Trong khuôn khổ Diễn đàn Người khuyết tật khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, sáng 28/11, tại Hà Nội diễn ra phiên họp toàn thể lần 2 với chủ đề Công ước quốc tế về quyền của Người khuyết tật và Mục tiêu phát triển của Liên Hợp Quốc sau năm 2015.
Tại phiên họp, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội nêu rõ, việc phê chuẩn Công ước quyền của người khuyết tật là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển vì lợi ích dành cho người khuyết tật. Đồng thời, là một trong những căn cứ pháp lý để Việt Nam khẳng định quan điểm của mình đối với thế giới trong lĩnh vực người khuyết tật nói riêng và nhân quyền nói chung. Trong đó bao gồm quyền không bị phân biệt đối xử vì lý do họ bị khuyết tật.
Ông Hà Đình Bốn cho biết, Công ước quyền của Người khuyết tật cơ bản đã khẳng định, nhắc lại các quyền của người khuyết tật và thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của Nhà nước, cộng đồng và chính người khuyết tật đối với việc bảo vệ quyền của họ. Cơ bản các điều của Công ước đã được nội luật hóa vào pháp luật Việt Nam.
Theo ông Joakim Parker, Trưởng đại diện Cơ quan phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID) tại Việt Nam, Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền của Người khuyết tật đã được hầu hết các quốc gia trên thế giới ký kết. Thời gian qua, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa kỳ tại Việt Nam đã hỗ trợ mạng lưới các chuyên gia y tế cải thiện chất lượng làm chân tay giả và dịch vụ chỉnh hình tại Việt Nam; mở rộng các hoạt động hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, giáo dục cho trẻ khuyết tật; hỗ trợ xây dựng luật về người khuyết tật và xây dựng năng lực cho người khuyết tật, giúp thành lập Ủy ban Điều phối quốc gia về Người khuyết tật, ban hành kế hoạch hành động quốc gia về người khuyết tật và phục hồi chức năng và ban hành Luật Người khuyết tật Việt Nam.
Về những cam kết trong hoạt động hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam thời gian tới, ông Joakim Parker, Trưởng đại diện Cơ quan phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID) tại Việt Nam cho biết: Chương trình dành cho người khuyết tật kéo dài từ năm 2014 đến 2018 sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng chính sách và tuyên truyền cho vấn đề người khuyết tật, bao gồm hỗ trợ Việt Nam tham gia vào Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền của Người khuyết tật.
Chương trình sẽ nỗ lực cải thiện chất lượng và việc áp dụng các biện pháp vận động trị liệu, chức năng trị liệu và ngôn ngữ trị liệu. Những hoạt động này có thể là điểm khởi đầu để người khuyết tật tăng cường tiếp cận tới dịch vụ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho mình.
Chiều cùng ngày, Diễn đàn Người khuyết tật khu vực châu Á- Thái Bình Dương sẽ họp phiên toàn thể cuối cùng và bế mạc./.