Bài hát đã được giải B (không có A) của Hội Nhạc sỹ Việt Nam 2015. Phía sau bài hát là cả một câu chuyện mãi ngân vọng về tình bè bạn ấm áp...
Nhà thơ, nhà báo Lý Thái Phương (trái) và nhạc sĩ Trần Nhật Dương. |
1. Cầm trong tay tập bản thảo thơ của Lý Thái Phương (nguyên Phó GĐ Kênh VOVTV), tôi chợt nảy ra vài ý, gõ bàn phím thật nhanh sợ cảm xúc trôi mất. Giống như Phương sợ cơn nắng tàn nhanh phải lao vội vào không gian đó, mong manh ngược nắng một mình.
"... Tôi được làm đồng nghiệp của chị khi chị đã là một nhà báo có góc nhìn riêng về các vấn đề kinh tế. Sắc, gọn, đanh. Mãi sau này tôi mới biết chị còn làm thơ. Ít thấy ai cùng một lúc xuất hiện với bên này là bài báo rắn câng, bên kia là bài thơ run rẩy. Chị là thế, đi giữa hai trạng thái nóng - lạnh, giữa thẳng căng công việc và thả chùng tâm trạng.
Khi nói đến thơ, Phương trẻ hẳn. Tôi nghĩ chị là người yêu thơ, yêu như yêu niềm vui, nỗi buồn của mình. Nó ở bên cạnh chị, lúc như người bạn gần gụi, lúc lại như người dưng xa lạ.
Người ta tìm bóng râm mà tới, chị lại ngược nắng lần hồi. Những lần đi ngược mặt trời như thế, ngược cả chiều gió như thế, chói mắt mà nhìn ra được những ý thơ tứ thơ. Thế là in thôi, từng tập, từng tập mỏng như lá, mà cũng nặng như lá..."
Nghe ca khúc "Người đàn bà ngược nắng"
2. Và Trần Nhật Dương (Phó GĐ VOV3) cũng vậy. Anh cưỡi con Honda cũ chạy một con phố riêng, kệ người đời đang đuổi theo nhiều danh vọng. Và hình như nhiều câu hát cũng thốt lên từ nhịp phố đó. Nhiều sản phẩm của anh khởi nguồn thăng hoa không từ những ích lợi bè nhóm, những toan tính "nâng bi", ve vuốt mà từ bạn bè, sự đồng điệu, nỗi xúc cảm chân thành, cách nhìn nhân vật từ chính cuộc đời và nhìn ra cuộc đời từ trong nhân vật.
Trần Nhật Dương về VOV đã có trong tay chút vốn liếng tác phẩm, trong đó có cả ca khúc được giải. Giải thưởng không phải là đích đến của nghệ thuật, nhưng đó là dấu hiệu của sự ghi nhận. Dương viết ít nhưng chắc, bài nào cũng có chất riêng, khó lẫn. Đó là nhiều nhạc sỹ nói vậy chứ với tôi, chỉ đơn giản nghĩ, bài nào kích hoạt được các chiều cảm xúc, đó là bài hay.
Quãng những năm 90, một âm điệu da diết khẽ thốt lên ngợi ca đôi mắt người đẹp là một ca khúc hay của Dương đứng cạnh những khúc ca của Xuân Hồng, Vũ Quang Trung... cũng "vẽ" đôi mắt. Tôi thích bài hát đó, một dạo cứ lẩm nhẩm hát suốt, nó "nịnh" người đẹp tương đối đủ liều, không quá phô lộ...
3. Dương hứa với chính mình sẽ phổ một bài thơ của Phương thay cho món quà kỷ niệm ghi dấu tình anh em sau nhiều năm chung mái cơ quan, nhiều năm cảm phục nhau, quý trọng nhau. Anh nghiền ngẫm tập thơ, và ngó sang cả mấy lời tựa sách của tôi để đi tìm sự đồng điệu. Nhưng rồi anh không chọn thơ để bình, mà quyết định tự viết ca từ.
Cái tứ "Người đàn bà ngược nắng" - anh thổ lộ, là do có sự gợi ý từ hình ảnh thơ Phương và cái tít bài tựa sách của tôi. Đó chính là mảnh ghép quyết định cho đoạn cao trào anh bỏ lửng suốt mấy năm không tài nào hát ra được. Bốn câu hát đầu tựa vào từ khoá "mong manh" như sự ngẫm - nghĩ - cảm của anh về nhân vật trữ tình và cũng là người được tặng bài hát.
... Lần này, với "Người đàn bà ngược nắng", anh không tả đôi mắt mà tả cả một phận người "mong manh một cuộc đời". Chuyện của Phương mong manh trong bài hát nhưng lại ngược nắng đến với cuộc đời. Tôi tin là sẽ có nhiều người nhận ra mình trong đó. Sự thành công của một câu chuyện nghệ thuật là biến cá biệt thành cái chung nhưng không phải cái chung ầm ào tập thể, mà vẫn phong kín những khoảng rất riêng, thầm thĩ.
Dương cũng là người có trách nhiệm với tác phẩm của mình. Vì thế anh kỹ tính đến từng chi tiết, nâng niu từng nốt nhạc, từng câu chữ. Có vài ba chữ thôi mà mấy ngày trời mới nắn nót sửa xong. Việc chọn người phối, ca sỹ cũng "nâng lên đặt xuống" cặn kẽ, kỹ càng...
Nghệ thuật là cuộc chơi của ngẫu hứng, cảm xúc. Nhưng nghệ thuật cũng là lao động sáng tạo, là mồ hôi, là những vết cứa, nỗi đau. Nhưng khi nó đã vượt qua được hư danh, nó sẽ ở lại với cuộc đời, sát cánh bên những người dám lặn lội độc đạo, không muốn lẫn vào sự nhàm chán, tẻ nhạt và thỏa hiệp.
Mừng anh chị, hai người bạn vong niên của tôi đã có một bài hát chạm được vào nhiều lớp ý nghĩa./.