Những ngày tháng chạp, dường như tất cả đều vội vã. Ai cũng muốn mọi thứ xong trước Tết, ai cũng mong kết thúc một năm cũ như dự định để đón một năm mới đầy niềm vui. Dẫu cuộc sống có bồn bề và trôi nhanh thế nào thì Tết vẫn là một cái gì đó thật thiêng liêng, và gần gũi… Thời gian chậm và lắng lại trong sự trở về.
Trở về ngôi làng nhỏ bé, trở về căn nhà mộc mạc đơn sơ. |
Đã nghe loáng thoáng đâu đó hãng hàng không này đã hết vé, hãng khác tăng chuyến bay, ngành đường sắt nối thêm toa… Trước Tết, những ngày giáp Tết - những cuộc di chuyển tăng nhiều hơn - chính xác là trở về. Đó như một điều tất yếu. Người ra Bắc - kẻ vào Nam, từ thành phố về quê, từ nước ngoài về Tổ Quốc… Trở về và sum họp, đó không phải là một thói quen khi Tết đến mà đó là tiếng gọi từ trái tim, là khao khát mà càng đi xa trên đường đời người ta càng thấm thía.
Mười mấy năm nay tôi không ăn Tết ở Hà Nội. Bởi tôi cũng trở về. Trở về ngôi làng nhỏ bé, trở về căn nhà mộc mạc đơn sơ, trở về với nơi mà dẫu tôi không sinh ra và lớn lên - thì tôi biết mình vẫn thuộc về nơi ấy. Cứ hết ngày làm việc cuối cùng của năm, là sáng hôm sau tôi lên đường chia tay thành phố ồn ào và bụi bặm. Tôi thích đi xe máy, đi thật chậm trên quốc lộ và ngắm nhìn những làng mạc bình yên, những cánh đồng trơ cuống rạ. Dọc đường, đã thấy Tết đang đến thật gần với mùi khói bếp thơm nồng ở bên đường, những cành đào cắm sau những chuyến xe hối hả…
Chia tay những ồn ào gió bụi nơi thành phố, ở giữa nắng gió quê hương, ở giữa không gian mát lành đầy tiếng chim, tôi thấy thời gian như trôi chậm lại. |
Mỗi khi trở về, tôi lại có cảm giác như nhân vật trong truyện “Dưới bóng hoàng lan” của nhà văn Thạch Lam, với một cảm giác thật thư thái và yên bình. Bà tôi có thể đang đứng ở cửa đợi tôi, cũng có thể đi đâu đó. Tôi về thường chẳng báo trước cho bà, nhưng bà biết chắc là tôi sẽ về, không sáng thì chiều, không nay thì mai.
Điều đó trở thành lệ từ lâu rồi. Và đây, con ngõ nhỏ và chiếc cổng rêu phong nhỏ bé đón tôi, đỏ rực hoa trạng nguyên và râm bụt. Cây bưởi trĩu những quả vàng ươm sà sát xuống mái cổng. Những quả bưởi mà qua rằm tháng tám không trẩy, để dành cho mâm ngũ quả ngày Tết. Như một thói quen tôi cứ nhìn quanh quẩn xem có gì thay đổi không - hầu như vẫn thế. Này là cánh cổng tre ọp ẹp, lối vào sân khấp khểnh những viên gạch vỡ, ngôi nhà ba gian hai chái, căn bếp vách đất, cái sân gạch; và cau, trầu, và cả những bông hoa đang nở trong vườn. Tất cả quấn quýt ùa vào tôi, dịu dàng bình yên như làng quê muôn thủa. Bà tôi, dẫu rất mừng nhưng thường đón tôi lặng lẽ. Tôi hiểu những nỗi niềm ưu tư ấy. Mỗi năm tôi về vài ba lần, ào như cơn gió rồi lại đi cũng như cơn gió. Rồi mai đây…
Bếp lửa mẹ nuôi tôi lớn năm xưa. |
Dẫu sao thì tôi cũng đã trở về. Trở về để lắng lại. Trở về để nhìn rõ mình hơn. Trở về để thêm yêu mảnh đất quê hương. Trở về để lấy thêm sức mạnh cội nguồn cho những chặng đường mà tôi sẽ bước./.