Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa chính thứccông bố 69 địa chỉ cung cấp sản phẩm nông sản đã được xác nhận kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi trên toàn quốc. Đây là nơi tin cậy để người tiêu dùng tìm cho mình những nông sản an toàn, chất lượng phù hợp với bữa ăn, đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng, với 69 điểm bán hàng an toàn trong cả nước cho gần 100 triệu dân là như “muối bỏ bể”. Ngay cả hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, thực trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn chiếm đa số và phải chăng người có thu nhập thấp vẫn khó tiếp cận thực phẩm an toàn?

thuc_pham_mxcq.jpg
Với khoảng 10 triệu dân nhưng Hà Nội chỉ có 6 địa chỉ bán thực phẩm an toàn được Bộ NN&PTNT công bố

Người nghèo vẫn phải “ăn bẩn?”

Thông tin từ Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cho thấy: Hà Nội hiện nay có số dân 7,2 triệu người và thường xuyên có mặt khoảng 2,5 triệu lao động, học sinh sinh viên ngoại tỉnh cư trú và làm việc. Để đáp ứng cho gần 10 triệu người, thị trường Hà Nội tiêu thụ một ngày khoảng 1.000 tấn thịt các loại, 700 tấn cá, 2.500 tấn rau củ các loại...

Từ đó cho thấy nhu cầu thực phẩm của Hà Nội rất lớn, trong khi đó sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu thịt gia súc gia cầm, 32% cá, 60% rau củ tươi và 18% quả tươi các loại... còn lại là từ các tỉnh khác cung cấp cho thành phố và nhập khẩu, cho nên nguy cơ cao về an toàn thực phẩm đối với Hà Nội là rất lớn.

Tuy nhiên, nếu theo danh sách 69 cửa hàng thực phẩm sạch vừa được công bố, Hà Nội có 6 đơn vị. Điều này có gây hoang mang cho người tiêu dùng hay không, khi hàng ngày phải mua thực phẩm không rõ nguồn gốc ngoài chợ, khó có thể đến các cửa hàng để mua thực phẩm an toàn?

Theo TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn - Bộ NN&PTNT, lý giải: “Điều này hoàn toàn không gây hoang mang cho người tiêu dùng. Bởi khi được hỏi, người dân cho biết đều sẵn sàng trả giá ở mức cao hơn để được mua thực phẩm an toàn. Còn người sản xuất cũng sẵn sàng bỏ công sức vất vả hơn để sản xuất thực phẩm sạch và người tiêu dùng cần biết thông tin đó để chấp nhận. Theo tín hiệu này, 69 đơn vị đầu tiên này sẽ được nhân lên hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn đơn vị trên toàn quốc”.

TS. Đặng Kim Sơn

TS. Đặng Kim Sơn cũng khẳng định, ở đây không thể hiểu “người nghèo không được tiếp cận thực phẩm an toàn”. Bởi đã đến lúc phải đưa tín hiệu thị trường chuyển sang hướng không còn phân biệt vùng nào đạt tiêu chuẩn, mà toàn bộ hệ thống sản xuất của nước ta phải là hệ thống sạch và đúng theo một tiêu chuẩn duy nhất.

Làm sao để thực phẩm sạch “phủ sóng” rộng rãi?

Theo quy luật, “thực phẩm sạch” được bán với giá cao hơn thực phẩm thông thường, trong khi đa số người dân vẫn có thói quen “tiện đâu mua đấy”. Chưa kể đến người có thu nhập thấp, người nghèo chấp nhận “tặc lưỡi” mua thực phẩm trôi nổi với giá rẻ, bởi túi tiền eo hẹp không cho phép họ tìm đến những cửa hàng thực phẩm an toàn.

TS. Đặng Kim Sơn khuyến nghị: Cần có chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm thực sự đầy đủ để có thị trường dành cho đại đa số nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp, do đó cần đưa phong trào này lên bước rộng hơn. Minh bạch là cần thiết, nhưng giá cả phải vừa mức để người nghèo có thể tiếp cận được, vì thế Nhà nước và chính quyền địa phương cần vào cuộc để hỗ trợ

Giá cả có sự chênh lệch, nhưng phải thực sự là địa chỉ tin cậy để người mua tìm đến. Đây chính là động để khuyến khích người kinh doanh mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này. Như vậy trong tương lai, chuỗi thực phẩm sạch sẽ tăng lên. Khi đó doanh nghiệp thấy có lợi sẽ đầu tư vào, người tiêu dùng thấy tin cậy sẽ mua và chấp nhận với giá cả đó. Cơ chế thị trường sẽ chuyển nhu cầu to lớn của toàn dân về an toàn thực phẩm thành "cung" cho sản xuất. Lúc đó mới chắc chắc cho một thị trường vững bền, an toàn cho tất cả mọi người.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cũng cho biết, thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm sạch của người dân thủ đô, Sở Công thương sẽ tăng cường đầu tư ngân sách Nhà nước cho công tác an toàn thực phẩm; duy trì, xây dựng mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi từ sản xuất đến kinh doanh.

Phấn đấu đến cuối năm nay sẽ có 80% cơ sở kinh doanh thực phẩm thuộc diện được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật.

Bà Trần Thị Phương Lan cũng khuyến cáo người tiêu dùng nâng cao trách nhiệm của mình, phải tẩy chay những thực phẩm bẩn, bỏ thói quen tiện đâu mua đấy và chỉ mua thực phẩm ở những cơ sở được công bố là thực phẩm an toàn./.