Tại nghị trường kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, thảo luận về dự án Luật an toàn thông tin, nhiều đại biểu cho rằng, việc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng hiện nay còn hời hợt. 

Trong khi đó, mặt trái của phát triển công nghệ thông tin như: xâm phạm các thông tin cá nhân, xâm phạm và phát tán thông tin không hợp pháp, phát tán thông tin không hay, thông tin bí mật trong hoạt động sản xuất kinh doanh… đôi khi gây tác hại rất lớn trong đời sống xã hội. 

Yêu cầu đặt ra hiện nay là phải có giải pháp và quản lý về kỹ thuật hợp lý để đảm bảo thông tin trao đổi được an toàn, đúng pháp luật.

Nữ sinh tự tử do tác động của Internet

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) đã nhắc lại câu chuyện đau lòng về cái chết của nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai, khi em bị bạn trai 22 tuổi đưa video về quan hệ của hai người lên mạng xã hội. Chỉ sau khi xuất hiện 2 ngày, video này đã lan truyền với tốc độ rất nhanh, có tới 5.068 người xem. Việc này gây tác động rất mạnh đến tâm lý của nữ sinh, kết quả rất đau lòng là em đã quyên sinh.

nu_sinh_15_tuoi_oyir.jpg
Mạng xã hội đã góp phần đẩy nữ sinh 15 tuổi tìm đến cái chết (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Có một câu nói của nữ sinh trong thời gian chạy chữa tại bệnh viện làm đại biểu hết sức suy nghĩ đó là "xin cộng đồng mạng hãy tha cho cháu". “Có thể nói, mạng xã hội đã góp phần đẩy nữ sinh đến kết cục đau lòng. Câu hỏi đặt ra là có cách nào, biện pháp nào ứng cứu khẩn cấp đối với người thân, đối với gia đình của em nữ sinh khi phát hiện ra vấn đề này? Gia đình cũng không biết cầu cứu ở đâu và cũng không biết liên hệ với ai để ngăn chặn việc phát tán này?” – đại biểu Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.

Theo đại biểu, việc bảo vệ thanh thiếu niên trước những tác động xấu của mạng Internet, mạng xã hội đã được nhiều nước quan tâm; đặc biệt, tại Diễn đàn nghị sỹ trẻ toàn cầu được tổ chức tại Tokyo ngày 24, 25/5 vừa qua cũng đã đề cập đến vấn đề này một cách hết sức sâu sắc. Theo bà Nguyễn Thanh Hải, việc xây dựng Luật an toàn thông tin sẽ là một cơ hội để có thể giảm thiểu các tác động xấu, tác động mặt trái của mạng Internet, mạng xã hội lên thanh thiếu niên.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) cũng đề nghị cần có biện pháp bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên khỏi tác động tiêu cực của Internet; cần khắc phục những bất cập về phòng ngừa và ngăn chặn những tác động tiêu cực của Internet. 

Cùng với việc tôn trọng quyền tự do ngôn luận, bảo đảm an toàn bí mật thông tin cá nhân, cần có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích xấu, tuyên truyền kích động bạo lực, đồi trụy, tội ác…  

Hiểm họa ẩn sau bàn phím

Các đại biểu thừa nhận, hiện tượng mất an toàn thông tin ngày càng diễn ra phức tạp, tinh vi và khó ứng biến. Điều này gây ra nhiều tổn thất lớn cho các cá nhân, tổ chức, thậm chí gây ra những ảnh hưởng lớn về kinh tế, chính trị và xã hội.  Nhiều hành vi giả mạo tên cá nhân, tổ chức để thành lập các trang mạng, blog, Facebook... để đưa thông tin xuyên tạc, sai sự thật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cá nhân, tổ chức bị giả mạo.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (TP Cần Thơ) nhấn mạnh, trong một thế giới với sự phát triển cực kỳ nhanh chóng của công nghệ thông tin, nguyên tắc thông tin của cá nhân thì cá nhân phải bảo vệ trước là rất quan trọng. Khi thông tin cá nhân được các cá nhân, tổ chức thu thập, được sự đồng ý của cá nhân đó thì phải có trách nhiệm bảo vệ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương cũng đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm, cá nhân, tổ chức thu thập thông tin, nhưng sử dụng sai mục đích ban đầu và làm phát tán thông tin cá nhân khi không được phép của người cung cấp thông tin. Thực tế hiện nay cho thấy, việc phát tán thông tin cá nhân đang xảy ra và gây những tác hại, khó truy trách nhiệm của các cá nhân hay tổ chức thu thập làm phát tán thông tin.

Theo Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), tại Việt Nam, trong 138,6 triệu thuê bao di động hiện nay đã có hơn 52% trong số đó sử dụng điện thoại thông minh; 34% dân số sử dụng Internet bằng di động. Tấn công mạng diện rộng là nguy cơ mà diễn ra hàng giờ, hàng ngày và có mức độ nguy hiểm ngày càng tăng. Do đó, theo ông Phạm Trọng Nhân, chúng ta không thể làm ngơ trước cảnh báo Việt Nam là nước đứng đầu danh sách các quốc gia có người dùng Internet, máy tính dễ bị lây nhiễm phần mềm độc hại cục bộ cao nhất thế giới.

“Ngay trong hội trường này, khi đã được phá sóng tất cả các đường truyền Internet, thế nhưng nguy cơ bị tấn công cục bộ từ nguồn các máy tính xách tay khi kết nối với mạng nội bộ Văn phòng Quốc hội vẫn có thể diễn ra. Mức độ nguy hiểm ở đây chính là hệ thống lại không bị đánh sập, kiểu ngựa Thành Troy. Đó là phương thức phổ biến của các hacker chuyên nghiệp có hệ thống, thậm chí có tài trợ của Chính phủ, của các quốc gia đã và đang có nguy cơ xung đột chính trị với nước ta” – đại biểu Phạm Trọng nhân nói.  

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (TP Hà Nội) liệt kê: Trong năm 2014, gần 6.000 trang web bị tấn công chiếm quyền quản trị chỉnh sửa nội dung, hơn 400 trang trong dịp Quốc khánh 2/9 bị tin tặc nước ngoài chèn các nội dung xuyên tạc. Đợt tấn công từ chối dịch vụ DDOS vào trung tâm dữ liệu của VCCorp khiến nhiều tờ báo mà công ty này vận hành kỹ thuật như Dân trí, Người Lao động, Soha, VnEconomy, Kênh 14... bị tê liệt.

Theo đó, ông Nguyễn Phi Thường đề nghị cần quy hoạch tổng thể chi tiết gồm cả chiến lược, cách tiếp cận các quy trình chuẩn mực nguồn lực... về quản trị thông tin./.