Sau khi có thông tin về việc gần 2 vạn phương tiện xe cơ giới sẽ hết niên hạn sử dụng vào đầu năm 2019 từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, Thanh tra Sở Giao thông – Vận tải Đồng Nai cho biết đã tiến hành đợt cao điểm xử lý phương tiện vận tải vi phạm.

Cụ thể, Thanh tra giao thông Đồng Nai đã lập 6 đoàn thanh tra độc lập, tiến hành kiểm tra các phương tiện vận tải hành khách. Trong tháng 10/2018 đã phát hiện 154 trường hợp vi phạm, các lỗi vi phạm chủ yếu là xe hết hạn kiểm định, chở quá số người quy định, xe không có phù hiệu, không có dụng cụ thoát hiểm, dụng cụ chữa cháy, không đóng cửa lên xuống khi xe đang chạy, giấy phép lái xe không phù hợp với loại phương tiện đang điều khiển…. số tiền xử phạt là hơn 273 triệu đồng.

vov_xe_ma_piqb.jpg
Những chiếc xe không thể cũ nát hơn bị bắt khi vẫn đang đưa rước học sinh.

Đáng chú ý, có 2 xe hết niên hạn đã bị Thanh tra giao thông tịch thu chờ xử lý có biển kiểm soát lần lượt là 60LD – 0435 và 53L – 8856. Những xe này bị bắt khi đang đưa rước học sinh.

Song những con số xử lý vi phạm, con số xử phạt hành chính của lực lượng chức năng chưa đủ sức răn đen, những xe “nát”, xe “ma” vẫn tiếp tục chạy công khai ngoài đường. Về tình trạng này, ông Nguyễn Phan Trong, Phó chánh thanh tra Sở Giao thông – Vận tải Đồng Nai cho rằng, thanh tra đã làm rất quyết liệt nhưng lực lượng mỏng, không thể bao quát được toàn bộ. Ngoài việc ngành chức năng xử lý mạnh tay thì cần có sự vào cuộc của nhà trường, doanh nghiệp.

 

Ông Trong cho biết: "Trong thời gian tới, lực lượng thanh tra giao thông sẽ tăng cường công tác xử lý, phối kết hợp với các lực lượng chức năng khác như cảnh sát giao thông để xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm. Đồng thời tuyên truyền cho phụ huynh học sinh, các doanh nghiệp, người lao động để làm sao phương tiện đưa ra tham gia giao thông phải đảm bảo các điều kiện theo quy định".

Trả lời câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm của ngành giáo dục trong việc để xe không đủ điều kiện đưa rước học sinh công khai, không có sự giám sát, Phó giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Đồng Nai, ông Đào Đức Trình thừa nhận thực trạng này và khẳng định không thể có chuyện nhà trường không có trách nhiệm. Ông Trình cho biết sẽ yêu cầu hiệu trưởng các trường trên địa bàn tổ chức kiểm tra, giám sát đối với các phương tiện tham gia đưa rước học sinh.

"Trách nhiệm này là trách nhiệm của thành phố với ngành giao thông vận tải. Nhưng ngành giáo dục chỉ làm đến chỗ đó, giao trách nhiệm cho hiệu trưởng các nhà trường phải có trách nhiệm trong chuyện đó chứ anh không thể buông thả. Về phía Sở sẽ chỉ đạo một cách cụ thể, hàng tháng phải tổ chức kiểm tra, giao cho một bộ phận giám sát, và trách nhiệm nhà trường trong bài toán này", ông Trình nói thêm.

Phó giám đốc Sở Giáo dục– Đào tạo Đồng Nai cũng cho biết sẽ làm việc với các địa phương và cơ quan chức năng như Công an, Sở Giao thông– Vận tải, Ban An toàn giao thông để có giải pháp xử lý các phương tiện vi phạm, vì ngành giáo dục không có chức năng này.

Còn đại diện Liên đoàn Lao động Đồng Nai cho hay cũng đã nắm bắt thông tin về tình trạng xe đưa rước công nhân không đảm bảo an toàn, tuy nhiên chưa có trả lời chính thức về vấn đề này.

Có thể khẳng định, nhu cầu về xe đưa rước ở Đồng Nai là rất lớn do đây là tỉnh có rất đông học sinh cũng như công nhân lao động. Thống kê sơ bộ cho thấy, Đồng Nai có hơn 670.000 học sinh các cấp học và hàng triệu công nhân đang làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp. 

Với nhu cầu lớn như vậy, “thị trường” xe đưa rước ở Đồng Nai được cho là rất rộng mở cho các đơn vị, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này. Thế nhưng, bên cạnh những nhà xe tuân thủ các yêu cầu về điều kiện hoạt động, an toàn kỹ thuật của phương tiện thì thực tế cho thấy có rất nhiều những chiếc xe “ma”, hết đăng kiểm, hết niên hạn vẫn ngang nhiên sử dụng để đưa rước công nhân và học sinh. Dĩ nhiên, những đơn vị có trách nhiệm không thể đứng nhìn./.

Hình ảnh: Xe ma... ra phố

VOV.VN- Chỉ cần nhìn bằng mắt thường có thể thấy những chiếc xe máy này không đủ tiêu chuẩn để lưu thông trên đường, chưa kể rất nhiều xe không hề có biển số.