Virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 sẽ gây ra hàng loạt các triệu chứng lâm sàng như sốt, ho, đau họng, nhức đầu và nhiều triệu chứng khác. Trong đó, một số triệu chứng được đánh giá là nghiêm trọng, chẳng hạn như hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) có thể gây tử vong.
Trong nghiên cứu vừa được công bố mới đây, các nhà khoa học tại Đại học Queensland (Australia) đã phát hiện một phần nguyên nhân giải thích vì sao trẻ em lại đề kháng với COVID-19 tốt hơn người lớn. Nguyên nhân được tìm thấy là do niêm mạc mũi của trẻ có sự khác biệt với người lớn.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã lấy các mẫu tế bào mô mũi của 23 trẻ từ 2 đến 11 tuổi và 15 người lớn từ 19 đến 66 tuổi ở Úc, tất cả đều có sức khỏe tốt. Họ cho các tế bào này tiếp xúc với nhiều chủng virus SARS-CoV-2. Sau đó, các nhà khoa học quan sát quá trình lây nhiễm và phản ứng kháng virus.
Kết quả cho thấy, lớp niêm mạc mũi của trẻ em có khả năng ức chế sự lây nhiễm và nhân lên của các chủng vius SARS-CoV-2 xuất hiện trên động vật hoang dã và biến thể Delta. Tuy nhiên, khả năng này không có hiệu quả với biến thể Omicron.
Nghiên cứu được công bố trên chuyên san PLOS Biology. Mặc dù nghiên cứu đã mang đến những phát hiện mới nhưng các tác giả cho biết nó vẫn còn một số hạn chế.
Hạn chế đầu tiên là nghiên cứu chỉ thực hiện trên một nhóm nhỏ 38 người. Do đó, các nghiên cứu trong tương lai cần phải thực hiện trên nhóm người lớn hơn, đồng thời xác định rõ tác động của các yếu tố liên quan, chẳng hạn như ảnh hưởng của kháng thể trong cơ thể trẻ em./.