Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ giữa xe cứu hỏa và xe khách đang gây nóng trong dư luận xã hội, với các vấn đề băn khoăn và tranh cãi về sự đúng sai giữa hai lái xe, cũng như các vấn đề về quyền ưu tiên khi tham gia lưu thông trên đường cao tốc.

Để góp thêm một góc nhìn về vụ việc này, Tiến sỹ Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia bày tỏ quan điểm và nhấn mạnh, vụ tai nạn trên là rất đau xót và điển hình cho vấn đề an toàn giao thông. Lực lượng chức năng thực hiện quyền ưu tiên nhưng phải theo quy trình chặt chẽ và an toàn.

ct2_errj.png
Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ giữa xe cứu hỏa và xe khách đang gây nóng trong dư luận xã hội.

PV: Thưa ông, mấy ngày nay các phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội bàn tán rất “căng” chuyện xe cứu hỏa đi làm nhiệm vụ đi ngược chiều lên cao tốc và xe khách đi đúng chiều đâm vào. Ông nhận định sơ bộ như thế nào về vấn đề này?

Ông Trần Hữu Minh:Tôi được biết, chiều 18/3, trên đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đã xảy ra 4 vụ tai nạn và va chạm giao thông. Hậu quả là 3 người thiệt mạng và gây ùn tắc giao thông ở cự li rất dài, trên 30km. Trong thời gian có thể nói là kỷ lục đối với tuyến đường đó, khoảng 10 giờ. Đau xót nhất là vụ va chạm giữa xe cứu hỏa và một xe khách đã làm cho một chiến sỹ cảnh sát phòng cháy chữa cháy hy sinh.

Có thể nói, đây là một vụ việc vô cùng đáng tiếc, đòi hỏi chúng ta phải có những phân tích hết sức chi tiết về nguyên nhân và từ đó, có những giải pháp cụ thể. Bởi xu hướng tăng trưởng đường cao tốc và cơ giới hóa phương tiện đi lại như hiện nay là không thể đảo ngược.

Nếu chúng ta không có những thay đổi căn bản thì những vụ tai nạn giao thông tương tự rất có thể xảy ra.

Tiến sỹ Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia 

Trong trường hợp này, cả xe cứu hỏa và xe khách đã “quên” nguyên tắc "2 giây" trong khi lái xe, nhất là đi trên đường cao tốc. Áp dụng quyền ưu tiên nhưng phải lấy an toàn là trên hết.

PV: Sau tai nạn, cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Hà Nội có công bố thông tin và đưa ra nhận định rằng lái xe của xe cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã đi đúng thẩm quyền, xe ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ. Vậy ý kiến của ông về điều này ra sao?

Ông Trần Hữu Minh:Tôi cho rằng, về mặt pháp luật thì đúng thẩm quyền. Nhưng thẩm quyền cũng luôn gắn với quy trình. Khi chúng ta có bất cứ một vụ tai nạn, va chạm nào liên quan thì điều ấy gắn với việc chúng ta phải rà soát lại tất cả các quy trình, xem bất cập nằm ở đâu.

Về bản chất, tôi cho rằng việc ưu tiên cho các lực lượng chức năng để có thể tiếp cận, cứu hộ các hiện trường một cách nhanh nhất là điều hết sức phổ biến, không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới cũng áp dụng quan điểm như vậy.

Tuy nhiên, khi thực hiện quyền ưu tiên đó thì luôn phải đi kèm với những hướng dẫn rất chặt chẽ, cũng như các công tác tập huấn. Tôi lấy ví dụ như quy trình về bật đèn, hú còi hay công tác cảnh báo dòng giao thông để giảm tốc độ, điều tiết dòng giao thông ở khu vực xảy ra va chạm. Tất cả đều liên quan đến quy trình.

PV: Vậy xe ưu tiên trong trường hợp này được hiểu như thế nào cho đúng, thưa ông?

Ông Trần Hữu Minh:Tôi nghĩ việc giành quyền ưu tiên là việc rất rõ ràng, rất hợp lý. Vấn đề ở đây là chúng ta cần xem xét tất cả các quy trình, các bước xem đã tổ chức thực hiện ổn chưa, để làm sao các chiến sỹ khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình vẫn được quyền ưu tiên đó. Vì công việc đó đòi hỏi phải có ưu tiên. Tức là, công việc cứu người rất cấp bách và đặt trong một điều kiện sức ép rất lớn về công việc và thời gian như vậy, chắc chắn phải có ưu tiên, các lực lượng chức năng đề cần phải có quyền ưu tiên như vậy.

Hình ảnh hiện trường vụ xe khách đâm xe chữa cháy.

Nhưng rõ ràng, để thực hiện quyền ưu tiên đó một cách an toàn, chúng ta cần làm gì, cần có các bước, các công tác tổ chức thực hiện như thế nào? Theo tôi, đó là những vấn đề chúng ta cần đặc biệt quan tâm.

PV: Hiện có 2 luồng ý kiến trái chiều nhau về trách nhiệm của lái xe khách, trách nhiệm của lái xe cứu hỏa. Quan điểm của ông như thế nào?

Ông Trần Hữu Minh:Tôi cho rằng, có một số rất ít trường hợp các vụ TNGT nghiêm trọng có thể được cấu thành từ hành vi của một lái xe, của một người, nhưng có tỷ lệ rất lớn các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân đến từ nhiều phía, nhiều người cùng có liên quan đến vụ việc ấy.

Tất cả các quy định đặt ra để đảm bảo an toàn cho con người, không có quy định nào ngẫu nhiên và không có quy định nào thừa. Đặc biệt, trên đường cao tốc, chúng tôi khuyến cáo người dân càng phải cẩn trọng hơn vì khi tham gia đường cao tốc thì tốc độ giao thông rất cao. Chỉ cần chúng ta lơ là một giây, hai giây thì lập tức mọi thứ sẽ đi rất xa.

Hình ảnh vụ xe khác đâm xe cứu hỏa trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ngày 18/3 vừa qua.

Ở nước ta chỉ có những km đường cao tốc đầu tiên vào những năm 2010, 2011. Mặc dù có một số nội dung về đường cao tốc đã được đưa vào Luật Giao thông Đường bộ, nhưng rõ ràng, trải nghiệm về đường cao tốc rất hạn chế, kể cả người lái xe mới hay những người lái xe trước đây có bằng rồi thì việc tăng cường, tích lũy các kỹ năng lái xe trên đường cao tốc đều hết sức cần thiết.

Từ những phân tích trên, chúng ta có thể thấy rằng vai trò của người tham gia giao thông cực kỳ quan trọng. Khi chúng ta tham gia giao thông, chúng ta phải tuyệt đối tuân thủ các quy định, quy tắc trong Luật Giao thông Đường bộ, trong quy tắc khi tham gia giao thông.

PV: Sau vụ việc này, có nhiều ý kiến đề xuất rằng chúng ta cần cải cách Luật Đường bộ và đặc biệt là nên rõ ràng về quyền ưu tiên ở các tuyến đường cao tốc?

Ông Trần Hữu Minh: Khi có bất cứ một vụ TNGT xảy ra thì đó là một điều hết sức đáng tiếc và không ai mong muốn cả. Nhưng điều đó đòi hỏi tất cả các cơ quan chức năng có liên quan phải rà soát lại các quy định pháp luật, trong đó có Luật Giao thông đường bộ, để xem có bất cập ở đâu thì chúng ta phải chỉnh sửa.

Tuy nhiên, về vấn đề quyền ưu tiên, như tôi phân tích lúc trước là quyền ưu tiên cho các lực lượng chức năng kể trên đường cao tốc để tiếp cận các khu vực cần cứu hộ, cứu nạn là điều rất phổ biến không chỉ tại Việt Nam, mà các quốc gia khác trên thế giới cũng đang áp dụng.

Trên đường cao tốc, họ không phải dùng quyền ưu tiên là đi ngược chiều vì làn đường khẩn cấp được tuân thủ một cách rất tốt, phần lớn giao thông đi đúng làn và khi có tín hiệu của xe ưu tiên thì tất cả các phương tiện tham gia giao thông sẽ nhường đường, không đi vào làn đường khẩn cấp. Qua đó, tạo điều kiện để xe ưu tiên có thể đi vào làn khẩn cấp và rất nhanh để có thể tiếp cận hiện trường.

Nhưng về mặt pháp luật, thực tế đã cho thấy, có nhiều trường hợp họ tiếp cận rất nhiều phương thức vận tải khác nhau, rất nhiều hướng khác nhau để tiếp cận hiện hiện trường đó. Thậm chí họ có thể phá bỏ những công trình giao thông, có thể đi ngược chiều, làm những điều bình thường không cho phép. Đó là những việc phổ biến.

Nhưng có quy trình để tổ chức và kiểm soát dòng giao thông trong khu vực va chạm để đảm bảo phương tiện giao thông tiếp cận vào vẫn an toàn.

Tôi cho rằng, thay vì việc giới hạn quyền ưu tiên, điều chỉnh quyền ưu tiên thì chúng ta phải làm sao đảm bảo được quyền ưu tiên cho lực lượng chức năng. Thứ nhất là xây dựng các quy trình cứu hộ thật chặt chẽ, để làm sao đảm bảo được vừa đơn giản, vừa tinh gọn, vừa nhanh, hiệu quả mà vẫn đảm bảo an toàn, vẫn cho phép lực lượng chức năng đảm bảo quyền ưu tiên.

Tiếp theo, khi chúng ta đã có quy trình rồi thì tôi nghĩ rằng chúng ta cũng phải tổ chức các buổi diễn tập, các đợt tập huấn để làm sao đảm bảo được các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các đồng chí chiến sỹ, thực hiện chức năng, nhiệm vụ hiểu được quy trình, có đầy đủ trang thiết bị, có đầy đủ kiến thức…

PV: Thưa ông, trong luật pháp Việt Nam thì quyền ưu tiên khi tham gia giao thông được hiểu như thế nào, đặc biệt là quyền ưu tiên đi vào đường ngược chiều, ngược làn trên đường cao tốc?

Ông Trần Hữu Minh:Tôi cho rằng, quyền ưu tiên cho các lực lượng chức năng thực hiện quyền ưu tiên khẩn cấp để tiếp cận hiện trường cứu hộ, cứu nạn, về cơ bản không giới hạn và có thể thực hiện ở tất cả các nơi, các vị trí, không gian mà thực tế yêu cầu.

Ở đây có một điều hết sức quan trọng cần phải làm rõ là quyền ưu tiên đó cần phải thực hiện gắn với quy trình. Những công đoạn đó phải đảm bảo sao cho chúng ta thực hiện quyền ưu tiên và cũng đảm bảo được an toàn.

Tôi lấy ví dụ, trước khi chúng ta đi ngược chiều, hoặc trước khi chúng ta phá giải phân cách ra để sang làn đối diện thì sẽ cần phải có những bước như cảnh báo làn giao thông, giảm tốc dộ dòng giao thông, phân làn điều tiết dòng giao thông, đi và kiểm soát dòng giao thông tại khu vực có va chạm.

Đó là những quy định để đảm bảo chúng ta vẫn được ưu tiên, tiếp cận với khu vực cần thực hiện chức năng cứu hộ, cứu nạn, đồng thời chúng ta đảm bảo được ban toàn tuyệt đối cho lực lượng thực thi công vụ trong quá trình làm nhiệm vụ.

PV: Xin cảm ơn ông!./.