Suối Năm Gieo có ý nghĩa quan trọng trong đời sống sinh hoạt và sản xuất của hàng trăm hộ dân ở xã Tân Hà, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, dòng suối này đang bị bức tử từng ngày do nguồn nước ô nhiễm thải ra từ các cơ sở chế biến mủ cao su, hạt điều và bột mì nằm ở đầu nguồn. Chính quyền và cơ quan chức năng địa phương cần có giải pháp xử lý tình trạng này để ổn định cuộc sống của người dân.

xa_thai_vov_1_oebz.jpg
Cá chết nổi trên mặt nước ô nhiễm ở khu vực suối Năm Gieo qua thôn 1, xã Tân Hà

Suối Năm Gieo dài hơn 5km chảy từ đồi Đá Ngựa (xã Đức Hạnh) về hồ Tân Hà. Nhiều tháng qua, người dân sống dọc con suối này vô cùng lo lắng vì nguồn nước đột nhiên chuyển màu đen, nằng nặc mùi thối. Tại khu vực chảy qua thôn 1, có hiện tượng cá chết và cây cỏ héo úa. Nguồn nước ô nhiễm nặng, ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống của các khu dân cư ở xã Tân Hà. Nguồn nước không thể dùng để tưới cây, gia súc cũng không thể uống được.

Ông Lê Ngọc Minh, người dân thôn 1, xã Tân Hà, huyện Đức Linh cho biết:  “Cứ vào cái mùa này, dòng nước từ trên cầu Nín Thở, từ nhà máy mì đổ xuống dưới phía hồ Tân Hà nước nó đen, cá chết. Chăn nuôi ở đây, nhiều gia đình có bò bị sẩy thai vì uống phải nguồn nước bị ô nhiễm này”.

Dòng suối bị ô nhiễm từ hơn 10 năm qua, nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để.

Theo người dân xã Tân Hà, dòng suối này bị ô nhiễm là do các cơ sở chế biến mủ cao su, chế biến hạt điều và chế biến bột mì ở đầu nguồn xã Đức Hạnh xả thải xuống. Năm nào cũng từ tháng 7 năm trước đến tháng 2 năm sau đều xảy ra tình trạng này do tần suất xả thải lớn. Người dân nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương, nhưng dòng suối càng lúc càng ô nhiễm trầm trọng hơn.

Ông Lê Công Điệp, một người dân địa phương bức xúc:  “Nhiều lần lắm rồi. Có đợt tổ chức lấy chữ ký hàng mấy trăm hộ gửi lên huyện, đưa ra cả tỉnh mà cuối cùng cũng không thấy hiệu quả”.

Vào giữa tháng 1, tình trạng ô nhiễm lên đến mức người dân không ngủ được do nước thối bốc lên nồng nặc trong đêm. Trước bức xúc của người dân, UBND xã Tân Hà đã cho cán bộ xuống kiểm tra thực tế và xác định nước suối Năm Gieo có mùi hôi, màu đen, sủi nhiều bọt, gây hại rất lớn cho cuộc sống của người dân, khiến dư luận bức xúc.

Ông Vũ Đình Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hà cho biết nguồn xả thải nằm ở địa phương khác, nên không trực tiếp giải quyết vấn đề này được.

Nước thải của một cơ sở sản xuất thải ra ở đầu nguồn xã Đức Hạnh, huyện Đức Linh.

Ông Chung nói: “UBND xã Tân Hà cũng đã làm công văn gửi Phòng Tài nguyên - Môi trường và đề nghị UBND huyện với Phòng Tài nguyên - Môi trường giúp cho Tân Hà xử lý tình trạng ô nhiễm ở con suối này. Địa phương mình ở dưới hạ lưu, còn các cơ sở chế biến mũ và bột mì thuộc địa bàn xã Đức Hạnh”.

Trao đổi với phóng viên Đài TNVN, ông Trần Ngọc Triết, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đức Linh cho biết cơ quan này cũng đã phối hợp với UBND xã Đức Hành, Cảnh sát môi trường Công an huyện Đức Linh, Bình Thuận kiểm tra các cơ sở chế biến hạt điều và mủ cao su ở đầu nguồn, phát hiện một số cơ sở vi phạm về xả thải. Riêng cơ sở bột mì Tiến Phát đã xây dựng hệ thống xử lý trước khi xả thải.

Ông Triết thông tin cụ thể về những trường hợp vi phạm: “Cơ sở Trung Chính có một đường ống đường kính khoảng 6cm có thải nước rữa hạt điều, đồng thời kiểm tra phát hiện cơ sở Châu Long cũng có rửa thùng cao su, đẩy nước ra suối Năm Reo. Tổ kiểm tra và Cảnh sát môi trường Công an huyện Đức Linh đã lập biên bản, yêu cầu các cơ sở này khắc phục ngay việc xả thải không đúng quy định”.

Dấu xả thải trộm của một cơ sở chế biến mủ cao su ven suối.

Đây chỉ mới là xử lý bước đầu. Để giải quyết rốt ráo tình trạng này, chính quyền và cơ quan chức năng huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận cần thường xuyên kiểm tra và giám sát chặt chẽ việc xả thải của các cơ sở chế biến mủ cao su, hạt điều và tinh bột mì ở đầu nguồn dòng suối; nhất là phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm mới đủ sức răn đe, không để dòng suối tiếp tục bị xả thải ô nhiễm như thời gian qua. Hàng trăm hộ dân sống dọc hai bên bờ suối Năm Gieo rất mong mỏi điều này./.