Trước thông tin hàu nuôi vùng đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) bị nhiễm chất độc từ lốp cao su có thể gây bệnh đường ruột, ung thư xuất hiện những ngày qua khiến dư luận hết sức quan tâm. Dù chưa có cơ sở khoa học chứng minh, nhưng thông tin này đã gây ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng và sản xuất của hàng trăm lao động tại địa phương sinh sống bằng nghề nuôi hàu.

Được biết, trước đây người dân sử dụng phương pháp nuôi hàu truyền thống là đóng các cọc tre, gỗ đóng xuống đầm cho hàu bám. Tuy nhiên sau này, nhận thấy lốp (vỏ) cao su hữu hiệu hơn trong việc nuôi hàu nên người đã sử dụng thay cho các biện pháp truyền thống và hiệu quả nuôi hàu cũng tăng lên rõ rệt. Theo thống kê, số lượng lốp xe người dân sử dụng để nuôi hàu khoảng 1 triệu chiếc.

nuoi_hau_lop_xe_juyx.jpg
Người dân nuôi hàu bằng giá thể lốp xe (Ảnh: Lao động)

Trả lời phóng viên VOV.VN về cơ sở khoa học của việc “hàu có thể nhiễm độc từ lốp xe”, PGS.TS. Nguyễn Văn Sức, Khoa công nghệ Hóa học và Thực phẩm, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho biết: Nuôi trồng thủy sản, như nuôi hàu, trên một giá thể nào đó sẽ phải xem xét cẩn thận giá thể đó có chứa các chất độc hay không, có dễ bị phân hủy hoặc rò rỉ chất độc ra môi trường xung quanh hay không?

Nếu vật liệu sử dụng chứa những chất độc và dễ rò rỉ ra môi trường xung quanh, thì chắc chắn vật nuôi sẽ tích lũy các chất độc và có thể gây những hiệu ứng nguy hại cho sức khỏe con người.

Đối với việc dùng lốp xe để làm giá thể nuôi hàu, cần phải xem xét là lốp xe làm từ những vật liệu gì, chứa các chất hóa học có độc hay không và có thể rò rỉ ra môi trường hay không?

PGS.TS. Nguyễn Văn Sức phân tích về chuyên môn: Lốp xe ô tô được chế tạo chủ yếu bằng cao su tự nhiên, hoặc bằng cao su tổng hợp. Ví dụ các lốp xe sử dụng cho xe ô tô chuyên trở hành khách thường chế tạo bằng cao su tổng hợp (Styrene Butadiene Rubber - SBR) và lốp xe sử dụng cho các loại xe vận tải nặng chế tạo bằng cao su tự nhiên (NR).

Một số các hóa chất được sử dụng trong quá trình chế tạo lốp xe như để lưu hóa, chống ăn mòn và chống đông cứng như các kẽm (Zn) và các hợp chất hữu cơ của kẽm, benzothiazole và các dẫn xuất của nó…

Theo những nghiên cứu gần đây, các chất này có thể rò rỉ ra môi trường xung quanh và là những tác nhân có thể gây đột biến gen, sinh quái thai và gây ung thư vú. Hàm lượng của Zn và các hợp chất hữu cơ của Zn cao hơn nhiều lần khi ngâm chiết cac mẫu lốp xe thải. Mặt khác, Zn và các hợp chất của nó sử dụng là hóa chất công nghiệp sẽ chứa một lượng nhỏ Cd (cadmium) là một nguyên tốc rất độc có thể gây bệnh giòn xương.

Ông Nguyễn Văn Sức khẳng định: “Việc để lâu lốp bánh xe đã sử dụng trong môi trường nước biển chắc chắn sẽ thúc đẩy sự rò rỉ các chất hóa học từ lốp xe ra môi trường và được tích lũy trong tế bào của hải sản. Như vậy, không phải bàn cãi gì nữa là nuôi con hàu trên lốp xe có thể nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Qua đây chúng ta nên khuyến cáo người dân không dùng lốp xe làm giá thể để nuôi hàu”.

Trong khi đó, trao đổi về cùng vấn đề, một Tiến sĩ Hóa học, ĐH Khoa học Huế cho rằng, bản thân ông chưa có nghiên cứu nào liên quan và cũng chưa có thông tin khoa học chính xác nào về vấn đề này, nên không thể trả lời xác đáng là hàu có nhiễm độc từ lốp xe hay không.

Để khẳng định có hay không, cần có nghiên cứu hệ thống, dài ngày, nghiêm túc mới hy vọng có câu trả lời tin cậy. Thông thường quy trình nghiên cứu để đưa ra các kết luận về tích lũy sinh học, độc tính, tác hại, đặc biệt là kết luận về các tác hại lâu dài như khả năng gây ung thư... thường rất phức tạp, ngay cả với nhiều cơ quan nghiên cứu lớn trên thế giới.

“Đây không phải là chuyện đơn giản và khi chưa có cơ sở khoa học chắc chắn, cần hết sức thận trọng trong phát biểu và quyết định” – vị Tiến sĩ này nói.

Các chuyên gia cho rằng, việc cần làm hiện nay là các cơ quan chức năng cần vào cuộc phân tích, xét nghiệm mẫu hàu được nuôi trên lốp cao su và hàu nuôi truyền thống. Nếu phát hiện độc tố trên hàu “nuôi từ lốp xe”, cần có nghiên cứu tiếp theo để đưa ra những khuyến cáo cần thiết cho người nuôi hàu và người tiêu dùng.

Nếu an toàn thì phải “minh oan” cho hàu nuôi vùng đầm Lập An. Bởi điều này liên quan đến sinh kế của hàng trăm nông dân tại đây./.