Gần hai năm trở lại đây, với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới” giai đoạn 2019-2025 tại 3 tỉnh Tây Ninh, Long An và Bình Phước, mang lại hiệu quả rõ rệt.
Quân và dân kề cận, cùng bảo vệ biên giới, cùng phòng chống dịch bệnh, cùng sống bình yên. Tết này, đến thăm điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới lớn nhất của tỉnh Long An được xây dựng ở xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, mới thấy hết cuộc sống bình yên, ấm no ngay tại đường biên.
Ngày Tết ở biên giới Tây Nam, nắng chói chang và khô khốc, nhưng trong các căn nhà ở “Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới” xã Thái Bình Trung mát rượi, trước các nhà hoa vẫn nở rực rỡ. Cánh đồng xung quanh điểm dân cư vừa thu hoạch xong, mùi rơm, mùi lúa mới còn thơm. Với 20 gia đình ở đây, cái Tết đầu tiên ở biên giới thật vui và ấm cúng bởi nhà cửa khang trang, hàng xóm thân thiết và nhất là vừa thu hoạch xong một vụ lúa được mùa trúng giá.
Cũng như các gia đình khác, khi quyết định lên biên giới định cư, gia đình chị Nguyễn Thị Kiếm được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cùng các ngành chức năng của tỉnh Long An hỗ trợ tổng cộng 170 triệu đồng để làm nhà và ổn định sản xuất. Cùng với nguồn tiền tích lũy, gia đình chị xây căn nhà kiên cố hơn một tỷ đồng, mua thêm máy móc để thâm canh 2 hecta ruộng ngay trước nhà. Nếu trước đây, từ nhà ra ruộng phải đi xuồng 3km đường kênh rạch thì nay vợ chồng chị có thể ra thăm ruộng, tranh thủ làm bất cứ lúc nào. Tết này, hoa trước nhà nở bung, trong nhà bánh mứt, thịt cá không thiếu thứ gì, lại thêm rau xanh các anh dân quân trên chốt ghé cho, chị Kiếm thấy một năm mới thật đủ đầy.
"Ở đây thuận tiện đường sá. Hồi trước ra ruộng phải đi xuồng, từ xuồng mới chuyển đồ lên ruộng. Còn bây giờ ruộng ngay trước nhà, làm luôn đường ra ruộng nên rất thuận tiện".
Gia đình anh Nguyễn Văn Phường chỉ có 0,5 hecta ruộng ở sát biên giới nhưng cũng sẵn sàng lên an cư lạc nghiệp. Trước đây ở sâu trong nội địa, ruộng nhỏ lại xa nhà nên anh cũng bỏ bê ít chăm sóc. Giờ nhà cửa ngay trước ruộng, trước Tết anh thu hoạch được đến gần 3 tấn lúa, bán được giá hơn 6.000 đồng một kí. Hỏi ăn Tết thế nào, anh Phường phấn khởi khoe, lên biên giới ở, nhà cửa đàng hoàng, lại buôn bán lặt vặt ngay tại nhà, đủ tiền trang trải hàng ngày, tiền thu từ ruộng lúa tích lũy toàn bộ nên ổn hơn rất nhiều. Vợ anh Phường Tết này còn làm dưa tặng cả xóm ăn Tết: "Trước Tết có vụ lúa dư ra 6-7 triệu, Tết nay cũng ổn định, cuộc sống vui vẻ. Nói chung lên đây ở làm ăn, buôn bán dễ hơn hồi trước ở trong kia, kiếm tiền đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Tôi cũng ý thức cùng nhau, cùng chốt dân quân giữ an ninh biên giới".
Trên biên giới bình yên
Cả 20 gia đình ở điểm dân cư này, nhà nào cũng vậy, đón cái Tết biên giới đầu tiên thật tưng bừng, rộn rã. Còn với các dân quân ở chốt Thái Bình Trung này, chưa tết năm nào vui như năm nay. Các Tết trước, biên giới vắng lặng, dân quân ngoài giờ tuần tra thì chỉ biết ngồi căng mắt canh gác. Còn Tết này, dân quân có thêm hàng trăm con mắt của dân cư trong điểm cùng giám sát biên giới, có tiếng cười vui, tiếng chuyện trò râm ran suốt ngày đêm.
Anh Trần Văn A Lai, một dân quân của chốt tâm sự, có các hộ dân lên đây sống, dân quân cắm chốt vừa bớt nhớ nhà vừa thêm yên tâm trong những ngày Tết: "Năm nay đón Tết rất vui. Cuộc sống ở đây cũng đông vui, nhộn nhịp hơn. Trước không có dân ở đây thì canh gác khá khó khăn vì đường biên giới dài, đường qua lại dễ vì đường mòn nhiều. Từ khi có dân ở đây thì có gì người dân báo ngay cho dân quân, có ai qua lại hay có chuyện gì xảy ra dân đều báo, mình trở tay kịp".
Thường các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới chỉ có 5, 10 hoặc 15 gia đình. Nhưng ở xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, sau khi khảo sát, chính quyền địa phương nhận thấy, các gia đình có ruộng lúa sát biên giới khá nhiều, đồng thời với địa hình đặc thù ở đây, thì việc mở rộng quy mô điểm dân cư lên 20 hộ sẽ ổn định cuộc sống người dân dễ hơn. Đề xuất đó của xã đã được Bộ Tư lệnh quân khu 7 và tỉnh Long An đồng ý. Bộ Tư lệnh TP HCM hết lòng hỗ trợ. Và đến nay đã chứng minh hiệu quả khi cả 20 gia đình đều dồn tiền xây dựng nhà kiên cố, các hộ đều có điện nước đầy đủ, đường sá đi lại dễ dàng.
Bà Trần Thị Yến, Bí thư- Chủ tịch UBND xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An cho biết với hơn 10km đường biên trên địa bàn xã, giờ đây lực lượng canh giữ biên giới đã chặt chẽ hơn: "Bà con an tâm, vui mừng, phấn khởi hơn trước. Còn địa phương cũng an tâm hơn khi tuyến biên giới của mình có người dân ở, để có những thông tin kịp thời cho chính quyền. Từ khi người dân lên đó ở thì địa phương có thêm một lực lượng canh giữ biên giới, hỗ trợ cùng với các lực lượng quân sự, công an, biên phòng".
Tính đến hết năm 2020, tại 3 tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Phước, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và các địa phương đã triển khai xây dựng 34 điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới với 170 căn nhà cùng hạ tầng thiết yếu để người dân định cư, sát cánh với lực lượng vũ trang bảo vệ đường biên. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đánh giá cao mô hình này, coi đó là sự hiện thực hóa Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về "Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia", thể hiện "Ý Đảng hợp với lòng dân" và là một mô hình mẫu cần nhân rộng trong thời gian tới.
Thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng, Tư lệnh Quân khu 7 khẳng định: "Biên giới chúng ta cần có nhiều chương trình quan tâm tới đồng bào, đầu tiên là người dân đang ở biên giới. Chủ trương là càng ngày dân ta ở biên giới càng đông, mỗi người dân là một cột mốc biên cương- một cột mốc sống trên biên cương, trên tuyến đầu tổ quốc".
Thời gian tới, những điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới tiếp tục được xây dựng ở những nơi có điều kiện, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới Tây Nam Tổ quốc. Rồi đây, sẽ có thêm nhiều ngôi nhà khang trang, nhiều cụm dân cư kiên cố ở đường biên như Điểm dân cư liền kề chốt dân quân Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Ở nơi đó, sự bình yên và cuộc sống ấm no luôn hiện diện trong mỗi lời nói tiếng cười của người dân, trong mỗi bữa cơm gia đình, trong mỗi ruộng lúa liếp rau. Biên giới trở nên rất gần và luôn tràn ngập không khí của mùa Xuân./.