Ngọn nến tưởng đã tắt…
Niềm hạnh phúc lớn lao nhất của con người là được nhìn ngắm và khám phá cuộc sống xung quanh bằng chính cặp mắt của mình. Thế nhưng, không ít người vì những lý do nào đó đã mất đi cơ hội được tiếp xúc với ánh sáng và thế giới của họ chỉ còn là một màu đen mù lòa. Thành tựu của y học hiện đại dù cao siêu vẫn chưa thể tạo ra giác mạc nhân tạo để cứu giúp những đôi mắt vô vọng ngoại trừ khả năng duy nhất: dùng chính giác mạc của con người để thay thế toàn bộ phần giác mạc đã chết, trả lại ánh sáng cho những con mắt mù lòa. Thế nhưng ai sẽ chấp nhận hiến dâng đôi mắt của mình cho tha nhân? Câu hỏi khó khăn này lại là chuyện bình thường ở vùng quê nghèo ven biển thuộc xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Ở đây, không ai là không biết câu chuyện về cụ Nguyễn Thị Hoa, người phụ nữ hiến giác mạc đầu tiên của Việt Nam và Xóm 8A, nơi có số lượng người hiến giác mạc lớn nhất đất nước.
Thăm ngôi nhà của người quá cố, anh Mai Văn Vinh, con trai của cụ Nguyễn Thị Hoa cho biết: Giác mạc mẹ anh sau khi qua đời, được cấy ghép cho hai người phụ nữ là chị Nguyễn Thị Khuy, 40 tuổi, ở xã Dray Bhăng, huyện Krông Ana, tỉnh Đắc Lắc và chị Lê Thị Tuyết, 23 tuổi, ở Thọ Xuân, Thanh Hóa. Cả hai người sau khi nhìn thấy ánh sáng đã tìm về đây xin làm con nuôi trong gia đình.
Anh Mai Văn Vinh, con trai của cụ Nguyễn Thị Hoa |
Nhưng ý nguyện tốt đẹp của mẹ anh lúc đầu cũng đã vấp phải sự phản đối của gia đình, cả dòng họ với suy nghĩ rằng nếu hiến giác mạc thì mẹ anh sẽ đau khổ, chết không toàn thây. Anh Vinh kể, khi các bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện Mắt Trung ương đến nhà, nhìn thấy thùng dụng cụ lấy giác mạc, anh cũng như anh chị em trong gia đình đều trong tâm trạng đầy lo lắng, hoảng sợ. Chỉ đến khi hay, các bác sĩ chỉ lấy đi giác mạc, lớp màng rất mỏng bên trên bề mặt mắt thì cả nhà mới thật sự nhẹ nhõm.
Tuy nhiên, khi hay tin gia đình anh tán thành việc hiến giác mạc của mẹ mình, trong làng xóm đã nảy sinh không ít điều tiếng, thậm chí có người còn cho rằng anh bán mắt của mẹ để lấy tiền. Chia sẻ với chúng tôi, anh Vinh chậm rãi nói: “Thời gian đầu, người nào hiểu ý nghĩa của gia đình mình thì ủng hộ. Nhưng có có người lại cho rằng gia đình bán giác mạc của mẹ để lấy tiền. Gia đình chúng tôi đã phải phân tích, giải thích rất nhiều. Rất may, mấy tháng sau khi mẹ tôi hiến giác mạc, cha xứ Đoàn Minh Hải biết tin và rất ủng hộ việc này. Cha Đoàn Minh Hải cũng đã giải thích, chia sẻ với cộng đồng giáo dân, nên mọi người dần hiểu ra, không còn dị nghị nữa. Từ đó, việc hiến giác mạc trở nên như một nghĩa cử cần làm. Nhiều người ở Cồn Thoi trước khi qua đời đã tình nguyện gửi lại giác mạc của mình cho những cuộc đời không may mắn..."
Chia sẻ thêm về việc gia đình anh Mai Văn Vinh, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng xóm 8A, xã Cồn Thoi cho hay: Tại thời điểm cụ Nguyễn Thị Hoa mất, gia đình anh Vinh theo tâm nguyện của mẹ muốn hiến giác mạc nhưng nhận thức của người dân lúc bấy giờ còn hạn chế nên cũng không tránh được bàn tán, dị nghị. Ca phẫu thuật tuy diễn ra trong 15 phút nhưng không muốn để bà con chứng kiến, nhất là người nhà không phải đau buồn thêm nên tại đám tang của cụ Hoa, ông Bình đã khéo léo mời bà con đến phúng viếng về nhà tạm thời nghỉ rồi mới mời đoàn công tác của Ngân hàng Mắt đang chờ sẵn ở cổng làng vào lấy giác mạc. Sau khi ca phẫu thuật kết thúc, tất cả bác sĩ thực hiện nghi thức cúi đầu trước thi thể cụ Hoa như một lời tri ân, một lời chào vĩnh biệt.
Nói về nghĩa cử cao đẹp của cụ Hoa và gia đình anh Vinh, ông Bình đánh giá cao sự nhiệt tình, hy sinh cao cả của cả gia đình bởi đây là trường hợp đầu tiên hiến giác mạc trong xóm 8A và cả xã Cồn Thoi nói chung. Chính vì thế, ý nguyện đáng quý của cụ Nguyễn Thị Hoa đã nhận được đồng tình và cảm phục của cả cộng đồng.
… Bỗng thắp sáng những ngọn nến khác
Xã Cồn Thoi là địa phương khởi nguồn của phong trào hiến tặng giác mạc , đem lại ánh sáng cho hàng trăm người khiếm thị. Việc cụ Nguyễn Thị Hoa trước khi về với cát bụi sẵn lòng đem cho đi một phần cơ thể mình để lại ánh sáng, niềm hạnh phúc cho hai người bị bệnh lý về giác mạc mắt, đã xóa tan đi quan niệm truyền thống từ bao đời là “chết phải toàn thây”. Điều này cũng giúp phá bớt rào cản cho lĩnh vực hiến ghép tạng hiện nay ở Việt Nam.
Lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến giác mạc được Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp với UBND huyện Kim Sơn tổ chức sáng 10/11/2016 tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình |
Hàng trăm người mù do bệnh lý giác mạc đã tìm lại được ánh sáng, niềm vui và hạnh phúc nhờ nghĩa cử cao đẹp của những người dân ở Kim Sơn nói chung và Cồn Thoi nói riêng. Hiện huyện Kim Sơn vẫn là ngọn cờ đầu về đã hiến và đăng ký hiến giác mạc khi qua đời: hơn 10.000 người trong số 45.000 người đăng ký hiến giác mạc trong cả nước. Trong tổng số hơn 323 người đã hiến giác mạc thì huyện Kim Sơn chiếm hơn 2/3. Trong năm 2016, ở Kim Sơn có 30 người có nghĩa cử cao đẹp này tặng lại cho những người bị mù lòa do bệnh lý giác mạc.
Sau trường hợp cụ Hoa, đến nay, chuyện người dân Cồn Thoi tình nguyện hiến tặng giác mạc khi qua đời giờ không còn mới lạ. Nghĩa cử đầy nhân ái này đến giờ ngày càng lan rộng ra và được đông đảo bà con giáo dân và nhân dân xã Cồn Thoi và được ủng hộ, hưởng ứng. Đây còn là phương châm sống của giáo xứ Cồn Thoi.
Sau 10 năm, kể từ khi Luật hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến lấy xác được ban hành và đi vào cuộc sống năm 2007, tại xã Cồn Thoi đã có khoảng 90 người hiến giác mạc, người trẻ nhất mới chỉ 17 tuổi, người nhiều tuổi nhất 104 tuổi. Trong đó, bà con giáo dân chiếm phần đông. Có gia đình có 2 vợ chồng, gia đình có 2 bố con, có cả đảng viên, cán bộ và có những dòng họ nhiều người cùng tham gia hiến giác mạc.
Để tạo được phong trào tự nguyện hiến giác mạc, phải kết đến vai trò to lớn của chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội như Hội Chữ thập đỏ, đặc biệt là sự vận động, giải thích cũng như thuyết phục của các cha xứ. Điều này đã được lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và huyện Kim Sơn đánh giá cao trong những Lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến giác mạc tổ chức tại huyện Kim Sơn. Nhờ vậy, nhiều người dân hiểu được rằng, đây là việc thiện, mở ra cuộc đời mới cho người khiếm thị. Linh mục Anton Đoàn Minh Hải là một trong những người có uy tín được bà con giáo dân Cồn Thoi cảm phục về tài năng và đức độ. Ông là người tiên phong trong việc vận động các giáo hữu “kính Chúa, yêu nước”.
Anh Mai Văn Vinh thành kính thắp nén nhang trước vong linh mẹ - cụ Nguyễn Thị Hoa, người phụ nữ hiến giác mạc đầu tiên ở Việt Nam. |
Xóm 8A thuộc xã Cồn Thoi - vùng quê nghèo ven biển của tỉnh Ninh Bình nay đã trở thành xóm có nhiều người hiến giác mạc nhất cả nước. Đối với gia đình anh Mai Văn Vinh, kể từ khi mẹ anh là cụ Nguyễn Thị Hoa tự nguyện hiến giác mạc, anh chưa bao giờ thôi nhắc nhở các con mình phải noi gương của bà, phải luôn có tâm nguyện “thương người như thể thương thân”, trong gia đình và cả dòng họ nội ngoại của anh Vinh, từ ông ngoại, ông bác đến các anh, em cũng đều hiến giác mạc sau khi qua đời.
Giữa tầng nhang mờ ảo của buổi chiều đầu đông, anh Mai Văn Vinh thành kính cúi lạy trước vong linh của mẹ là cụ Nguyễn Thị Hoa. Anh ước mong sẽ có nhiều hơn những nghĩa cử cao đẹp, để có thể đem đến ánh sáng cho những đôi mắt đang hàng ngày, hàng giờ chờ đợi một "cơ may màu nhiệm" thắp lên tia sáng cho mình./.
Hiến tặng giác mạc - món quà vô giá cho người bệnh