Khi nước ngoài vào Việt Nam làm phim và nhất là khi “cận cảnh” phim của Hollywood được làm như thế nào, có thể nói không cần phải “đi một đàng” mà vẫn học được cả “sàng khôn”. Và có thể xem đây là một cái lợi, là những kinh nghiệm “miễn phí” cho các nhà làm phim Việt Nam học hỏi.

Còn nhớ năm 1989-1990 khi đoàn phim "L’Amant- Người tình" và năm 1992 phim "Indochine- Đông Dương" sang Việt Nam làm phim, ngoài máy móc kỹ thuật hiện đại vào thời điểm ấy, thì cách làm phim mang tính chuyên nghiệp đẳng cấp cao của họ đã như một luồng gió mới đối với các làm phim Việt Nam.

Từ việc chuẩn bị bối cảnh cho đến từng chi tiết nhỏ ở diễn viên, rồi việc thực hiện các cảnh quay- diễn xuất của diễn viên đều thể hiện sự nghiêm cẩn một cách chuyên nghiệp từng li từng tí.

52_yscq_iqgo.jpg

Và khi "The Quiet American - Người Mỹ trầm lặng" vào Việt Nam năm 2002 thì cách làm phim của Hollywood đã thật sự gây choáng với các nhà làm phim Việt Nam bởi ngoài sự chuyên nghiệp của từng khâu mà còn là những bài học kinh nghiệm về sự nghiêm túc kể cả một chi tiết phụ xuất hiện vài giây trong phim…

Bối cảnh phim giả mà thật.

Không thể so “tiền” với phim nước ngoài, nhưng rõ ràng việc chuẩn bị bối cảnh của các đoàn phim nước ngoài là những bài học kinh nghiệm cho phim Việt Nam. Khi quay phim “L’Amant”, đoàn phim không chỉ kỳ công tìm cho ra những chiếc xe của  thời thập niên 1930- 1940 mà còn đóng mới- phục dựng cả một con tàu giống y hệt thời đó.

Rồi trang phục, đầu tóc, giày dép… và cả vật trang sức của nhân vật, tất cả đều mang dấu ấn của thời gian nhân vật thể hiện. Và phim đã làm “sống” lại một cách hiện thực câu chuyện của gần 1 thế kỷ trước.

Jane March và Lương Gia Huy trong phim "Người tình"

Hay ở phim “Indochine”, gây ấn tượng cực kỳ với các “quan sát viên” là một số đạo diễn, quay phim của điện ảnh Việt Nam trên phim trường, đạo diễn người Pháp Regis Wagnier trong một cảnh quay, đã bắt tất cả các chiến sĩ “Việt Minh” phải nhúng người xuống một hố bùn lầy, chỉ để quay cảnh Việt Minh đào hầm, hành quân và chiến đấu trong tiết trời mưa lạnh của vùng núi, quần áo ướt, lấm bùn và người run vì lạnh…

(Trong các phim Việt Nam về chiến tranh luôn mắc lỗi trang phục, chiến đầu hàng bao nhiêu trận nhưng trang phục phẳng phiu, còn nguyên nếp gấp, sạch sẽ…).

Khi “The Quiet American” sang Việt Nam quay phim, điện ảnh Việt Nam đã “học” được rất nhiều bài học để làm một phim của Hollywood như thế nào. Từ việc thu âm đồng bộ, nên buộc diễn viên không chỉ thuộc thoại mà còn phải nói đúng “giọng” địa phương như “lý lịch” của nhân vật. Đến việc gây tiếng nổ trong những cảnh quay, cũng là tiếng nổ nhưng chuyên viên kỹ thuật về thuốc nổ tính toán sao cho tiếng súng ngắn phải khác tiếng súng cối, hay tiếng lựu đạn, tiếng mìn, tiếng bom...

Khói lửa của những loại vũ khí vật liệu nổ cũng được tính toán sao cho y như thật (cho đến nay những phim về chiến tranh của Việt Nam vẫn mắc lỗi tiếng nổ, gần như các loại vũ khí đều có tiếng nổ và khói lửa giống nhau). Ngay cả việc chuẩn bị cho một cảnh quay có nhiều nhân vật phụ (vô danh), nhưng nhân viên hóa trang cũng kỳ công tạo hình nhân vật sao cho đúng với “thân phận” như: Ăn mày, đánh giày, hàng rong, khách Tây, người Việt giàu có…

Và lần này, khi “Kong: Skull Island” vào Việt Nam, chỉ nhìn cách họ chuẩn bị phim trường, từ việc khảo sát bối cảnh cho đến khi bấm máy, tất cả như một lập trình gần như khớp từng chi tiết, như họ đã quen thuộc trong “nhà” của mình, làm chủ từng ngọn núi, rừng cây cổ thụ, bụi cỏ dại, dòng sông, con suối…, cho dù họ phải vượt hàng chục ngàn km bay sang một vùng đất xa lạ, hoang sơ ngay cả với người sở tại.

(Phim Việt Nam hay bị chi phối ngoại cảnh, nhất là ít khi khảo sát tổng thể từ địa hình đến thời tiết hay những thay đổi của thiên nhiên, nên hay bị động khi quay ngoại cảnh, luôn có chuyện cả đoàn phim ngồi chờ nắng hay mưa…)

Ngay cả khi quay cảnh thiên nhiên, phim nước ngoài cũng không thỏa mãn chỉ với một cảnh quay một thời điểm nhất định, mà quay rất nhiều khoảng thời gian trong ngày, để chọn được khung cảnh ưng ý nhất, để sau lồng ghép vào phim tăng hiệu quả ấn tượng…

Những “sàng khôn” thu lượm được

Trước hết là diễn viên. Phim nước ngoài không có chuyện diễn viên vai chính cùng lúc diễn xuất ở mấy phim trong một thời điểm, vì thế họ toàn tâm toàn ý với nhân vật của mình trong phim. Ngay cả khi ra phim trường, dù chưa có cảnh quay, họ vẫn nghiêm túc quan sát bạn diễn, tạo cảm xúc, để khi nhập cuộc là có thể nhập vai hoàn hảo, thời gian quay phim là thời gian họ sống trong bối cảnh phim.

Hình ảnh bên ngoài phim trường “Kong: Skull Island”tại Ninh Bình (Việt Nam)

Chưa kể, mỗi cảnh quay, đạo diễn có khi bắt diễn đến hàng chục lần, để chọn phần diễn xuất sắc nhất.

Diễn viên khi được chọn vào phim, thường sau đó có một thời gian sống thực tế như vai diễn như một cách nhập vai, hoặc được các chuyên gia “bồi dưỡng” kiến thức cần có về lĩnh vực của nhân vật đảm trách. Vì thế, không lấy làm lạ, diễn viên có thể vào vai rất “ngọt”, cho dù vai đó là gì.

Các vị trí quan trọng khác như DOP- Giám đốc hình ảnh, nhà quay phim, thiết kế mỹ thuật, thiết kế trang phục, chuyên viên chuyên ngành về ánh sáng, âm thanh… , kỹ thuật viên chuyên môn phụ trợ…, tất cả như một tập thể ăn ý, đồng bộ và nhịp nhàng đến mức rất ít sai sót.

Ngay cả cách ứng xử của các đoàn làm phim nước ngoài khi vào Việt Nam làm phim cũng là một bài học quý để Việt Nam học theo. Với họ, người dân địa phương có bối cảnh được chọn trong phim là những “chủ nhân”, nên cần phải có thái độ ứng xử phải phép, đúng với phong tục tập quán của địa phương, tôn trọng mọi thứ của người dân địa phương.

Ví dụ như việc đoàn làm phim “Kong: Skull Island” quyết định không lấy bối cảnh Sơn Đoòng cho dù đó là bối cảnh tuyệt mỹ, chỉ là muốn bảo vệ một di sản thiên nhiên, sợ nếu quay phim ở đó sẽ vô tình hay sơ xuất mà không giữ được vẻ hoàn bích của cảnh quan. Rồi việc khi họ di chuyển nhiều trên một con đường vào phim trường, họ lấy những tấm trài để cố giữ cho mặt đường ít bị hư hại.

Ngay cả khi xây dựng phim trường, họ cũng cố gắng làm sao để không gây thiệt hại nhiều đến hoa màu của người dân, và có sự đền bù thỏa đáng.

Được “quan sát” các đoàn làm phim nước ngoài vào Việt Nam, một số nhà làm phim Việt Nam cũng đã học được rất nhiều kinh nghiệm quý cho nghề. Là học sự chuyên nghiệp từ chi tiết nhỏ nhất, không bỏ sót bất cứ điều gì trong quá trình làm phim, để tạo nên một tác phẩm hoàn hảo nhất có thể. Là việc cần phải có sự đồng bộ chuyên nghiệp trong cả một êkíp làm phim, từ kỹ thuật đến con người.

Mỗi một đoàn nước ngoài vào Việt Nam làm phim, là mang theo kinh nghiệm của họ về nghề. Và đây chính là một “kênh” để các nhà làm phim Việt Nam, các nhà quản lý ngành Điện ảnh Việt Nam thu nhặt “sàng khôn” nhanh chóng, hiệu quả và “miễn phí”, để tiếp cận, cập nhật những ưu việt của điện ảnh thế giới, điều chỉnh ngành điện ảnh Việt Nam đi đến một sự chuyên nghiệp thật sự./.