Chiều 7/10, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Triển khai xây dựng hệ thống trực canh cảnh báo thiên tai đa mục tiêu”, với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành và các địa phương ven biển.
Sau khi triển khai thí điểm hệ thống cảnh báo sớm thiên tai tại thành phố Đà Nẵng, hệ thống trực canh cảnh báo thiên tai đa mục tiêu sẽ được xây dựng tại 13 tỉnh, thành ven biển, từ Hà Tĩnh đến Bà Rịa - Vũng Tàu, với hơn 530 trạm cảnh báo trải dọc các địa phương.
Giai đoạn I, từ nay đến năm 2020, tập trung xây dựng 281 trạm ở các tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa, với tổng kinh phí trên 200 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, tập trung xây dựng hệ thống trực canh cảnh báo thiên tai ở vùng ven bờ và kết nối tất cả hệ thống đã có.
Sau năm 2020, tiếp tục đầu tư xây dựng ở các địa phương ven biển còn lại. Nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống này được huy động từ ngân sách Nhà nước và xã hội hóa.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho rằng, để hệ thống này phát huy hiệu quả nên đặt các trạm cảnh báo thiên tai ở những khu vực đông dân cư, đồng thời cần kết hợp nhiều loại hình thông tin, thông báo mà các địa phương đang có.
Ông Trần Hữu Thế cho biết: "Hệ thống này bao gồm không chỉ là các chòi trực canh, mà còn bao gồm cả hệ thống từ trên bờ, thông qua các mạng di động, các tin nhắn nữa. Vì vậy, hệ thống này có tác dụng rất lớn đối với kể cả ngư dân. Cảnh báo toàn dân trong các cấp độ thiên tai để người dân có thái độ ứng phó kịp thời. Những vùng cộng đồng, hệ thống kết nối của hệ thống phát thanh thành một hệ thống duy nhất, việc cảnh báo đối với người dân sẽ thuận tiện hơn".
Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp. Việc xây dựng hệ thống trực canh cảnh báo thiên tai đa mục tiêu là rất cần thiết, nhằm nâng cao năng lực dự báo và chuyển thông tin đến người dân.
Ông Thắng nói: "Các cơ quan phòng chống thiên tai phải xây dựng các kịch bản của từng trường hợp xảy ra, nguy cơ như thế nào, phải xây dựng phương án để tuyên truyền cho người dân biết. Đến khi có kịch bản xảy ra thì phải sớm thông tin cho người dân có những nguy cơ như vậy, ở những kịch bản nào để người dân và chính quyền địa phương biết, để chỉ đạo và di chuyển. Vì vậy, tất cả cả hệ thống này phải theo quy định chung. Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai đang chỉ đạo xây dựng quy chế chỉ đạo thống nhất"./.