Cả tuần qua, những người quan tâm đến lĩnh vực văn hoá cả nước xôn xao về trường hợp tác phẩm trường ca Đi đánh Thần Hạn của nhà thơ Trần Đăng Khoa bị “phù phép” thành truyện cổ dân gian Bạc Liêu.

Trường ca này được nhà thơ Trần Đăng Khoa sáng tác năm 11 tuổi, được xuất bản lần đầu năm 1970 và đã được tái bản 30 lần vậy mà nay bỗng dưng trở thành “sáng tác tập thể của dân gian” trong cuốn Từ điển Type truyện dân gian Việt Nam do PGS-TS Nguyễn Thị Huế và các cộng sự xuất bản gần đây.

PGS-TS Nguyễn Thị Huế trong một phản hồi gửi tới vov.vn cho biết mục truyện này được ban biên tập trích từ nguồn tư liệu là cuốn Văn học dân gian Bạc Liêudo PGS. Chu Xuân Diên chủ biên được NXB TP HCM xuất bản năm 2005.

6.jpg
Bìa cuốn "Văn học dân gian Bạc Liêu" và truyện "Đi đánh Thần Hạn"

Làm nhà báo, cái nghề có tiếng là đi nhiều, nhưng tôi lại chưa một lần từng đặt chân đến Bạc Liêu-miền đất thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, nói đến Bạc Liêu, ai chả biết đó là vùng sông nước trù phú, phì nhiêu, có chàng Công Tử Bạc Liêu “đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu”.

Là một miền sông nước, lại được thiên nhiên ưu đãi thì làm sao mà có hạn hán được nhỉ? Thế thì làm sao lại là cái nôi sản sinh ra truyện cổ dân gian “Đi đánh thần hạn” được?

Ai cũng có thể hiểu rằng con đường trở thành truyện cổ dân gian thì cốt truyện thường phải gắn với một biến cố tương đối lớn như thiên tai, dịch bệnh ở chính vùng đất đó, qua quá trình bồi đắp tích tụ qua thời gian, những ký ức tiếp nối từ đời này sang đời khác. Và vì thế truyện cổ, ca dao hay thơ ca dân gian thường phải được nhiều người biết, nhiều người thuộc. Do đó một đặc điểm không thể bỏ qua, đó là nhiều dị bản.

Ấy thế mà chỉ qua 5 tuần đi sưu tầm, điền dã của hơn 500 lượt thầy trò trường Đại học Quốc gia TP HCM, “Đi đánh thần hạn” đã chễm trệ trở thành một trong những câu truyện trong cuốn Văn học dân gian Bạc Liêudo PGS Chu Xuân Diên chủ biên.

Đáng nói là, trong chuyến điền dã này văn bản truyện “Đi đánh thần Hạn” được một sinh viên ghi lại của một người kể duy nhất là Hà Cẩm Vân, 1992, ấp 19, xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu”.

Điều đó đủ cho thấy cuốn sách không phải là một nguồn tham khảo đáng tin cậy khi mà trình độ hiểu biết tối giản về địa-văn hoá của người sưu tầm có vấn đề, lại mắc lỗi cẩu thả khi không tỷ mỉ sưu tầm dị bản. Khâu thẩm định kết quả sưu tầm, so sánh các kết quả sưu tầm không được tiến hành bài bản dẫn đến một sai sót là biến một tác phẩm hiện đại có tác giả thành một câu truyện dân gian của tập thể.

Viết đến đây lại nhớ đến cố Giáo sư Nguyễn Đổng Chi-người đã sưu tầm và viết lại gần 2.000 truyện cổ Việt Nam và quốc tế. Số truyện trên được ông sử dụng để soạn bộ sách Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam gồm 5 tập. Đây cũng là bộ sách nghiên cứu được biên soạn và in xong lâu nhất: 25 năm (1957-1982). Dưới mỗi câu truyện là những dị bản đồng thời còn có bình luận và giải thích về nguồn gốc của dị bản.

5 tuần và 25 năm. Con số mà biết nói năng…

8 năm sau cuộc “phù phép” ngoạn mục đó, một ngày đẹp trời, nhóm biên soạn của PGS-TS Nguyễn Thị Huế đã chọn đưa câu truyện “Đi đánh thần hạn” vào cuốn Từ điển Type truyện dân gian Việt Nam mà “không thẩm định nguồn của nguồn truyện kể dân gian này và không đối chiếu các nguồn tài liệu khác nhau về câu truyện này”-như lời thừa nhận của bà Chủ biên.

Một bộ từ điển “khuôn vàng thước ngọc”, được tài trợ bằng tiền đóng thuế của dân, được biên soạn bởi những cán bộ khoa học có thâm niên và chuyên môn cao và được nghiệm thu bởi một hội đồng khoa học nghiêm túc mà vẫn có những sai sót “đáng kinh ngạc”.

Cung cách làm việc khá giống nhau này của nhóm tác giả và những người có trách nhiệm liên quan của hai cuốn sách đã nâng tầm và hợp thức hoá cái sai đơn lẻ trong một cuốn sách bình thường vào một cuốn từ điển khoa học chuyên ngành.

Những người làm văn hoá nhưng lại mắc lỗi sơ đẳng về kiến thức nền văn hoá, làm nghiên cứu khoa học nhưng lại mắc lỗi sơ đẳng về phương pháp nghiên cứu khoa học. Lỗi này, kỳ lạ thay, trong trường hợp điển hình này hình như có tính….di truyền.

Và thế là, ngạc nhiên chưa, con voi đã chui lọt lỗ kim!

Việc thống kê xem có bao nhiêu con voi có phép thuật siêu phàm như thế có vẻ như là “điệp vụ bất khả thi”./.