Trở lại vùng rốn lũ Tây Bắc mùa xuân này, với sự cố gắng nỗ lực vượt bậc của mỗi người dân, sự sẻ chia của cả cộng đồng, sự quan tâm của chính quyền các địa phương, sự sống đã hồi sinh trong từng căn nhà vùng lũ. Nhà nhà an tâm đón Tết, nụ cười rạng rỡ đón xuân sang.

vov_ronlu2_bosy.jpg
Sự sống đã hồi sinh trong từng căn nhà.
Không khí rộn ràng và tiếng cười đã trở lại vùng lũ khi chúng tôi tới thăm bà Hoàng Thị Nghiên ở Bản Loọng, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái vào những ngày đầu Xuân.

Rất đông anh em, người thân và xóm giềng quây quần trong ngôi nhà mới của bà Nghiên. Rót những chén rượu thơm nồng men lá, bà vừa cười vừa lau những giọt nước mắt hạnh phúc. Bà khoe đã mua được gà, gạo ngon gói bánh đãi khách dịp Tết. Có lẽ suốt cuộc đời, chưa bao giờ bà vui như thế. Nhớ lại cách đây chưa tròn 3 tháng, khi mưa lũ đổ về, ai cũng xót xa trước tình cảnh của người đàn bà độc thân 65 tuổi ấy. Nhà cửa trôi hết, bà chỉ kịp chạy ra khỏi nhà, trắng tay trong mưa bão, chẳng ai nghĩ bà sẽ có thể gượng dậy được.

Vậy nhưng giờ đây, với sự góp sức của cả cộng đồng, của chính quyền và người dân cả nước, bà đã dựng được nhà xây kiên cố trị giá hàng trăm triệu đồng, đồ dùng cũng không thiếu gì. Điều quan trọng hơn nữa là trong mưa lũ, ngoài vật chất, bà Nghiên cảm nhận được những sự yêu thương, đùm bọc ấm áp vô cùng.

Từng căn nhà kiên cố được xây dựng
Bà Nghiên nói: “Lũ về quá bất ngờ và sợ, sau đó thì chẳng còn gì. Nếu không có sự quan tâm của Nhà nước và tất cả mọi người thì không biết phải làm sao nữa. bây giờ làm được nhà mới thì tôi cũng thấy vui, cảm ơn nhiều lắm”.

Trong căn nhà sàn khang trang được huyện dựng lại cho sau khi nhà cửa bị cuốn trôi hoàn tòan trong trận lũ lịch sử đầu tháng 8, chị Tòng Thị Nga, bản Huổi Liếng, xã Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đang trang hoàng nhà cửa đón tết. Chị cũng như các hộ dân trong bản vừa nhận quà tết của huyện, cùng với đó là tiếp tục nhận hỗ trợ 3 tháng nhu yếu phẩm như gạo, mắm muối, mì chính, dầu ăn...

Kể từ khi cơn lũ lịch sử quét qua, chị cũng như hàng trăm hộ dân trong vùng lũ Mường La thường xuyên nhận được sự sẻ chia của cộng đồng, sự quan  tâm của chính quyền địa phương, ngoài được dựng lại nhà, còn được hỗ trợ nhu yếu phẩm trong vòng 1 năm, hỗ trợ sản xuất như trồng bưởi, nhãn xoài…

Tết này chị Nga cùng bà con trong bản ai cũng đều có một cái tết ấm cúng, chan chứa tình người: "Từ khi xảy ra lũ đến bây giở được Nhà nước quan tâm làm nhà cửa cho, bây giờ ổn định cuộc sống rồi. Tết lại được Nhà nước phát gạo, đồ dùng, thực phẩm đầy đủ. Gia đình chuẩn bị tết đầy đủ rồi".

Bà con vùng lũ Mường La đến nhận gạo hỗ trợ
Từ Mường Lò, ngược đèo Khau Phạ, một trong những tứ đại đỉnh đèo, chúng tôi tới Mù Cang Chải, nơi cơn lũ đi qua cũng chưa lâu. Đường Tây Bắc mùa xuân đẹp vô cùng, xe chạy trên những con đường quanh co như dải lụa, xung quanh rực rỡ sắc hoa điểm tô trên màu xanh ngắt của núi rừng. Đường lên bản vang tiếng trẻ ríu rít gọi nhau, tiếng cười của những chị người Mông xúng xính váy áo xuôi dốc xuống chợ.

Gặp anh Mùa A Lềnh ở bản Kháo Giống, xã Kim Nọi, hình như nhận ra có chút quen thuộc, anh lềnh nói ngay anh vừa dựng lại được căn nhà mới vững lắm. Ngoài số tiền được ủng hộ hơn 80 triệu đồng để làm nhà, gia đình anh còn được hỗ trợ thêm 1 con bò, được các đoàn từ thiện trao tặng nhiều vật dụng sinh hoạt hàng ngày và lương thực, thực phẩm… Những ngày giáp Tết, gia đình anh và bà con trong xã vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm, động viên của nhiều đoàn công tác và các đoàn từ thiện nên càng thêm ấm lòng.

"Nhà cửa đã trôi sạch, không còn gì, mất cả xe máy, cả bò cả lợn…. Trong hai tháng vừa qua thì đã có các đoàn của tỉnh của huyện và các đoàn từ thiện đến hỗ trợ một phần. Như này thì gia đình cũng thấy ổn rồi, không biết nói gì hơn cảm ơn các đoàn công tác đã quan tâm gia đình rất nhiều…" - anh Lềnh nói.

Cuộc sống mới của người dân nơi đây ngày một tốt đẹp hơn.
Sau trận lũ lịch sử năm 2017 đến nay, tại các vùng rốn lũ của hai tỉnh Sơn La và Yên Bái, hàng nghìn đoàn đến ủng hộ với số tiền hàng trăm tỷ đồng giúp đỡ bà con. Những sự giúp đỡ của đồng bào cả nước đã giúp người dân nơi đây vươn dậy, xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Với phương châm “không để người dân vùng lũ nào không có Tết”, đến nay hầu hết các địa phương cũng đã hoàn thành việc làm nhà mới cho người dân vùng lũ, 100% số hộ bị mất nhà cửa kịp lên nhà mới trước thời điểm Tết gõ cửa. Cụ thể như huyện Mường La đã hoàn thiện trên 400 nền nhà, trong đó xây dựng xong 174 nhà lắp ghép; dựng mới 80 nhà; tỉnh Yên Bái đã bố trí tái định cư xen ghép cho gần 1.200 hộ dân với số tiền khoảng 100 tỷ đồng.

Các huyện, thị xã cũng đang tổ chức các đoàn thăm hỏi, động viên các gia đình vùng lũ, tiếp nhận và tổ chức trao tận tay tiền và quà người dân cả nước gửi về. Đồng thời giao cho các xã phường, thôn bản tiếp tục quan tâm, chăm lo, động viên các gia đình khó khăn.

Ông Mai Mộng Tuân, Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cho biết: "Hiện nay gần như các hộ bị mất nhà, trôi nhà, chúng tôi đã bố trí được quỹ đất. Ngoài nguồn tài trợ của các tổ chức, huyện cũng đã hỗ trợ 1 phần kinh phí để hỗ trợ các hộ dựng lại nhà, cơ bản các hộ đã ổn định cuộc sống. Thứ 2 là các hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, cận nghèo thì ngoài việc hỗ trợ bố trí nhà ở, chúng tôi rà soát lại chính sách để chỉ đạo các phòng ban hỗ trợ thêm cho các hộ. Thứ 3 là chỉ đạo phòng ban phụ trách các xã đến thăm hỏi động viên các hộ, tạo điều kiện cho bà con yên tâm đón tết xuân mới lành mạnh và vui vẻ".

Mường La vượt lên sau cơn lũ dữ

VOV.VN - Nhờ cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở tích cực vào cuộc với tinh thần cao nhất, sự sẻ chia, đùm bọc của cộng đồng, vùng rốn lũ Mường La đang hồi sinh

Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch UBND huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho biết: "Ngoài việc chăm lo ổn định đời sống cho nhân dân, huyện cũng đã chủ động hỗ trợ cho bà con gạo, các nhu yếu phẩm để bà con đón tết. Gạo đã lo cho bà con được 1 năm cho các hộ bị trôi nhà cửa và đất sản xuất hoàn toàn. Động viên về mặt tinh thần, huy động các nguồn lực xã hội hóa để chăm lo, động viên bà con nhân dân đón tết, làm sao tất cả các hộ gia đình, không nhà nào bị đói, rét và thiếu ăn trong dịp tết này".

Trên những mảng rừng xanh hôm nào trơ trọi, tan hoang sau lũ, nay những mầm xanh đang vươn mình trở lại. Những vườn cải, vườn bưởi, nhãn, xoài do những người phụ nữ vùng cao miệt mài cấy trồng trên đất lũ cũng đã sắp trổ hoa, đơm trái. Cuộc sống của người dân vùng lũ Tây Bắc đang từng bước hồi sinh diệu kỳ. Vượt qua những mất mát, đau thương, người dân nơi đây đang gây dựng lại cuộc sống mới tốt đẹp và ấm no hơn./.