Công trình thủy điện A Lưới, sông A Sáp, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế khởi công vào tháng 6/2007. Để nhường đất cho công thuỷ điện này, hơn 100 hộ dân thuộc các dân tộc Tà Ôi, Pa Kô… thuộc 3 xã Sơn Thủy, Hồng Thái và Hồng Thượng phải di dời đến khu tái định cư ở thôn Căn Tôm, xã Hồng Thượng, huyện A Lưới. Tuy nhiên, tại nơi ở mới, đất đai bạc màu, cuộc sống của bà con bấp bênh.

Năm 2011, gia đình anh Hồ Văn Ngập di dời đến khu tái định cư ở thôn Căn Tôm, xã Hồng Thượng, huyện A Lưới nhường đất cho dự án thủy điện A Lưới. Khi đến nơi ở mới, gia đình anh được bố trí 1.800 m2 đất vườn, 3 sào ruộng, 2 hec ta đất trồng rừng. Thế nhưng, phần lớn đất ở đây đã bạc màu, sỏi đá, không thể canh tác được. Hàng ngày, vợ chồng anh Hồ Văn Ngập phải đi làm thuê để kiểm sống.

thuy_dien_a_luoi_kfjm.jpg
Đất đai ở khu tái định cư thủy điện A Lưới khô cằn, toàn sỏi đá gây khó khăn cho cuộc sống của người

“Gia đình tôi ra đây đất vườn cấp toàn đá không, trồng sắn cũng không được, trồng khoai cũng không xong. Làm gì cũng không ra hết. Nước sinh hoạt cũng không có. Thu nhập của gia đình quá eo hẹp” - anh Hồ Văn Ngập bày tỏ.

Dự án thủy điện A Lưới được xây dựng trên dòng sông A Sáp, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế gây xáo trộn cuộ sống của gần 1.400 hộ dân. Trong đó, hơn 200 hộ dân nằm trong lòng hồ phải di dời; hơn một nửa số hộ được đưa về khu tái định cư Căn Tôm, xã Hồng Thượng, huyện A Lưới; số còn lại tự tìm nơi ở khác. Khi chuyển đến khu tái định cư mới, ngoài đất ở và đất rừng, hơn 100 hộ dân được bố trí 25ha đất ruộng. Tuy nhiên, diện tích đất ruộng lại nằm trong vùng sỏi đá nên đã 4 năm qua, người dân không thể canh tác, trồng trọt. Trước những khó khăn của người dân, chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Thủy điện miền Trung phải chi 4,5 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất; cải tạo đất như san ủi, bóc tách sỏi đá trên bề mặt… Thế nhưng cho đến nay, nhiều diện tích đất canh tác vẫn bị bỏ hoang. Không chỉ thế, đất sản xuất nông nghiệp nơi đây thường xuyên thiếu nước do hệ thống kênh mương thủy lợi bị hư hỏng.

Ông A Viết Huy, trưởng thôn Căn Tôm, xã Hồng Thượng, khu tái định cư thủy điện A Lưới lo lắng: “Đất ruộng không làm được là do đất có nhiều đá nên đời sống bà con gặp nhiều khó khăn. Nước sinh hoạt không có, nước tưới tiêu bên ruộng cũng không đủ”.

Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế thừa nhận: Người dân ở khu tái định cư thủy điện A Lưới đang gặp khó khăn về đất sản xuất nhưng hiện quỹ đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã hết. Sắp tới, UBND huyện A Lưới chỉ còn cách huy động các lực lượng giúp dân nhặt sỏi đá, cải tạo diện tích đất đã cấp, đồng thời hỗ trợ thêm giống và phân bón, giúp dân dần dần ổn định cuộc sống.

Ông Hồ Văn Ngưmnói:“Về khu tái định cư thủy điện A Lưới tại xã Hồng Thượng  phải nói sau 4 năm di dân vào vùng đất mới, cơ sở vật chất so với nơi cũ có khang trang hơn. Tuy nhiên, phần sản xuất hiện nay rất khó khăn. Vùng đất trước đây đơn vị tư vấn quy hoạch là vùng sản xuất lúa nước nhưng đến nay chỉ có 9 hec ta làm được còn 15 hec ta chưa khởi động được. Hiện nay, huyện đã có phương án huy động lực lượng thanh niên để giúp cuốc xới lượm đá, sau đó bàn giao lại cho dân”.

UBND huyện A Lưới đã kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Công ty cổ phần Thủy điện miền Trung hỗ trợ kinh phí xây dựng trạm bơm phục vụ cho việc sản xuất lúa nước; đồng thời đầu tư khắc phục sửa chữa công trình nước tự chảy để người dân sớm có nước sinh hoạt, ổn định cuộc sống./.