Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H7N9 lây từ gia cầm sang người tại Trung Quốc và cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm ở Campuchia, cuối giờ chiều 20/2, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp khẩn bàn biện pháp chủ động phòng chống và khởi động Văn phòng đáp ứng khẩn cấp với dịch bệnh cúm gia cầm trên người. Cuộc họp có sự tham gia của các Viện Pasteur khu vực Tây Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh và Khánh Hòa.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết vừa ghi nhận 4 ổ dịch cúm A/N5N1 hoặc H5N6 trên đàn gia cầm tại 4 tỉnh: Bạc Liêu, Nghệ An, Nam Định và Quảng Ngãi.

vov_hop_bao_iwje.jpg
Bộ Y tế tổ chức cuộc họp khẩn bàn biện pháp chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm trên người.
Tại cuộc họp, đại diện Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, trong 2 tháng đầu năm đã ghi nhận 3 ổ dịch cúm A/H5N1 tại các xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu; xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An và xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

Riêng ổ dịch cúm gia cầm tại 3 hộ thuộc xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, ngày 20/2 đã được tiêu hủy 3.600 con gia cầm. Đặc biệt, Ủy ban nhân dân huyện Trực Ninh đã ra quyết định công bố dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm. Bên cạnh đó, tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cũng ghi nhận ổ dịch cúm A/H5N6 trên gia cầm. Nguy cơ dịch bệnh lây từ gia cầm sang người là rất lớn

Còn theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ tháng 10/2016 đến nay, tại Trung Quốc phát hiện 425 trường hợp mắc cúm A/H7N9, tập trung ở 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, trong đó gần một nửa trong số đó đã tử vong. Điều đáng lo ngại là cúm A/H7N9 có nguồn gốc từ gia cầm nhưng gia cầm lại không có biểu hiện triệu chứng và thường tăng cao vào mùa Đông Xuân, liên quan đến việc vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm.

Trong một diễn biến khác, tại Campuchia đã xảy ra một số ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm tại tỉnh Sveyrieng trong tháng 1 vừa qua. Đây là tỉnh  có chung đường biên giới với nước ta.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện nước ta chưa có trường hợp nào mắc cúm A/H7N9, H5N1 trên người nhưng vẫn ghi nhận một số ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm. Hiện chưa có bằng chứng lây truyền cúm A/H7N9 từ người sang người. Tuy nhiên việc giao lưu thương mại, du lịch giữa Việt Nam với Trung Quốc cũng như Campuchia rất lớn và việc buôn bán, vận chuyển gia cầm qua biên giới đã dẫn đến nguy cơ dịch bệnh cúm A/H7N9 và H5N1 có khả năng xâm nhập vào nước ta.

Khẳng định, không có dịch cúm trên gia cầm sẽ không có dịch cúm trên người, Bộ Y tế đã đề nghị các Bộ, ngành chức năng cùng vào cuộc, chủ động các biện pháp phòng chống, kiểm soát tốt việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, không để gia cầm nhập lậu qua biên giới.

Đồng thời Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc giám sát chặt chẽ các ca bệnh tại khu vực dọc biên giới; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm đối với những người nghi mắc bệnh và những người chuyên tiếp xúc, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, nhất là tại khu vực giáp biên giới Campuchia và Trung Quốc. Bên cạnh đó, sẽ phát động đợt phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại những vùng nguy cơ cao trên toàn quốc; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chủ động các biện pháp phòng chống, không để dịch bệnh lây sang người; trong đó, tuyệt đối không ăn tiết canh, không chế biến, ăn thịt gia cầm ốm hoặc chết nghi do bệnh dịch./.