Trong ngày đầu tiên (8/3) của đợt tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 AstraZeneca đã có tổng cộng 377 người được tiêm tại 4 địa điểm là BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư (Cơ sở 2 - Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội); BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM; Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương.
Theo thông tin từ chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, hoạt động tại cả 4 điểm tiêm chủng đã diễn ra an toàn. Đến tối 8/3, 100% số người được tiêm chưa ghi nhận phản ứng sau tiêm. Những người đầu tiên được tiêm chủng vaccine COVID-19 là các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19; các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết… các ổ dịch trong cộng đồng.
Trong ngày 9/3, 4 điểm này tiếp tục tiêm vaccine COVID-19 theo kế hoạch, đồng thời, hoạt động tiêm chủng sẽ tiếp tục mở rộng tại Hà Nội, cụ thể là BV Thanh Nhàn và tại tỉnh Gia Lai. Các địa phương còn lại trong 13 tỉnh, thành có dịch được triển khai tiêm vaccine COVID-19 đợt đầu tiên và các đơn vị khác đang lập kế hoạch tiêm chủng trong thời gian tới.
Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã có mặt tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư để chứng kiến những mũi tiêm chủng COVID-19 đầu tiên cho các cán bộ, nhân viên y tế. Trả lời báo chí, ông Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO cho biết, vaccine COVID-19 của AstraZeneca sử dụng tiêm chủng tại Việt Nam được cấp phép và sản xuất tại Hàn Quốc. Vaccine này đã trải qua quá trình nghiên cứu và thử nghiệm rất khắt khe, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt, được WHO phê duyệt để sử dụng trong tình huống dịch bệnh khẩn cấp trên toàn thế giới.
Ông Kidong Park đánh giá cao buổi tiêm đầu tiên với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Việt Nam. Đây là tín hiệu tốt để Việt Nam tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng an toàn trong thời gian tới. WHO mong muốn đồng hành cùng Chính phủ, Bộ Y tế Việt Nam trong quá trình tiêm vaccine để rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó đưa ra khuyến nghị cho người dân.
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng lưu ý, dù vaccine đã được thử nghiệm và đáp ứng tiêm chủng an toàn nhưng đây là lần đầu tiên thế giới sản xuất một loại vaccine trong thời gian chỉ một năm.
“Hiện nay, nhiều nước cũng đang tiến hành tiêm vaccine COVID-19. Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Trong bối cảnh vaccine còn hạn chế, WHO rất hoan nghênh định hướng của Chính phủ Việt Nam khi ưu tiên tiêm dựa trên đánh giá nguy cơ. Chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng, cần phải có sự theo dõi sát, kiểm tra sau khi tiêm vaccine 48 giờ cũng như tiếp tục theo dõi sau tiêm tại nhà để quá trình tiêm vaccine đảm bảo an toàn”, ông Kidong Park nói.
Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam - bà Rana Flowers cũng cho biết, Việt Nam là một trong những nước thành viên của COVAX. Do vậy, khi Việt Nam đáp ứng đủ các quy định, COVAX sẽ chuyển 1,3 triệu liều vaccine trong tháng 3/2021 và 2,8 triệu liều trong tháng 4/2021.
“Mục tiêu của COVAX là đưa vaccine một cách nhanh chóng, an toàn về mặt y tế để Việt Nam có thể khôi phục và phát triển kinh tế. Theo kế hoạch, trong năm 2021, COVAX sẽ chuyển cho Việt Nam 30 triệu liều vaccine”, bà Rana Flowers nhấn mạnh.
Bà Rana Flowers khẳng định nỗ lực của UNICEF trong việc hỗ trợ các nước tiếp cận vaccine như việc thương thuyết về giá cả để vaccine giá tốt đến với các nước và mọi người dân. Theo đó, trong thời gian tới, khi có thêm nguồn vaccine, tất cả người dân Việt Nam sẽ được tiêm vaccine.
“UNICEF đang hỗ trợ Việt Nam mua vaccine từ cơ chế COVAX để đảm bảo tiêm 20% dân số Việt Nam. Chúng tôi hy vọng, trong tháng 3-4/2021, lô vaccine đầu tiên từ cơ chế COVAX sẽ đến Việt Nam. UNICEF cũng làm việc với các hãng hàng không để họ có thể cung cấp đường bay miễn phí đưa vaccine tới các nước. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ cung ứng các vật tư khác như hộp an toàn và hệ thống dây truyền giữ lạnh… để cả quy trình tiêm vaccine được đảm bảo và an toàn”, bà Rana Flowers nhấn mạnh./.