Đây là thông tin được đưa ra tai hội thảo "Vai trò, trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em" diễn ra sáng nay (28/6).
Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, bạo lực, xâm hại trẻ em, bao gồm cả xâm hại tình dục, là một trong những vấn nạn đối với trẻ em trên toàn cầu.
Trong 2 năm 2017-2018, toàn quốc xảy ra 3.139 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em với 3.221 trẻ em bị xâm hại, bạo lực, trong đó có 2.643 vụ xâm hại tình dục với 2.690 trẻ em bị xâm hại tình dục, 3 tháng đầu năm 2019 đã xử lý 310 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em với 325 trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
Ảnh minh họa. |
Số lượng các vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng được phát hiện, xử lý có giảm nhưng không nhiều, tính chất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi, do nhiều loại đối tượng gây ra, trong đó phần lớn là người quen, họ hàng, hàng xóm, không chỉ người Việt Nam mà cả người nước ngoài, có cả trường hợp xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em gây tổn thương nặng về đến cả thể chất và tinh thần trẻ, thậm chí làm trẻ tử vong hoặc khiến trẻ phải tự tử. Ông Đặng Hoa Nam cũng nêu ra hàng loạt các vụ xâm hại trẻ em gây bức xúc dư luận trong thời guan qua, như vụ em gái 11 tuổi bị cả cha đẻ và ông nội xâm hại tình dục tại Vĩnh Long. Vụ cha đẻ và mẹ kế bạo hành trẻ không chi đi học trong thời gian dài ở Hà Nội. Em gái 13 tuổi tự tử sau khi bị người hàng xóm xâm hại, gạ gẫm tình dục nhiều lần ở Cà Mau...
Ông Nam cho rằng, những vụ bạo lực, xâm hại trẻ em có nguyên nhân từ chính sự nhận thức, kỹ năng của cha mẹ, các thành viên trong gia đình, giáo viên, của người dân trong cộng đồng và của chính bản thân trẻ em về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đúng và đầy đủ. Nhiều em chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục. Các em bị xâm hại đa phần đều có tâm lý sơ hãi, mặc cảm, tự ti nên không dám chia sẻ, tố giác tội phạm.
Cha mẹ của các em chưa hướng dẫn những kiến thức cơ bản cho các em để chủ động phòng tránh xâm hại tình dục hoặc vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên cũng không tố giác tội phạm.
Vai trò, trách nhiệm bảo vệ chăm sóc trẻ em của gia đình, nhà trường và cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức nên thiếu sự phối hợp, hỗ trơ hiệu quả trong việc quản lý, giáo dục và giúp đỡ trẻ em.
Còn theo bà Đặng Bích Thủy - Viện nghiên cứu gia đình và giới cho rằng, hiện nay, nhiều bậc phụ huynh ít trao đổi với con cái về kỹ năng sống, còn lảng tránh trao đổi về chủ đề tình dục, sức khỏe sinh sản là một trong những hạn chế của gia đình trong việc cung cấp kiến thức, kỹ năng cho trẻ em về các nguy cơ xâm hại tình dục và kỹ năng bảo vệ bản thân.
"Tuổi vị thành niên có nhu cầu rất cao trong việc được trang bị kiến thức và kỹ năng ứng phó với các vấn đề trong cuộc sống, cũng như hiểu được các vấn đề về dậy thì, tình yêu, tình dục và sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, như kết quả nghiên cứu đã phản ánh, cha mẹ còn ít trò chuyện với con cái về các chủ đề kỹ năng sống, còn lảng tránh trao đổi và cung cấp cho con cái các kiến thức về tình yêu, tình dục, tuổi dậy thì và sức khỏe sinh sản.
Thậm chí, bản thân cha mẹ cũng đang thiếu những hiểu biết về các hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt là các hành vi xâm hại tình dục trẻ em bao gồm dụ dỗ trẻ em xem tranh, ảnh, phim khiêu dâm, sờ, nắn chạm vào các bộ phận kín trên cơ thể trẻ, quan hệ tình dục với trẻ...
Cụ thể, một nghiên cứu mới đây do Viện nghiên cứu gia đình và giới chủ trì cũng cho thấy có tới 46% cha mẹ cho biết có khó khăn về thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng trong việc thực hiện các quyền của trẻ em bao gồm quyền bảo vệ trẻ em", bà Thủy quan ngại.
Cũng theo chuyên gia này, một số nghiên cứu về khó khăn trong chăm sóc trẻ tại các gia đình thành phố hiện nay cũng cho thấy thực tế nhiều cha mẹ thiếu thời gian dành cho trẻ em. Trong mẫu điều tra của Viện nghiên cứu Gia đình và giới có tới 40,8% các phụ huynh gặp phải khó khăn về vấn đề thời gian. Trong tất cả các ngành nghề của cha mẹ, số thời gian trong ngày mà phụ huynh dành cho con dưới 1 giờ chiến tỷ lệ cao nhất, đặc biệt là nhóm cán bộ công viên chức nhà nước gặp khó khăn nhất về vấn đề dành thời gian cho con, tiếp theo là nhóm làm nghề buôn bán, dịch vụ.
Nhóm cha mẹ nông dân cũng gặp khó khăn về thời gian nhưng mức độ khó khăn có giảm so với những nhóm nghề khác. Nhóm cha mẹ có trình độ đại học, sau đại học có khó khăn hơn cả, có tới 56,9% ý kiến của nhóm học vấn này cho rằng họ thiếu thời gian dành cho con cái.
Bà Thủy cho rằng, việc thiếu thời gian dành cho con cái cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ gắn kết của cha mẹ với trẻ em, dấn đến tình trạng trẻ không biết phải tâm sự với ai về các vấn đề của bản thân, liên quan đến cuộc sống của các em, trong đó có cả những trải nghiệm về việc bị quấy rối tình dục, những biểu hiện thường gặp ít được các gia đình quan tâm.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, nhiều quy định pháp luật, chính sách cụ thể liên quan đến bảo vệ trẻ em nói chung, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu, kiến nghị, hoàn thiện. Quy định pháp luật về quy trình tư pháp bảo vệ trẻ em, thân thiện với trẻ em và người chưa thành niên chưa cụ thể, vẫn chủ yếu ở mức độ hướng dẫn và mô hình thử nghiệm.
Hệ thống cán bộ và mạng lưới cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực. Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo được điều kiện thực hiện quy trình phát hiện, can thiệp sóm, tư vấn, phản hồi tích cực cho mọi trẻ em và tái hòa nhập cho nạn nhân là trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục./.
Xâm hại tình dục ở trẻ em: Phần lớn do người thân, người quen
Xâm hại tình dục, dâm ô trẻ em: Trách nhiệm thuộc về ai?
Đang xét xử nguyên phó Phòng cảnh sát kinh tế xâm hại tình dục nữ sinh
Để phòng tránh xâm hại tình dục, cha mẹ cần dạy con những điều này