1. Lăng Ngô Quyền xuất hiện “quái thú” tại bình phong mới xây trong quá trình tôn tạo, mái đình Cựu Quán bị dỡ để lấy gỗ sưa đem bán, Quang Húc dùng sơn công nghiệp để phủ sạch trầm tích vàng son cả trăm năm...

Những sự vụ di sản đáng buồn liên tiếp do VOV online và báo giới phanh phui khiến dư luận thở dài. Sau tiếng thở dài của công chúng là những cái chau mày của các nhà quản lý.

lqt.jpg
Lăng Ngô Quyền với bức bình phong và con "quái thú" gây mất lòng dân. (ảnh: Quang Trung)

Những quyết định mạnh mẽ được ban ra: đập bỏ bình phong lăng Ngô Quyền, ban khánh tiết thôn Cựu Quán công khai xin lỗi dân, đình Quang Húc cũng tất tả “đại phẫu” cuộc mới sau ca “đại phẫu” thảm hại trước...

Sau những phản ánh của VOV online thì các chuyên gia và nhà quản lý đều đã nhanh chóng vào cuộc. Song, thực tế, đến thời điểm hiện tại: Lăng Ngô Quyền đã bị đập bỏ bình phong, nhưng công trình vẫn bỏ đó; đình Cựu Quán nay đã dùng những thanh gỗ xoan để “vá” tạm chỗ trống do những thanh xà gỗ sưa đã một đi không trở lại; đình Quang Húc, theo giới chuyên môn, việc cạo lớp sơn công nghiệp đi mà không ảnh hưởng tới trầm tích sơn son thếp vàng cũ là gần như là không thể.

Việc giải quyết cụ thể vài ba vụ việc bị phát hiện và phản ánh không phải là giải pháp căn cơ để cứu hàng ngàn di sản trên dải đất chữ S này.

2. Nhanh không kém quyết định “giải cứu” di sản của Bộ VHTT&DL khi báo chí than vãn, quyết định thay đổi cách thức thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT đầu năm cũng khiến dư luận ngỡ ngàng.

Khi các em học sinh lớp 12 chỉ cách kỳ thi 1 học kỳ, Bộ GD& ĐT bất ngờ giảm môn thi từ 6 môn còn 4 môn. Thêm nữa, ngoài hai môn cơ bản là Ngữ văn và Toán là môn thi bắt buộc, hai môn còn lại học sinh được phép tự chọn.

Không lâu sau đó, trường THPT Lương Thế Vinh công bố kết quả đăng ký môn thi tự chọn của học sinh: 75,6% học sinh trường đăng ký môn Vật Lý, 56,3% học sinh chọn môn Tiếng Anh, 50,8% học sinh chọn môn hóa, môn Địa là 11,4% còn môn sinh là 5,3% học sinh chọn thi.

Và không có học sinh nào thi môn Lịch sử!

Lịch sử quá khô khan và thiếu sự khơi dậy tình yêu với di sản (Ảnh: Đào Ngọc Thạch/Thanh niên)

Hiệu trưởng Nhà trường, PGS. Văn Như Cương còn nhận định: “"Không biết nên dự đoán bao nhiêu % học sinh toàn quốc thi môn Sử? Có đến 1% hay không nhỉ?"

Thầy Cương hỏi mà như trả lời. Bởi những năm qua, dư luận đã phải chứng kiến những hình ảnh đau lòng trước những con số 0 dài dặc trong bảng điểm thi tốt nghiệp môn sử tới sân trường phủ trắng đề cương môn học này khi các em học sinh hay tin không phải thi.

Hành động ấy của các em là đáng trách. Nhưng điều gì khiến môn sử bị “xua đuổi” đến vậy?

Nhiều nhà sư phạm đều đồng lòng lý do tại môn học quá khô khan. Học sinh phải học dặt những con số và những nhận định vĩ mô. Trong khi đó, những câu chuyện và những hình ảnh trực quan bị xem nhẹ...

3. Trong bản tuyên ngôn giáo dục bất hủ “Văn minh tân học sách” của Đông Kinh Nghĩa thục được đọc tại hội quán Khai Trí Tiến Đức (nay là tòa nhà Không gian Văn hóa Việt bên Bờ Hồ, Hà Nội) có nêu rõ: “Có học mà không dùng được thì ai theo đuổi làm gì?”

Câu hỏi này của các bậc tiên hiền cả trăm năm trước cũng là câu trả lời cho môn lịch sử và câu chuyện di sản ngày nay.

Không người thi sử vì môn sử đang gánh một chương trình khô khan thiếu tính ứng dụng.

Trùng tu, tôn tạo lỗi tràn lan cũng bởi từ lâu mục tiêu đào tạo của lịch sử chỉ là truyền đạt kiến thức chứ không phải khơi dậy tình yêu với di sản ông cha.

Và việc những hệ lụy của trùng tu hỏng cũng khiến việc học sử thiên hướng trực quan cũng dần đi vào ngõ cụt.

Vòng tròn luẩn quẩn khiến những người yêu lịch sử, di sản không khỏi băn khoăn. Rằng tới đây, khi giáo dục cải cách theo hướng thiên về trực quan, ứng dụng, lẽ nào cô giáo lại nhìn lên thanh xà đỏ rực sơn công nghiệp với con “rồng” mắt thủy tinh trợn ngược mà giảng với học sinh: “Em thấy không tất cả đã xa rồi/ Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ...”./.