết sách. Nhìn bề ngoài, chồng tôi là một người đàn ông rất chững chạc. Công việc của anh tuy bận rộn nhưng cũng không hay phải đi công tác xa. Anh rất yêu vợ, quan tâm đến con.

Song chẳng hiểu vì lý do gì, chồng tôi rất lười yêu và không hứng thú gần gũi vợ. Mỗi khi tôi có nhu cầu gần gũi với chồng thì anh thường cáo mệt, hoặc mắc nhiều việc phải nghiên cứu hay giả bộ lên giường ngủ trước.

Rất nhiều lần tôi thắc mắc tại sao  như vậy, thì anh giải thích: Vợ chồng thương nhau đâu cứ phải có chuyện đó. Với lại, anh làm việc nhiều với sách vở, nghiên cứu nên về đến nhà đã mệt lắm rồi.

Trong suốt gần 3 năm vợ chồng, tôi và chồng chỉ làm chuyện đó đúng 8 lần. Lần đầu tiên là đêm tân hôn. 3 lần nữa là tuần trăng mật, còn lại rải rác vài tháng có khi đến nửa năm 1 lần. Lần gần nhất cũng cách đây hơn 30 ngày rồi.

Tôi rất buồn chán. Tâm lý luôn căng thẳng. Tôi sợ nếu đòi hỏi nhiều thì lại sợ chồng nghĩ tôi không ra sao. Có phải những người tiếp xúc nhiều với sách vở, yêu thích nghiên cứu thì nhu cầu phòng the của họ ít hơn không? Xin nhà thơ cho tôi một lời khuyên. (Lê Hải Yến, quận Tân Bình, TPHCM)

Trần Đăng Khoa: Cám ơn bạn đã tin TĐK, lại đem chuyện phòng the ra bàn với gã thày tu nửa mùa Trần Công Công. Như thế nghĩa là tin nhau lắm đấy.

tran-dang-khoa.jpg
Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Trong đạo vợ chồng, chuyện chăn gối quan trọng lắm. Thiên đường là đấy và địa ngục cũng ở đấy. Chả thế, ông Lev Tolstoi, nhà văn vĩ đại Nga đã phải thốt lên: “Bi kịch cuối cùng của con người là ở trên giường ngủ!”. Nhiều cặp uyên ương bỏ nhau, có đến 99,9 %  nguyên do cũng từ chuyện gối chăn, nhưng ra toà thì họ nói dối. Họ loanh quanh biện cớ bằng hàng ngàn những lý do khác.

Không phải vì nghiên cứu khoa học hay đọc nhiều sách vở mà giường chiếu phai nhạt đâu. Nhiều khi ngược lại đấy.

Chất lượng sống, chất lượng yêu đương của vợ chồng bạn, nếu đúng như bạn kể là chuyện hoàn toàn không được bình thường. Bạn phải bình tĩnh và tế nhị tìm ra nguyên nhân. Có bắt đúng bệnh thì mới tìm được thuốc đặc hiệu để chữa trị. Thường trong hoàn cảnh ấy, rất dễ rơi vào mấy trường hợp này. Một là, có thể anh ấy bị áp lực công việc thật. Điều này lại không đáng ngại. Bởi chuyện đó sẽ qua rất nhanh.

Điều thứ hai, nếu là bệnh bất lực, bệnh đàn ông thì phải có sự can thiệp của bác sĩ. Điều thứ ba thì phức tạp hơn. Biết đâu ông chồng bạn lại có cô bồ nhí nào đó. Đàn ông yếu đuối lắm đấy. Họ rất dễ sa ngã. Nói thầm với bạn nhé: Tôi không tin đàn ông chung thủy đâu. Họ chỉ chung thủy trong mấy trường hợp: Hoặc đấy là kẻ cơ hội. Với loại người này, họ phải giữ gìn để thăng tiến. Trường hợp thứ hai, họ không có cơ hội để bộc lộ mình, hoặc bị kìm kẹp phong tỏa bởi một lễ giáo nào đó. Trường hợp thứ ba, đó là kẻ bệnh tật.

Còn với những người bình thường, khỏe mạnh, anh nào trong máu cũng có chất yêng hùng, chất nổi loạn. Cứ có cơ hội là “bùng” đấy. Tất nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ, nhưng hiếm lắm. Tôi “tiết lộ” điều này, không phải bôi xấu đàn ông, mà chỉ muốn nói một sự thật, rằng đàn ông rất yếu đuối, dễ sa ngã. Trước da thịt của đàn bà là đầu óc mụ mị. Bởi thế, các bà vợ cần phải biết thương chồng, giúp cho chồng đứng vững.

Gặp trường hợp này, bạn cần tế nhị. Nổi giận, đánh ghen, xỉ nhục bồ chồng là hạ sách. Người thông minh không chọn giải pháp ấy. Vậy thì bạn phải làm một người vợ thông minh để giải cứu cho chồng, giữ không để gia đình mình tan vỡ. Cách giữ chồng tốt nhất là làm cho mình đẹp hơn, đẹp cả tâm hồn và thể xác, để chứng minh cho chồng biết rằng: Chẳng có người phụ nữ nào đẹp hơn người vợ của anh đâu.

Trong một bài thơ vái vợ - người vợ nói chung của đàn ông trên thế gian, lão già hâm hâm này từng ca tụng: “Hương sắc ngàn xuân tụ lại- Bừng trong da thịt em đây – Đến nỗi cả ngài phỗng đá – Cũng còn rạo rực ngất ngây”…Phỗng đá còn rạo rực thì có gã đàn ông nào có thể cầm lòng.

Một trong những việc rất quan trọng của phụ nữ là biến phỗng đá thành đàn ông, chứ đừng đẩy đàn ông về làm phỗng đá. Và điều thứ tư, điều này cũng rất quan trọng khiến chồng bạn lạnh nhạt: Bạn cần phải xem lại chính mình. Sự say đắm còn bắt nguồn từ đối tác đấy. Chẳng gã đàn ông nào lại đắm đuối trước một cây “cột điện”. Vậy thì đừng biến mình thành “cột điện” nhé.

Không ít người cho rằng, chỉ khi yêu nhau, người ta mới cẩn trọng giữ gìn ý tứ. Còn khi đã lấy nhau rồi thì không cần khách khí nữa. Bởi vợ chồng làm gì còn có khoảng cách. Hai chúng ta tuy hai mà một!

Thật sai lầm nghiêm trọng. Có lẽ cứ tưởng "hai là một", nên người ta chẳng cần cẩn trọng trước nhau. Tôi rất ngạc nhiên khi các bà vợ thường chỉ trang điểm  khi  ra đường hay đến cơ quan. Nghĩa là các mợ chỉ lo làm đẹp khi đến với những ông hàng xóm tốt bụng và vô trách nhiệm. Trong khi người mà các mợ cần trang điểm, cần làm cho mình thật lộng lẫy, thật hấp dẫn quyến rũ lại chính là đức ông chồng của mình, thì các mợ lại bỏ qua, chẳng thèm để ý.

Phụ nữ ta dường như không có thói quen trang điểm ở trong nhà. Các đức ông chồng thì cũng chẳng hơn gì. Ra đường, họ lịch sự thế, tinh tế thế. Vậy mà khi về với vợ thì cái vẻ hào hoa phong nhã ấy họ để hết ở ngoài đường rồi. Ngày nào vợ chồng cũng phải ngắm khuôn mặt tẻ ngắt của nhau. Ấy là chưa kể khi ngủ, cái miệng còn há hốc ra cứ như xác chết trôi. Trông mà phát khiếp. Thế thì bao nhiêu dây thần kinh rung động tức khắc bị tê liệt.

Vậy thì làm sao còn có đủ dũng khí để đắm đuối nhau. Chính vì vậy, rất nhiều cặp uyên ương chưa hết tuần trăng mật đã chán nhau rồi. Tình yêu của họ thực sự đã "chết" ngay sau hôn nhân. Cứ tưởng “hai là một” thì rồi “một sẽ lại hóa hai” đấy. Cần cẩn trọng và luôn mới, luôn là một khối bí ẩn đầy hấp dẫn. Đấy là cách tốt nhất giữ gìn hạnh phúc gia đình.

* Chú Khoa ơi! Cháu được xem nhiều cuộc giao lưu của chú trên truyền hình. Chú thường nói rất vui. Mặt chú cứ tỉnh bơ mà người xem thì bật cười. Có lẽ cuộc đời chú ít có những chuyện buồn... Chú có bao giờ phải ân hận vì một chuyện gì đó không, nhất là với phụ nữ?

 (
Thuý Nga, Đà Lạt)
Trần Đăng Khoa:
Chú cũng có nhiều chuyện buồn lắm. Cả những chuyện mà chú rất ân hận. Chuyện này xảy ra có dễ chừng gần hai chục năm rồi. Lần ấy bọn chú lên công tác Cao Bằng, có ghé qua Bắc Kạn. Đất nước trong công cuộc đổi mới, những phép lạ diễn ra hàng ngày, nhưng Bắc Kạn vẫn niêm phong mình trong hơi văn Nguyên Ngọc những năm 60 của thế kỉ trước.

Vẫn những con đường mòn chênh vênh vắt ngang triền núi mờ sương. Những mái nhà sàn tầm tã mưa nắng lấp ló sau vạt lau xám bạc. Lần ấy, xe bọn chú bị hỏng. Trong lúc cậu lái xe đang hí hoáy thay lốp, bọn chú tạt vào một cái quán bên đường. Quán không mái che. Cũng không thấy người bán. Một cái ghế băng dài dành cho khách ngồi. Sau ghế băng, lại một cái ghế nữa bày lổng chổng mấy khúc cơm lam, rồi mấy củ sắn luộc. Khách ăn xong, tự bỏ tiền vào cái ống tre cũng đặt ngay trên ghế.

Khi bọn chú chuẩn bị lên xe, chủ quán mới ra. Đó là một thiếu nữ, đang còn học lớp 12 Trung học phổ thông. Đôi mắt đen láy. Cặp môi ướt đỏ. Bầu má chín ửng như một quả táo mèo. Thế rồi chẳng biết loạng quạng thế nào, mặc dù chưa ăn, bọn chú cứ tấm tắc khen món cơm lam của cô bé. Chú  còn quả quyết đấy là món tuyệt nhất trong đời mà chú được thưởng thức.

Cô bé có vẻ thích lắm: “Cơm em tự nấu đấy. Gạo nương mà. Nấu dễ lắm. Cứ cho gạo nếp với nước vào ống nứa, rồi bít lại, đốt trên bếp than...”. Cô bé thật thà giới thiệu. Còn chú thì lặng lẽ ngắm cô bé. Hình như  chú còn khuyên cô bé nên đi thi Hoa hậu, hay thi vào một trường múa gì đó. Cô bé bẽn lẽn: “Anh cứ động viên thế, chứ em xấu đui mà. Ở lớp em, em là con bé xấu xí nhất”.

Rồi sự việc qua đi. Vì dẫu sao, đó cũng chỉ là chuyện tào lao ở  dọc đường. Nào ngờ nửa tháng sau, chú nhận được giấy mời lĩnh bưu phẩm. Chắc lại tập thơ của ai đó. Có đận, hầu như ngày nào, chú cũng phải ra bưu điện nhận... thơ. Nhiều tập chỉ mới ở dạng bản thảo. Công việc bù đầu, chú cứ lấn cấn mãi.

Đến lúc ra nhận thì hoá ra là cơm lam. Để lâu, cơm đã mốc xanh và bốc mùi chua loét. Ngoài gói cơm là một dòng chữ mềm mại “Gửi anh chút hương vị núi. Em gái miền sơn cước”. Chú bàng hoàng. Cô bé không ghi địa chỉ. Cũng không ghi tên. Hôm ấy, bọn chú nói rất nhiều mà rồi lại quên không hỏi tên cô bé. Cũng không biết cô bé ở bản nào. Chú muốn thư cho cô bé cảm ơn và cũng để xin lỗi, nhưng rồi chịu.

Làm sao có thể tìm được một người con gái không tên tuổi, không quê quán. Tất cả mọi thông tin đều rất mịt mờ. Bây giờ có thể cô bé đã tốt nghiệp đại học. Uớc gì cô bé đã ra trường, đang là một cô giáo, dạy học ở bản làng nào đó, hay làm trong một doanh nghiệp nào đó. Rồi trong lúc giải lao, cô nháy chuột vào trang Blog tòa soạn và gặp mấy dòng chữ muộn mằn này của chú.

Chú sẽ rất vui, nếu được cô trách thầm: “Ồ, cứ tưởng ai, hoá ra Trần Đăng Khoa. Trông mặt lão đần thối, ta cứ tưởng lão thật thà. Hoá ra lão cũng điêu. Điêu và nghịch như quỷ. Cứ tưởng trẻ con hư, hoá ra người lớn như lão cũng rất hư. Thôi xí xoá. Ta tha cho lão già lẩm cẩm!”.../.