Cần bổ sung gần 10.000 cán bộ

Theo Chiến lược quốc gia về y tế dự phòng (YTDP) đến năm 2010, từ năm 2006 đến 2010, cả nước ước tính cần bổ sung 9.800 người (trong đó cần 5.400 cán bộ đại học, 1.300 cán bộ trình độ trên đại học), đó là chưa tính đến nhu cầu nhân lực cho các chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh thành và trung tâm an toàn vệ sinh thực phẩm tuyến huyện. Theo TS. Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), hiện nay, các viện thuộc lĩnh vực YTDP đều có nhu cầu tuyển dụng các nguồn nhân lực có chất lượng, đặc biệt là bác sĩ chuyên ngành YTDP. Tuy nhiên, số lượng bác sĩ chuyên ngành này ít, do không có sinh viên theo học. Do vậy, mặc dù các viện có nhu cầu tuyển dụng bác sĩ đa khoa hoặc chuyên khoa y học dự phòng nhưng số lượng bác sĩ nộp đơn dự tuyển ít, thậm chí không có.

Lãnh đạo của Trung tâm YTDP tỉnh Phú Thọ cho biết: Cơ cấu và đội ngũ cán bộ làm công tác YTDP từ tỉnh đến huyện, xã thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, làm ảnh hưởng đến các hoạt động phòng, chống dịch. Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục YTDP và Môi trường cũng thừa nhận, tình trạng thiếu hụt cán bộ xảy ra phổ biến tại các tuyến, đặc biệt tại tuyến huyện có tới 70% cán bộ chưa được đào tạo chuyên ngành YTDP.

TS. Nguyễn Tuấn Hưng phân tích, nguyên nhân khiến bác sĩ mới ra trường không đăng ký tuyển dụng vào các viện nghiên cứu thuộc lĩnh vực YTDP là do vấn đề tiền lương và thu nhập. Hiện nay, hầu hết các Viện nghiên cứu chỉ có mức thu nhập bằng tiền lương cơ bản và phụ cấp theo chế độ hiện hành, tổng thu nhập tăng thêm cao nhất cũng chỉ gần bằng 3 lần mức lương cơ bản/tháng. Trong khi đó, việc sử dụng, tạo điều kiện để cán bộ làm việc còn nhiều hạn chế, vấn đề xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ tại một số đơn vị chưa phù hợp, do vậy, vẫn có hiện tượng cán bộ bỏ việc hoặc chuyển sang công tác khác. Ngoài ra, sinh viên cũng rất thờ ơ với chuyên khoa Bác sĩ y học dự phòng nên thời gian qua nguồn tuyển dụng hạn chế. Hơn nữa, hầu hết các trường đều chưa có kinh nghiệm đào tạo với chuyên ngành y tế dự phòng.

Y-te-du-phong.jpg

Việc khó thu hút bác sĩ về công tác tại các trung tâm YTDP thành phố, quận, huyện đã khiến đại diện Trung tâm YTDP TP.HCM tỏ ra lo lắng, nhưng điều lo lắng hơn là nhiều bác sĩ, thạc sĩ đã được đào tạo chuyên ngành này đang tìm cách chuyển nghề, bởi ở lại họ chỉ thực hiện công tác chống dịch, không có cơ hội làm thêm để cải thiện cuộc sống.

Cần có chính sách thỏa đáng

Để thu hút và giữ được nguồn nhân lực, nhiều trung tâm YTDP đề xuất: Nhà nước cần nghiên cứu và có chính sách ưu đãi về chế độ lương, phụ cấp phù hợp nhằm thu hút được cán bộ giỏi, cán bộ có năng lực về công tác tại hệ YTDP. Theo TS. Hưng, để phát triển nguồn nhân lực cho YTDP, trước mắt, cần có chính sách thu hút thỏa đáng đối với cán bộ làm công tác trong lĩnh vực YTDP, còn về lâu dài, cần có chính sách ưu tiên trong tuyển chọn, đào tạo sinh viên theo học bác sĩ chuyên khoa YTDP để có sự lựa chọn thích hợp và gắn bó với nghề lâu dài.

GS.TS Trương Việt Dũng, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Đào tạo (Bộ Y tế) cho rằng: “Vấn đề cốt lõi của tình trạng thiếu hụt nhân lực trong hệ thống YTDP là do ngành nghề thiếu hấp dẫn, cụ thể là thu nhập thấp, công việc vất vả do đi lại nhiều. Bởi vậy, giải pháp tốt nhất để thu hút nhân lực là chính sách ưu đãi như tăng thu nhập, ưu tiên trong phát triển nghề nghiệp. Đối với khâu đào tạo, cần lưu ý tăng chỉ tiêu đào tạo bác sỹ y học dự phòng cho các cơ sở đào tạo có đủ năng lực; Tăng cường đầu tư cho các trường ĐH Y chưa đào tạo bác sĩ y học dự phòng; Xây dựng đề án đào tạo giáo viên, giảng viên cho hệ thống đào tạo chuyên ngành YTDP từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau như: ODA, chi thường xuyên”…/.