Sự vô tình của tạo hóa đẩy bao phận người sống trong nghiệt ngã…
Có những ước mơ tưởng giản đơn nhưng đẫm nước mắt…
Xã hội chúng ta đang sống, có những con người bị “mắc kẹt” ngay trong thân xác của họ!
Cánh cửa hy vọng nào cho những người chuyển giới?
Đây chính là nội dung được diễn đàn VOV2 - "Cuộc sống muôn màu" mang đến Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15-2022. Với chủ đề “Mắc kẹt”, VOV2 đã thể hiện được những góc khuất đằng sau người chuyển giới.
Kênh VOV2 (Đài Tiếng nói Việt Nam) đã mời tới chương trình chị Nguyễn Nhất Linh (48 tuổi) người phụ nữ đã trải qua hơn 30 năm mắc kẹt trong chính cuộc đời mình. Chị Nhất Linh là một người chuyển giới nhưng không phẫu thuật chuyển giới, không can thiệp về mặt y tế, không tiêm hoóc-môn.
“Tôi sinh ra mang giới tính sinh học là nam, tên nam giới, nhưng từ khi nhận thức được tôi luôn cảm nhận giới tính bản thân là một cô gái. Dù không phẫu thuật chuyển giới nhưng tôi lựa chọn sống thật với chính mình, trái với giới tính sinh học khi được sinh ra. Ước mơ của tôi là khi già mất đi chỉ mong nhận được giấy chứng tử là con gái"- chị Nhất Linh tâm sự.
“Tôi rất thích mặc áo dài Việt Nam vì khi đó tôi tự tin và cảm thấy mình giống một người phụ nữ nhất. Mỗi lần ba tôi thấy tôi mặc đồ con gái sẽ đánh rồi lột đồ treo lên ghế, ba nghĩ tôi bệnh hoạn. Nhiều lần tôi buồn và tìm cách tự tử song không thành nhờ có mẹ luôn bên cạnh an ủi, chia sẻ cùng tôi”.
“Tiền bạc không có, không ai chấp nhận hết, xã hội không chấp nhận, chồng tôi đánh nó dữ lắm, tôi thương con nhưng không biết phải làm sao” – chia sẻ xúc động từ mẹ ruột của chị Nhất Linh.
Chấp nhận cuộc sống, chấp nhận bản thân, chấp nhận bị mắc kẹt trong chính mình với muôn vàn khó khăn, tủi nhục và cả sự kỳ thị của xã hội. Vậy đến bao giờ mới được thừa nhận, mới được công nhận, được là chính mình? Đây là câu hỏi mà những người như chị Nhất Linh day dứt suốt nhiều năm qua.
Diễn đàn VOV2 mời tới chương trình bà Nguyễn Thị Kim Dung (Trung tâm hỗ trợ sáng kiến và phát triển cộng đồng). Sau khi lắng nghe câu chuyện của chị Nhất Linh, bà Kim Dung cho biết: “Hiện Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế chủ trì xây dựng vẫn chưa được thông qua, mong muốn thay đổi giới tính trên giấy tờ là ước mơ không chỉ riêng của chị Nhất Linh mà còn của nhiều người chuyển giới trên khắp Việt Nam”.
Nhiều người lựa chọn tự tiêm hoóc-môn nhưng không đến bệnh viện, chấp nhận gặp biến chứng về y khoa có thể dẫn tới tử vong chỉ với mong muốn được sống một ngày đúng nghĩa, đúng giới tính như họ mong muốn.
Sự nhìn nhận của gia đình, những định kiến xã hội cho đến thời điểm hiện tại là điều ám ảnh đối với những người chuyển giới. Họ bị mắc kẹt trong tạo hóa vô tình, rất khó vượt qua lồng giam của chính mình. Chúng ta cần có cái nhìn nhân văn, mang tính tích cực hơn để có thể đồng cảm, hướng tới một xã hội nhân văn hơn.
Bà Đinh Thị Thu Thủy (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế) cho biết: Dự thảo luật chuyển đổi giới tính đang ở giai đoạn lập hồ sơ đề nghị Chính phủ thông qua. Đây được xem là một bước tiến quan trọng, trong đó có sự thay đổi tư duy về công nhận sự đa dạng về giới.
Nếu dự thảo Luật chuyển đổi giới tính được thông qua sẽ có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chuyển đổi giới tính.
“Là những phóng viên theo dõi về mảng y tế, sức khỏe chúng tôi được tiếp xúc với nhiều người chuyển giới giống nhân vật của mình. Họ sống trong sự khắc nghiệt, bên lề xã hội, câu chuyện của họ đã làm lay động chúng tôi. Do đó, qua chương trình, chúng tôi mong muốn gửi thông điệp tới cộng đồng và đặc biệt là những người thực hiện Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính có thể sớm ban hành Luật, giúp những người chuyển giới như chị Nhất Linh có thể được xã hội thừa nhận và được là chính mình”-phóng viên Đinh Thu Trang, Trưởng Phòng phát thanh Y tế của VOV2 chia sẻ./.