Đến thăm Hải đội 4 Bộ tư lệnh vùng 1 Hải quân Nhân dân Việt Nam trong những ngày cả thành phố Hải Phòng đang gồng mình chống chọi với cơn bão số 5. Mưa trắng xóa trời, nhiều đoạn đường nước ngập nặng, cây đổ hàng loạt, các tuyến phà đều bị cấm hoạt động…  

Tiếp chúng tôi trong căn phòng đơn sơ, vừa là nơi làm việc, vừa là nơi ở lại trong những ngày trực phòng chống bão, quần áo vẫn sũng nước mưa, Thiếu tá Trần Quốc Huy, Chính trị viên Hải đội cho biết anh vừa đi kiểm tra công tác sẵn sàng ứng phó với bão lũ của cán bộ, chiến sỹ trong Hải đội.

Thiếu tá Huy cho biết, quán triệt nhiệm vụ trên giao “Phòng chống bão lụt – tìm kiếm cứu nạn, là nhiệm vụ chiến đấu”, để chủ động phòng, chống cơn bão số 5, Hải đội 4 đã rà soát bổ sung, điều chỉnh kế hoạch, lực lượng, cơ sở vật chất, phân công lãnh đạo chỉ huy phụ trách từng hướng, khu vực. Hải đội tổ chức 2 tàu sẵn sàng cơ động cứu hộ, cứu nạn trên khu vực sông Cấm và khu vực Cát Bà, Cát Hải; 1 tàu cứu hộ, cứu nạn trên biển xa; 1 tàu cứu hộ cứu nạn khu vực nam Vịnh Bắc bộ; 1 tổ cơ động xử lý tình huống tại khu vực Hải Phòng và 8 tàu, 10 xuồng sẵn sàng chi viện cứu hộ, cứu nạn tại Hà Nội.

Hải đội luôn duy trì và thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn tại Hà Nội và đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân và chính quyền địa phương. Đặc biệt, các biên đội trực đã nhiều lần cứu vớt người và tìm kiếm tài sản trên sông Hồng, sông Cấm trả lại cho người bị nạn.

Gần đây nhất là vào hồi 22giờ 30 ngày 11/7/2013, trong ca gác lúc 23 giờ, thượng úy Đinh Văn Hưng phát hiện có một người nhảy từ cầu Bính xuống sông Cấm. Như phản xạ nhiều lần khác, thượng úy Hưng phát tín hiệu báo động cứu người rơi xuống nước. Sau 3 phút báo động, trung úy Bùi Đăng Khoa tung phao xuống nước, trung úy Đỗ Văn Vệ lao mình bơi ra, theo sau là thượng úy Nguyễn Thanh Long kéo cáng cứu thương. Sau gần 5 phút vật lộn với dòng nước, cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 558 đã cứu vớt, đưa được nạn nhân lên bờ, tổ chức sơ cứu, thông báo và bàn giao cho gia đình.

Trước đó, cán bộ, chiến sỹ Hải đội đã cứu vớt và cấp cứu thành công anh Bùi Đức Sinh năm 1987 trú tại số 5/22 Phú Viên, phường Bồ Đề, Hà Nội nhảy xuống sông Hồng tự tử. Sau gần 1 giờ đồng hồ vận lộn, Biên đội tàu trực đã đưa nạn nhân Bùi Đức Sinh vào bờ tiến hành sơ cứu, trợ sức, đồng thời báo cho chính quyền địa phương, phối hợp cùng gia đình để đưa nạn nhân đi cấp cứu...

Chuyến cứu hộ, cứu nạn đặc biệt đối với các ngư dân Trung Quốc bị nạn trên vùng biển Vịnh Bắc bộ vào tháng 8/2009 vẫn còn in đậm trong tâm trí Thiếu tá Huy. Anh kể: Vào khoảng 9 giờ ngày 17/8/2009, biên đội tàu HQ 797, HQ 786 nhận lệnh của Bộ Tư lệnh Vùng, khẩn cấp xuất phát tìm kiếm cứu nạn tàu cá Trung Quốc trên tuyến Long Châu - đảo Bạch Long Vĩ. Nhận lệnh, biên đội tàu HQ 797, HQ 786 báo động rời bến khẩn cấp, anh em chỉ chuẩn bị thêm chục củ chuối làm thực phẩm thay rau xanh, lương thực phẩm còn lại sử dụng vào lượng dự trữ sãn sàng chiến đấu. Do sau bão, thời tiết khắc nghiệt với sóng biển giật cấp 7, trên cấp 7, trời mưa như trút nước nên việc quan sát, phát hiện ngư dân bị nạn gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, mặc dù bị ngấm lạnh, 2 tổ quan sát vẫn bám 2 bên mạn tàu, bật đèn pha tìm kiếm 24/24 suốt một ngày đêm.

Sáng hôm sau, phát hiện một vật trôi nổi cách tàu 1 hải lý, Biên đội quyết định tiếp cận và xác định đó là xác một nạn nhân của nước bạn Trung Quốc đã trương phồng bắt đầu thối rữa, cằm và tai đã bị cá rỉa biến dạng.

Ngay lập tức, Biên đội tổ chức vớt xác nạn nhân lên tàu. Nhưng vì sóng to, gió lớn và xác đã thối rữa, trương phình nên việc đưa lên gặp nhiều khó khăn. Trước tình thế đó, tàu HQ 786 quyết định cắt lưới kéo cá trị giá 75 triệu đồng để cẩu kéo xác lên tàu.

Sau khi đưa xác lên, nước trong thân thể nạn nhân chảy lênh láng gây mùi hôi thối, không khí trên tàu trở nên ảm đạm. Đến bữa không ai ăn được cơm vì phải sinh hoạt gần xác chết đã thối rữa 3 ngày. Nhưng cán bộ, chiến sỹ vẫn nâng niu trân trọng, không phân biệt đối xử với nạn nhân vi phạm chủ quyền vùng biển của mình; tổ chức khâm niệm đưa xác vào bao tử sĩ, hương khói theo nghi lễ dân tộc Việt; tổ chức canh gác 24/24 không để chuột xâm nhập phá hủy và đợi nước bạn đến bàn giao.

Ngày hôm sau, phía Trung Quốc đưa tàu Hải giám cùng người thân của nạn nhân sang nhận xác trong sự trân trọng biết ơn và cảm động trước tinh thần tận tình của cán bộ, chiến sĩ trên tàu cũng như tình cảm giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc”./.