Sau khi nhận được thông tin hàng trăm giếng nước của người dân trên địa bàn các xã Lâm Xa và Lương Ngoại huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa bị nhiễm bẩn, bốc mùi hôi tanh không thể sử dụng, các ngành chức năng Thanh Hóa đã lập đoàn kiểm tra. Ban đầu, theo đánh giá cảm quan nước có màu trắng đục, mùi tanh, mùi tanh tại các giếng nước ở xã Lương Ngoại cao hơn các giếng ở xã Lâm Xa.

vov_gieng_nuoc_1_fayq.jpg
Hàng trăm giếng nước của người dân Bá Thước bỗng có mùi hôi tanh, không thể sử dụng nhiều năm nay

Sau khi kiểm tra, đoàn công tác đánh giá: nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của việc ngăn đập Bá Thước 2, tích nước để vận hành Nhà máy thủy điện làm ngập một diện tích lớn lớp phủ thực vật dẫn đến sự phân hủy các chất hữu cơ hòa tan trong nước gây nên tình trạng ô nhiễm, bốc mùi hôi tanh, làm ảnh hưởng đến chất lượng nước trong lòng hồ. Nguồn nước này thấm xuống các tầng nước ngầm làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước tại các giếng nước của vùng thượng lưu lòng hồ.

Nguyên nhân khách quan, tại lòng hồ thủy điện Bá Thước 2, tình trạng rác từ thượng nguồn đổ về và rác thải sinh hoạt không được thu gom, xử lý gây ô nhiễm nguồn nước. Mặt khác, do giếng nước đậy kín và ý thức của người dân về vệ sinh giếng nước, khu vực xung quanh chưa đúng cách, tạo điều kiện cho vi sinh vật ở môi trường xung quanh xâm nhập gây nhiễm bẩn nguồn nước.

Chỉ đạo xử lý khắc phục ô nhiễm nước sinh hoạt của UBND tỉnh Thanh Hóa.

 

Trước mắt, các ngành đề nghị giải pháp, khi chưa có kết luận chính thức về chất lượng các giếng nước thì huyện Bá Thước tuyên truyền, hướng dẫn người dân vệ sinh khu vực xung quanh giếng, xây hệ thống bể lọc xử lý nước trước khi sử dụng cho sinh hoạt; rà soát các giếng nước của 2 xã Lâm Xâ và Lương Ngoại để Cty Thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa hỗ trợ xây dựng bể lọc; Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị lấy mẫu phân tích, đánh giá chất lượng nguồn nước…

Tiếp đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn chỉ đạo: yêu cầu Cty Thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa tiến hành thu gom, xử lý rác thải thường xuyên để không làm ô nhiễm nguồn nước mặt; hỗ trợ xây dựng bể lắng lọc cho các hộ dân đang bị ô nhiễm thuộc các xã Lâm Xa, Lương Ngoại…

Và một phương án hữu hiệu hơn là UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao cho UBND huyện Bá Thước lập đề án đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch để đảm bảo cấp nước sạch phục vụ cho sinh hoạt cho các xã Lâm Xa, Lương Ngoại và các vùng lân cận.

Trước đó, VOV.VN đã phản ánh, từ tháng 5/2013, Nhà máy thủy điện Bá Thước 2 (Công ty Thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa) hoàn thành đi vào sử dụng, cũng là thời điểm nước giếng sinh hoạt của người dân nhiều xã trên địa bàn có hiện tượng lạ.

Theo báo cáo của UBND huyện Bá Thước, công trình thủy điện Bá Thước 2 đã ngăn đập và đi vào hoạt động sản xuất từ năm 2013, phạm vi vùng lòng hồ thuộc địa phận 8 xã (Thiết Ống, Lâm Xa, Ái Thượng, Ban Công, Tân Lập, Hạ Trung, Điền Lư và Lương Ngoại)… Tuy nhiên, một số giếng nước sinh hoạt tại các khu dân cư vùng phụ cận lòng hồ có mùi hôi tanh, không sử dụng được. Cụ thể, xã Lâm Xa có 92 giếng, xã Lương Ngoại có 40 giếng. Nhân dân khu vực này đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương, UBND huyện Bá Thước đã phối hợp với các xã, Cty CP Thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa tổ chức xác định nguyên nhân nhưng do điều kiện về chuyên môn nên chưa xác định được.

Người dân loay hoay với nước sinh hoạt.

 

Như vậy, không chỉ riêng gì các hộ dân tại xã Lâm Xa, ngay cả 40 giếng nước của 40 hộ dân xã Lương Ngoại cũng nằm trong tình trạng tương tự. Đặc biệt, vùng lòng hồ của Nhà máy thủy điện Bá Thước 2 có tới 8 xã, nếu các cơ quan chức năng không sớm làm rõ, để dân vẫn “dài cổ” chờ hết năm này qua năm khác thì không biết đời sống người dân sẽ bị đảo lộn như thế nào.

Hiện 132 giếng nước cũng là 132 hộ gia đình tại huyện Bá Thước vẫn đang từng ngày đi xin nước sinh hoạt, mỏi mòn chờ cách xử lý của các ngành chức năng./.