Đợt rét đậm vừa qua, nhiệt độ trên địa bàn tỉnh Yên Bái xuống rất thấp, có nơi dưới 5 độ C. Trước nguy cơ đàn gia súc có thể bị thiệt hại do rét, chính quyền các địa phương và người chăn nuôi đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống thiết thực và hiệu quả. Chính vì vậy trên địa bàn toàn tỉnh hầu như không có con gia súc nào bị chết rét, chết bệnh trong đợt rét này.
Bà con nông dân chuẩn bị đủ lượng thức ăn cho gia súc để chống rét |
Những ngày rét đậm rét hại, phát thanh viên Trạm phát thanh xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn liên tục phát đi các bản tin tuyên truyền phòng chống rét cho gia súc. Với đầy đủ các thông tin về nhiệt độ, tình hình sương muối, băng giá và cách thức giữ ấm chống đói cho trâu bò. Đồng thời nhắc nhở, yêu cầu bà con đưa trâu về chuồng trước khi trời tối. Nhờ bản tin này, bà con trong xã không ai bỏ quên trâu bò trên nương, trên rừng. Chiều về, từ các triền dốc, người dân tấp nập đưa trâu bò về, kèm theo đó là những bó cỏ xanh và rơm khô lớn cho gia súc ăn trong đêm. Chị Triệu Thị Thương, cán bộ phụ trách biên tập các bản tin phòng tránh rét cho gia súc, đồng thời kiêm phát thanh viên cho biết hầu hết các xã khác của huyện Văn Chấn cũng đều có bản tin phòng chống rét cho gia súc giống như xã Nậm Lành: Được xã giao nhiệm vụ tuyên truyền phòng chống rét cho trâu bò trong những ngày rét đậm rét hại này, tôi viết các tin, các bài dễ gần, dễ hiểu để bà con hiểu được nội dung tuyên truyền. Tuyên truyền thì ngoài kế hoạch xã giao thì các bản tin phòng chống rét tôi phát thêm khoảng ba lần mỗi ngày vào những giờ nhất định để bà con nghe.
Điều đáng mừng là năm nay người chăn nuôi ở các bản làng của tỉnh Yên Bái hầu hết đã không còn thả rông trâu bò. Thấy gió rét tới, chưa cần chính quyền nhắc nhở, các hộ đã biết lo cho đàn gia súc của mình. Truởng các thôn bản đi tới từng hộ dân nhắc nhở bà con bảo vệ đàn trâu, bò, tránh những thiệt hại đáng tiếc như những năm trước. Những hộ chưa kịp dựng chuồng do đàn gia súc gia tăng nhanh được xóm giềng giúp đỡ mua bạt, phên dậu, ni lông về quây lấy chỗ cho trâu bò ở. Nhà nhà đều có đủ thức ăn khô và thức ăn tinh dự trữ cho gia súc trong những ngày mưa rét. Anh Lò Văn Huy, ở bản Đêu, xã Nghĩa An, huyện Văn Chấn cho biết: Bà con mình cùng bảo nhau đưa trâu bò về chuồng. Rét thì lấy bao tải may áo cho trâu bò, cho ăn đầy đủ. Rét nữa thì đốt lửa sưởi.
Huyện Mù Cang Chải là một trong số các địa phương chịu nhiều thiệt hại nhất về đàn gia súc trong các mùa rét trước đây. Năm nay, ngành nông nghiệp huyện đã cử cán bộ về các xã vận động người chăn nuôi tu sửa chuồng trại, đưa trâu bò từ rừng về chuồng,hướng dẫn các biện pháp phòng chống đói rét, dịch bệnh cho gia. Tăng cường dự trữ thức ăn tại chỗ cho gia súc bằng cách thu gom, bảo quản rơm rạ, để dành thức ăn tinh như bột ngô, cám gạo, sắn… Đồng thời chăm sóc diện tích đồng cỏ hiện có, tiến hành trồng mới một số diện tích.
Ông Lê Trọng Khang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: Năm nay, 90% hộ gia đình người Mông dự trữ được rơm cho gia súc, hơn nữa việc trồng các loại cỏ do ngành nông nghiệp cung ứng đã được nhân rộng. Đây là những nguồn thức ăn cho trâu bò trong những ngày giá rét. Cùng với đó, ngành nông nghiệp cũng đã xây dựng các văn bản hướng dẫn phòng kỹ thuật chống đói rét cho gia súc, đội ngũ thú y cơ sở về với địa bàn, phối hợp với các xã vận động nhân dân chống thả rông gia súc, thực hiện tốt kế hoạch tiêm phòng.
Trong khi gia súc ở nhiều địa phương đã bị chết rét trong đợt rét đậm, rét hại suốt những ngày qua, thì đến thời điểm này Yên Bái chưa thiệt hại một con gia súc nào. Những năm trước, có mùa rét, ngành chăn nuôi Yên Bái đã thiệt hại gần 4.000 con gia súc, những thiệt hại đó nay đã được khắc phục. Các biện pháp chống rét cho đàn gia súc hết sức chi tiết và cụ thể của tỉnh Yên Bái là kinh nghiệm tốt cho các địa phương miền núi khác trong mùa đông thời tiết phức tạp này./.