Để bữa ăn trưa của trẻ thật sự an toàn, ngành giáo dục Thủ đô đã đưa ra nhiều giải pháp như phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra cơ sở cung cấp thực phẩm vào các trường học; kêu gọi ban đại diện phụ huynh giám sát chặt chẽ việc thu mua thực phẩm và chế biết thức ăn.
Hà Nội hiện có khoảng 1, 7 triệu học sinh đang theo học ở các cấp từ mầm non đến THPT, trong đó có tới gần một nửa là ở lứa tuổi học sinh ở lại ăn bán trú tại trường. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong các trường học luôn được ngành Giáo dục Thủ đô quan tâm và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Sở yêu cầu các đơn vị trường học thực hiện nghiêm ký cam kết chỉ mua và nhập các loại rau, củ quả rõ nguồn gốc. Kiên quyết từ chối không sử dụng thực phẩm của các cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Rút kinh nghiệm từ vụ thực phẩm không rõ nguồn gốc vào các trường học ở quận Tây Hồ, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị trường học bên cạnh việc ký kết hợp đồng với các công ty có đầy đủ giấy tờ cần thiết để chứng minh nguồn gốc sản phẩm sạch thì phải tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương để kiểm tra giám sát các đơn vị cung cấp. Nếu phát hiện công ty nào vi phạm, địa phương thông báo rộng rãi để các trường học trên địa bàn không thu mua.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: Phường đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm định kỳ, đột xuất kiểm tra các cơ sở cung ứng thực phẩm trên địa bàn.
’Đối với an toàn thực phẩm, không thể nói là ký hợp đồng với công ty thế là xong mà ký hợp đồng trước tiên là về mặt trách nhiệm. Về mặt thủ tục hồ sơ cho đảm bảo chứ còn việc đi kiểm tra thì ngoài việc cơ sở xuất trình giấy tờ đã ký hợp đồng với công ty, chúng tôi vẫn phải kiểm tra bằng thực tế là nguyên vật liệu sản phẩm đầu vào, nguồn thực phẩm có đảm bảo chất lượng hay không? Tất cả các đợt đi kiểm tra đối với các trường, chúng tôi đều yêu cầu cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm của phường đi có text thử kiểm tra lưu mẫu, kiểm tra các rau củ, quả đầu vào”.
Theo thống kê hiện, toàn thành phố có 1.410 trường học có bếp ăn tập thể, trong đó có khoảng 1.100 trường học tự tổ chức nấu ăn, 323 trường liên kết ký hợp đồng với cơ sở dịch vụ nấu ăn ngoài...Các trường tổ chức phục vụ ăn bán trú với nhiều hình thức như: trường tự nấu, tự mua thực phẩm; trường đặt cơm của các công ty nấu suất ăn...
Tại Trường Tiểu học Kim Giang, quận Thanh Xuân, có trên 1.700 học sinh, trong đó có khoảng 900 em ăn bán trú. Trường tổ chức tự nấu, tự mua thực phẩm. Việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không những được trường giám sát chặt chẽ mà còn có cả phụ huynh giám sát từ khâu thu mua đến khâu chế biến đảm bảo thức ăn tươi sạch. Khu vực nấu nướng và dụng cụ nấu ăn luôn được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.
Bà Chu Thị Thu Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Giang, quận Thanh Xuân cho biết: “Trường tuyên truyền đến nhân viên, giáo viên, học sinh hiểu về thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trong thời điểm như hiện nay.
Trường cũng mời Trung tâm y tế quận Thanh Xuân về nói chuyện, trao đổi với cán bộ giáo viên để biết lựa chọn những thực phẩm sạch, đặc biệt là rau, thịt, củ quả.
Thực phẩm trong ngày phải ăn hết không để lưu cữu. Trường lưu mẫu thức ăn và thực hiện trong 24 giờ, có biên bản ghi rõ từng ngày. Tất cả thức ăn đó đều được kiểm nghiệm 3 bước theo quy định của bên y tế”.
Với nhiều loại hình bếp ăn bán trú như hiện nay, để kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường, mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Sở Y tế vừa ban hành kế hoạch phối hợp triển khai công tác phòng chống dịch và an toàn thực phẩm trong trường học năm 2016.
Học sinh ở Trường Tiểu học Kim Giang quận Thanh Xuân Hà Nội ăn bán trú. |
Chỉ tiêu đặt ra 100% bếp ăn bán trú, cơ sở cung cấp suất ăn cho học sinh thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; đồng thời phát huy vai trò giám sát của cha mẹ học sinh, đặc biệt trong việc cung ứng thực phẩm.
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: “Sở Giáo dục và Sở Y tế đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành định kỳ đi kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm ở trong các bếp ăn, căng tin của các trường, các hàng quán bán xung quanh trường.
Còn với các đơn vị cung cấp suất ăn cho học sinh thì Sở giáo dục và Đào tạo phối hợp với quản lý thị trường, các nhà trường ký hợp đồng sẽ xuống kiểm tra đột xuất.
Chúng tôi cũng kêu gọi sự tham gia của các lực lượng xã hội và nhất là Ban đại diện cha mẹ học sinh hãy chung tay cùng với các trường giám sát việc chế biến, việc thu mua và việc cung cấp thực phẩm cho học sinh”.
Để đảm bảo bữa ăn an toàn cho trẻ trong các trường học, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm tới học sinh và phụ huynh thì cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng trong việc tăng cường kiểm tra và xử lý các mặt hàng thực phẩm này./.