Trả lời ý kiến của các cử tri trên địa bàn về sai phạm tại 2 dự án cống hóa kênh mương Phan Kế Bính và mương Nghĩa Đô trên đường Nguyễn Khánh Toàn, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, 2 dự án này đều được thực hiện theo chủ trương xã hội hóa kênh mương để phục vụ bãi đỗ xe nhưng khi thực hiện lại có nhiều sai phạm.
Đối với việc xử lý mương Nghĩa Đô, ông Chung không đề cập đến việc thu hồi. Lãnh đạo Hà Nội cho biết, sẽ làm rõ và truy thu thuế chênh lệch về việc chủ đầu tư mương Nghĩa Đô đã mua đi bán lại các ki ốt, cửa hàng tại đây.
Dự án cống hóa mương Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy xây dựng bãi đỗ xe và dịch vụ phụ trợ được UBND Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư số 01121000043 vào ngày 31/5/2007 cho Công ty Cổ phần Đầu tư, xây lắp, Thương mại và Dịch vụ (gọi tắt là doanh nghiệp).
UBND Hà Nội có quyết định thu hồi hơn 14.000 m2 đất để giao cho chủ đầu tư thuê để cống hóa mương Nghĩa Đô kết hợp làm bãi đỗ xe và công trình dịch vụ phụ trợ. Tiếp đó, ngày 28/9/2007, UBND quận Cầu Giấy cấp giấy phép xây dựng số 862/GPXD cho chủ đầu tư xây dựng dự án trên.
Tuy nhiên, sau khi thực hiện xong dự án cống hóa, vào tháng 9/2011, chủ đầu tư cũng đã tiến hành ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư An Lộc. Sau đó, Công ty này đã tiếp tục ký tới 30 hợp đồng cho các tổ chức, cá nhân để khai thác, sử dụng các công trình của dự án. 30 tổ chức, cá nhân này đã sử dụng đất với nhiều mục đích khác nhau.
Xử lý vi phạm “quá tay”!?
Thực hiện Thông báo số 609/TB-VPCP ngày 28/12/2017 về việc Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp xử lý vi phạm trong việc cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng, sử dụng các mương thoát nước Phan Kế Bính, Nghĩa Đô trên địa bàn Thành phố. Theo đó, UBND TP Hà Nội và các Sở ngành đã ban hành Quyết định thu hồi Quyết định giao đất số 2900/QĐ-UBND ngày 13/7/2007 và Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất AĐ 692355. Sau đó giao diện tích 14.000m2 đất tại đây cho UBND quận Cầu Giấy để quản lý nguyên trạng theo quy định. Đồng thời đã lắp rào cao 3 m ngăn chặn việc kinh doanh tại khu vực này, vận động các hộ đang kinh doanh chuyển chỗ khác.
Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở KH-ĐT chấm dứt hoạt động kinh doanh của dự án, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp; Giao Sở TN-MT bàn giao hồ sơ mốc giới cho UBND quận Cầu Giấy quản lý; Giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, UBND quận Cầu Giấy lập phương án bồi thường cho Công ty cổ phần Đầu tư- Xây lắp thương mại dịch vụ đúng quy định đối với phần công trình xây dựng theo đúng GPXD, nội dung được chấp thuận theo Giấy chứng nhận đầu tư; Xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại báo cáo UBND TP chỉ đạo xử lý theo đúng quy định.
Khu vực mương Nghĩa Đô vẫn có những nhà hàng kinh doanh theo chuỗi hoạt động sau hàng rào. |
Ngay sau đó, Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp thương mại dịch vụ, chủ đầu tư dự án đã có đơn kiến nghị gửi UBND quận Cầu Giấy, UBND TP Hà Nội về các quyết định trên.
Phó Chủ tịch quận Cầu Giấy Trần Việt Hà cho biết, Sở Tài chính đang thực hiện xác định giá trị tài sản. Chính quyền phải rào để tránh tái diễn buôn bán kinh doanh. Đang thực hiện việc thông báo đến các đơn vị chủ quản của các đơn vị kinh doanh tại khu vực để đúng luật.
Theo tìm hiểu của PV, dự án cống hóa mương Nghĩa Đô có chiều dài hơn 712 m, diện tích phần mương là hơn 5.697 m2. Diện tích không thuộc phạm vi mương là 7.252 m2 nhưng tại Quyết định giao đất số 2900 của UBND Thành phố Hà Nội lại ghi tất cả 12.950m2 là đất mương nên dẫn đến sai sót đáng tiếc trong việc hiểu đúng diện tích dự án.
Để thực hiện mục tiêu của dự là nâng cao khả năng thoát nước, giảm ô nhiễm môi trường và làm bãi xe, doanh nghiệp đã phải đầu tư hơn 40 tỷ đồng. Diện tích đất mương sau khi cống hóa theo quy định của Chính phủ, doanh nghiệp được hưởng miễn tiền thuê đất nhưng đến nay chưa được hưởng chính sách này.
Thành phố vận động doanh nghiệp đầu tư làm đường và vỉa hè ngoài dự án gần 6 tỷ đồng. Thành phố hứa sẽ hỗ trợ số tiền trên nhưng từ năm 2008 đến vẫn chưa được nhận dù Sở Tài chính đã thẩm định.
Giai đoạn 2007-2012 mỗi năm doanh nghiệp đóng cho Thành phố 500 triệu đồng, từ năm 2013 đóng gần 9 tỷ đồng/năm tiền thuế dịch vụ.
Doanh nghiệp kiến nghị sai phạm ở đâu xử lý ở đó
Theo ông Cù Đức Tố- Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xây lắp Thương mại và Dịch vụ, cơ quan thực thi theo Kết luận của Thủ tướng đã không xem xét thực tế của dự án, đề nghị của doanh nghiệp và không căn cứ vào quy định cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và xử sai những quyết định của cơ quan chuyên môn của nhà nước trước đây mà chỉ thực hiện xuôi một chiều thu hồi quyết định giao đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho doanh nghiệp và rào dự án ngăn cản việc kinh doanh.
Phần lớn các cửa hàng kinh doanh tại khu vực mương Nghĩa Đô đã chuyển đi. |
Ông Tố kiến nghị cần cho xem xét lại thực tế của dự án theo quy định của pháp luật đối với đất sử dụng vào mục đích công cộng phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng, trong đó phân định rõ các khu chức năng sử dụng vào mục đích công cộng không có mục đích kinh doanh và các khu chức năng sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh.
Đối với đất thuộc khu chức năng công không có mục đích kinh doanh thì Nhà nước giao đất không tiền sử dụng đất theo quy định. Để phân bố điều chỉnh quyết định giao đất và Giấy chứng nhân Quyền sử dụng đất và tiếp tục cho chủ đầu tư được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Đấy đai. Như vậy, vừa có thể sửa được thiết sót trong quyết định giao đất và Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất đã cấp trước đây, vừa đảm bảo môi trường đầu tư bền vững đối với doanh nghiệp, khẳng định cam kết của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung với chính sách kiên trì, kiên định, Hà Nội luôn luôn đồng hành với doanh nghiệp trong các dự án kêu gọi vốn đầu tư./.Hà Nội cơ bản hoàn thành xử lý vi phạm Dự án cống hoá mương Nghĩa Đô