Cho đến lúc này, một bộ quy tắc chuẩn kết hợp giữa các Bộ- ngành của Điện ảnh Việt Nam trong vấn đề “phim trường quốc tế”chưa có, vẫn chỉ dựa vào những văn bản rời rạc khác nhau của các Bộ- ngành liên quan, và đây cũng chính là trở ngại lớn nhất của Việt Nam nếu muốn là “điểm đến” của các đoàn làm phim quốc tế.

Trong buổi Tọa đàm “Hợp tác sản xuất phim Việt Nam-Ấn Độ, quảng bá du lịch qua điện ảnh”, do Cục Điện ảnh phối hợp Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức, nhân LHP Ấn Độ diễn ra tại Việt Nam (từ 19-23/12/2015), vấn đề đặt ra là dường như Việt Nam đã thiếu một cơ chế rõ ràng với những hướng dẫn cụ thể để có được mối liên hệ mật thiết với các đoàn làm phim nước ngoài, để họ sẵn sàng chọn Việt Nam làm bối cảnh và đóng dấu thương hiệu những cảnh quay ấy trên phim.

Có một sự mắc cỡ không nhỏ khi các đạo diễn Ấn Độ đặt câu hỏi: “Việt Nam có trang web nào giới thiệu, cung cấp thông tin đầy đủ về thủ tục khi đoàn phim nước ngoài vào hợp tác quay phim?", trong khi đó, các quốc gia khác đều có trang web như một kênh thông tin cần thiết trước khi muốn hợp tác làm phim.

Vâng! Việt Nam chưa có một bộ quy tắc chung thì lấy gì có trang web để cung cấp thông tin?

phim_vrra.jpg

Hoạt động chuẩn bị bối cảnh tại phim trường

Luật chung chung và có quá nhiều quy định khắt khe

Có được giấy phép sản xuất số 2389 QĐ-BVHTTDL, “Kong: Skull Island” khi xin phép sử dụng bối cảnh quay ở Việt Nam, với tên gọi “Titan” (để bảo đảm bí mật) đã phải trải qua rất nhiều “công đoạn”, dù có công ty đối tác ở Việt Nam là Indochina Vietnam…

Ngay từ khi dự án ngỏ lời tới Việt Nam, cho dù Bộ trưởng Bộ VHTT&DL ủng hộ, sau đó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ- ngành liên quan: Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin Truyền thông hỗ trợ và hợp tác với đoàn phim trong quá trình làm việc. 

Chỉ cần thấy một lọat các Bộ- ngành liên quan cũng đủ thấy là đoàn phim phải vất vả thế nào trong việc hoàn tất các thủ tục để được sử dụng những bối cảnh tuyệt đẹp ở Việt Nam trong phim của mình.

Nhắc lại chuyện Việt Nam từ chối James Bond- Tomorrow Never Dies, mãi tới năm  2014, trong hội thảo “Hợp tác sản xuất phim giữa Việt Nam và nước ngoài” tại Hà Nội, ông Đặng Tất Bình (nguyên giám đốc Hãng Phim truyện 1) đã nói rõ lý do: Bởi vì họ (những nhà làm phim James Bond) muốn dùng thuốc nổ để cải tạo một số đảo ở Vịnh Hạ Long, phục vụ bối cảnh quay. Việt Nam từ chối yêu cầu này nên họ mới rời đi...???

Đây chỉ là nói đến việc xin phép sử dụng bối cảnh ở Việt Nam để làm phim phải qua rất nhiều tầng lớp, cơ quan Bộ- ngành liên quan. Mà mỗi nơi lại có những quy định riêng, có khi lại không thống nhất, nơi cho phép, nơi không đồng ý một vấn đề nào đó trong nội dung xin phép. Kết quả có kiên trì đợi thì có khi gặp câu trả lời “Không”!. Và vì thế, như một quy ước ngầm, các hãng phim nước ngoài đều “tránh” Việt Nam.

Cho đến hiện tại, vấn đề quy định cho đoàn làm phim nước ngoài (không phải mục đích hoạt động báo chí) vào Việt Nam quay phim hay sử dụng bối cảnh Việt Nam vẫn chỉ là dựa trên một số văn bản Luật Điện ảnh, Luật Xuất bản- Báo chí, các quy định của các Bộ Ngoại giao, Bộ VHTT&DL, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính… Và tùy theo từng mục đích của đoàn phim mà cần phải có những thủ tục xin phép khác nhau.

Nếu chiếu theo Luật điện ảnh thì việc hợp tác làm phim ở VN không khó. Bởi hầu hết các hãng phim ở VN đều có chức năng cung cấp dịch vụ cho đoàn phim nước ngoài. Về phía quản lý nhà nước chỉ thông qua một cửa cấp phép là Bộ VHTT&DL.

Đơn vị đối tác trong nước chỉ cần làm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép với đơn đề nghị cùng kịch bản văn học bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Luật cũng quy định rõ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ VHTT&DL có trách nhiệm cấp giấy phép, trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản nêu rõ lý do.

Nhưng bản thân Luật điện ảnh cũng rất chung chung, các vấn đề liên quan chỉ ‘gói” trong vài hàng chữ ở các Mục 3, điều 8, chương 1: Quản lý hợp tác quốc tế trong hoạt động điện ảnh. Và Điều 21, 23 chương 3: Quy định cung cấp dịch vụ sản xuất phim.

Nói thì đơn giản, vì vấn đề quay phim ở Việt Nam không phải là một “dịch vụ” thường  xuyên, Việt Nam gần như chưa có thông lệ đó. Sau nhiều lần “đóng cửa” với Hollywood và “kết duyên” bất thành một số quốc gia khác, thì sự e ngại đến Việt Nam bởi rào cản qui định cấp phép đã làm nhụt chí các nhà sản xuất phim nước ngoài, cho dù Việt Nam là một “phim trường” trong mơ đầy tiềm năng để thực hiện những ý tưởng của các nhà làm phim.

Không chỉ là “hội nhập” mà cần “mở cửa” thông thoáng

Việt Nam đã bước vào kỷ nguyên hội nhập toàn cầu hơn 15 năm, và chính sách “mở cửa” cũng đã gần trọn 20 năm (kể từ năm 1996). Nhưng với ngành Điện ảnh thì vẫn còn đó những gút mắc chưa tháo gỡ, chưa thông thoáng, thậm chí hoàn toàn mới mẻ, ví dụ trong lĩnh vực “dịch vụ” phim trường cho các đoàn phim nước ngoài vào quay phim.

Ông Ted Osius, Đại sứ Mỹ ở Việt Nam bày tỏ trong buổi họp báo của đoàn làm phim: "King Kong” mở ra chương mới cho Hollywood đến Việt Nam. Sau King Kong, nhiều bom tấn Hollywood khác có thể sẽ đến Việt Nam. Điều này thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ngành công nghiệp phim Việt Nam với ngành điện ảnh hàng đầu thế giới - Hollywood".

Thái Lan, Philippines, thậm chí là Malaysia, Indonesia luôn mở rộng cửa cho các đoàn làm phim nước ngoài không chỉ bằng lời nói mà bằng cả chính sách ưu đãi đặc biệt về mọi mặt. Một chuyên gia trong lĩnh vực hợp tác sản xuất phim ảnh cho biết: Thái Lan ưu đãi thuế cho các hãng phim khi sang nước họ. Cụ thể là không đánh thuế, tạo điều kiện dễ dàng về việc thẩm định kịch bản cũng như cấp giấy phép đầu tư, bởi theo họ điện ảnh là một ngành công nghiệp giải trí  và phải được chính phủ quan tâm đúng mức. 

Thái Lan với “kinh nghiệm” bậc thầy về dịch vụ phim trường, họ ý thức “cỗ máy in tiền” từ dịch vụ này, nên đã có những chính sách rất thoáng. Ngày 12/4/2011, Bộ Tài chính Thái Lan  ra chính sách ưu đãi: Các diễn viên người nước ngoài tham gia quay phim ở Thái Lan sẽ miễn thuế thu nhập và nhà sản xuất và những người tham gia trong quá trình làm phim sẽ giữ lại nhiều lợi nhuận hơn. Chính sách này sẽ khuyến khích đầu tư vào Thái Lan và tăng sức cạnh tranh của Thái trong khu vực.

Bộ trưởng Thể thao & Du lịch Thái Lan Kobkarn Wattanavrangkul ngày 11/8/2015 cho biết Bộ này đã đề nghị Chính phủ thông qua sáng kiến hoàn lại một phần tiền cho các đoàn làm phim nước ngoài đến quay phim tại Thái Lan. Theo đó, các nhà làm phim nước ngoài nếu chi tiêu từ 100-200 triệu bạt khi làm phim ở Thái Lan sẽ được hoàn lại từ 15 đến 20% tổng chi phí.

Theo bà Kobkarn, Bộ Thể thao và Du lịch sẽ đề nghị chính phủ dành ra một khoản ngân sách 300 triệu bạt một năm để phục vụ cho sản xuất phim trong nước. Trước Thái Lan, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đã triển khai các biện pháp tương tự để thu hút các đoàn làm phim lớn và giúp quảng bá hình ảnh đất nước. Thí dụ, Mexico đã hoàn trả 10 triệu USD cho các nhà sản xuất bộ phim “Điệp viên 007 - James Bond” tập mới nhất.

Khoảng 3 năm trở lại đây, các hãng phim lớn nhất thế giới đã thống nhất đưa ra một quan điểm đầu tư điện ảnh mới. Sẽ không có chuyện các dự án triệu đô tự động “nộp mạng” cho các nước như trước đây. Mà chính các nước được chọn làm bối cảnh sẽ phải đưa ra những ưu đãi, và cam kết đặc biệt của chính phủ về chính sách thuế (tiếng Anh tạm gọi là Film Production Incentive) khi họ đổ hàng triệu USD vào nước đó để sản xuất phim.

Nước nào đưa ra chính sách ưu đãi kinh tế tốt nhất, các đoàn phim sẽ tới. Chính sách này hiện đang rất phổ biến trên thế giới (ngay cả trong nước Mỹ, mỗi bang đều đưa ra những chính sách khác nhau để lôi kéo các đoàn phim). Ở châu Á, đã có nhiều nước tham gia, Thái Lan cũng đang chuẩn bị lộ trình để nhanh chóng gia nhập Incentive.

Từ kinh nghiệm mới mẻ  sau khi đoàn phim “Kong: Skull Island” sang Việt Nam, thiết nghĩ Cục ĐAVN cần phối hợp các cơ quan Bộ- ngành có liên quan nên xây dựng những bộ quy định- quy tắc chuẩn, thống nhất cho việc phim nước ngoài vào và khai thác như một dịch vụ “phim trường quốc tế”  chuyên nghiệp. Và cần đưa ra được những chính sách mang tính chiến lược để có thể biến Việt Nam thành một phim trường quốc tế đầy hấp dẫn trong tương lai./.