Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái, đến nay đã có 7 con bò tại các huyện Trấn Yên và Văn Chấn bị mắc bệnh viêm da nổi cục. Tuy đã được khống chế, song đây là loại bệnh mới xuất hiện, lại đang bùng phát tại nhiều tỉnh thành. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, cũng như khống chế dịch không lây ra diện rộng, biện pháp quan trọng nhất vẫn là kiểm soát việc vận chuyển gia súc ra vào địa bàn.

Mấy ngày qua, anh Nguyễn Văn Công ở thôn Gò Cấm, xã Vân Hội, huyện Trấn Yên không biết nguyên nhân vì sao 3 con bò của gia đình bị mắc bệnh viêm da nổi cục. Trong đó, con bé nhất bị mắc bệnh nặng nhất, u cục nổi trên da đã lở loét và đã được cán bộ Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên tiến hành tiêu hủy.

Hiện 2 con bò còn lại, các biểu hiện lâm sàng của bệnh viêm da nổi cục khá rõ, gia đình anh Công và cán bộ thú y đang theo dõi, cũng như thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh.

“Bò nhà tôi đẻ ra, chăn nuôi tại chuồng không đem đi đâu cả, cỏ nhà tôi cắt cũng ở sát chuồng thôi chứ không phải lấy từ đâu về”, anh Công nói.

Dịch bệnh viêm da nổi cục phát sinh từ ngày 29/3 đến 13/4 tại 4 hộ của huyện Trấn Yên và Văn Chấn. Trong đó hộ chăn nuôi đầu tiên phát hiện là gia đình anh Hà Huy Giáp, bản Phạ, xã Việt Hồng. Được biết, gia đình anh Giáp mới mua 3 con bò giống từ dưới Thái Bình lên, trong khi đây là địa phương đang có dịch bệnh viêm da nổi cục.

“Thấy giống bò dưới đấy đẹp nên mua về làm giống. Mang bò về thì ba ngày sau thấy bò có biểu hiện lạ, da nổi cục lên, tôi liền báo chính quyền địa phương xem bị bệnh gì, sau mới biết là bệnh viêm da nổi cục”, anh Giáp cho hay.

Theo thống kê, đến ngày 14/4, ở Yên Bái có 7 con bò mắc bệnh viêm da nổi cục, đã buộc tiêu hủy 5 con, trọng lượng gần 1 tấn.

Từ khi phát hiện bệnh, chính quyền các địa phương và Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp các huyện, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã trực tiếp hướng dẫn hộ chăn nuôi cách ly bò bị bệnh và thực hiện các biện pháp quản lý, theo dõi các con chưa bị bệnh; phun tiêu độc khử trùng môi trường, khống chế dập dịch, không để lây lan ra diện rộng; hướng dẫn tuyên truyền đến các hộ những biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, giám sát chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển và giết mổ gia súc ra vào vùng dịch.

Ông Đặng Bình Nguyên, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái cho biết, nguồn lây lan chính của bệnh chủ yếu là qua ruồi ve, mòng, côn trùng, ngoài ra lây lan trực tiếp tiếp xúc qua quá trình vận chuyển từ vùng có trâu bò mắc bệnh đến.

Để chủ động ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục lây lan ra diện rộng, UBND tỉnh Yên Bái đã có công văn chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương tập trung các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát, phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò. Trong đó, phải chủ động theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, buôn bán trâu, bò không rõ nguồn gốc để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm.

Trường hợp phát hiện ổ dịch nghi ngờ gia súc mắc bệnh cần phải lấy mẫu để xét nghiệm và nếu mắc bệnh phải tổ chức tiêu hủy theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở gia súc; không giấu dịch; không mua, bán vận chuyển trâu, bò bệnh hoặc chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt trâu, bò bệnh hoặc chết; không vứt xác trâu, bò chết ra môi trường.../.