Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi phát triển ngành chăn nuôi bò sữa, bò thịt đã trở thành lợi thế của Ba Vì. Đến nay, đàn bò sữa của Ba Vì có 9.400 con, sản phẩm sữa bò Ba Vì đã được khẳng định trên thị trường, 3 xã chăn nuôi bò sữa nhiều nhất của Ba Vì hiện cho trên 100 tấn sữa tươi/ngày.

tram_mua_sua_vov_QPJB.jpg
Một trạm thu gom sữa tươi ở Ba Vì.

Theo lãnh đạo xã Tản Lĩnh, nuôi bò sữa trên địa bàn xã xấp xỉ 3.000 con, sau thời kỳ giá thấp những năm trước đây khiến người chăn nuôi bò sữa gặp khó khăn. Trong thời gian dịch Covid-19, sữa bò vẫn phải vắt, dây chuyền sản sản xuất vẫn phải chạy nhưng sản phẩm thì không bán được là những khó khăn nhất trong đợt dịch vừa qua. Nay thị trường sữa tươi có giá tốt bởi trên địa bàn có đầu ra từ những nhà máy tư nhân cho ra những sản phẩm từ sữa tươi, đặc biệt các sản phẩm sữa chua như: sữa chua nếp cẩm, sữa chua dừa non... sản xuất đến đâu được thị trường tiêu thụ hết đến đó hàng làm không kịp. Để chuẩn bị cho phục hồi sản xuất sau dịch, các nhà máy sữa đều xây các kho để dự trữ bảo quản. Trong điều kiện “bình thường mới”, sau giãn cách dịch Covid-19 các nhà máy đang phục hồi sản xuất mạnh mẽ... tạo ra nhiều việc làm tại địa phương.

Chăn nuôi bò sữa trở thành một hướng đi góp phần nâng cao đời sống thu nhập của người dân, thay đổi diện mạo nông thôn mới.

Cùng với chăn nuôi bò sữa, mô hình chăn nuôi đà điểu tại trang trại cũng phát triển. Điển hình như mô hình trang trại chăn nuôi đà điểu của anh Ngô Quang Nam, thôn Hòa Trung, xã Vân Hòa, có quy mô nuôi trên 4.000 con đà điểu. Các mô hình chăn nuôi đà điểu, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hiện nay, toàn huyện có hơn 200 hộ nuôi đà điểu, quy mô hàng chục nghìn con, tập trung nhiều nhất tại các xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, Ba Trại… 

Về kết quả thực hiện Chương trình 02-CTr/TU trên địa bàn huyện Ba Vì có 18/30 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Năm 2020, huyện phấn đấu có thêm 5 xã về đích nông thôn mới, 7 xã còn lại dự kiến hoàn thành trong năm 2020-2021. Tuy nhiên, trong 18 xã hoàn thành nông thôn mới đã rà soát, đánh giá các tiêu chí theo Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao đều chưa đạt. Hiện nay, huyện ủy đang tập trung chỉ đạo các xã phấn đấu đến sau năm 2020 mỗi năm có 1-2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đối với tiêu chí của huyện nông thôn mới, Ba Vì có 6 tiêu chí đạt (quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, an ninh trật tự xã hội, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và 3 tiêu chí cơ bản đạt (y tế, văn hóa, giáo dục; sản xuất; môi trường).

Đối với 5 xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2020, đánh giá đến hết năm 2019 có 3 tiêu chí chưa đạt là trường học, tổ chức sản xuất, Văn hóa; xã Phú Đông 1 tiêu chí chưa đạt là ăn hóa; xã Đông Thái 2 tiêu chí chưa đạt là trường học, văn hóa; xã Tản Lĩnh đạt 14 tiêu chí, 5 tiêu chí cơ bản đạt; xã Vạn Thắng 1 tiêu chí chưa đạt là trường học.

7 xã còn lại đã xây dựng kế hoạch và thực hiện các tiêu chí nông thôn mới năm 2020-2021 trên cơ sở nguồn vốn thành phố phân bổ 5 tỷ đồng/xã vào các tiêu chí văn hóa, giáo dục, tạo cảnh quan môi trường.

Nhiều sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đến hết năm 2019, huyện Ba Vì có 9 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó, có 6 sản phẩm đạt 4 sao là Sữa tươi thanh trùng có đường Trang Viên, sữa chua trắng Trang Viên, sữa chua nếp cẩm Trang viên, caramen Trang Viên, bánh sữa Trang Viên. Năm 2020, với mục tiêu có từ 16-20 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên gà đồi Ba Vì, mật ong thiên nhiên, tinh bột nghệ nếp đỏ, huyện Ba Vì đã tích cực chỉ đạo thực hiện nội dung này, đến nay có 11 chủ thể với 20 sản phẩm đã đăng ký, xếp hạng.

Sản phẩm sữa chua nếp cẩm sản xuất không kịp hàng bán.

Hiện nay các sản phẩm nông nghiệp được phân bổ khá đồng đều trên các địa phương với các sản phẩm đa dạng được người tiêu dùng đón nhận như: sữa, sà đồi, bò thịt, đà điểu, chè khoai, miến dong, mật ong, rau, thanh long, chuối, bưởi, nhãn, thủy sản các loại… Bên cạnh đó, huyện có 17 làng nghề truyền thống như chè, nón, thuốc nam, chế biến tinh bột, 5 vùng sản xuất rau tập trung, vùng nuôi trồng thủy sản 4 xã. Ngoài ra còn nhiều các sản phẩm du lịch trải nghiệm, văn hóa, làng họa sỹ, nghề mộc.

Ông Đỗ Mạnh Hưng- Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, để hoàn thành công tác xây dựng nông thôn mới năm 2020 và phấn đầu toàn huyện hoàn thành  xây dựng nông thôn mới, Ba Vì cần được Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU quan tâm bố trí kinh phí cho 12 xã của huyện chưa hoàn thành nông thôn mới, với số kinh phí hơn 770.100 triệu đồng. Thành phố có chính sách hỗ trợ kinh phí khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi tập trung, liên kết chuỗi để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn và nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được cấp thương hiệu Sữa Ba Vì, chè, miến dong, khoai lang, gà đồi Ba Vì…

Lãnh đạo huyện Ba Vì cho rằng, nếu được Thành phố hỗ trợ mô hình du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, du lịch trải nghiệm tạo đà cho du lịch phát triển góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Mặc dù, hiện nay nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới từ ngân sách còn hạn chế, chưa huy động và thu hút được nhiều đơn vị tham gia. Các xã chưa chủ động được nguồn lực để xây dựng nông thôn mới mà vẫn chủ yếu trông vào nguồn ngân sách.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng dánh giá: Công tác xây dựng nông thôn mới của Ba Vì trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, hạ tầng chưa đồng bộ, lại có vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do vậy, những kết quả về xây dựng nông thôn mới huy động nguồn lực, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế... là sự cố gắng lớn của huyện./.